16/10/2012 | 17:47:00

Hội thảo ngôi nhà xanh Việt Nam diễn ra tại HN

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Viện Goethe Hà Nội đã tổ chức hội thảo "Ngôi nhà xanh Việt Nam: Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại".

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Almuth Meyer Zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cho biết, hội thảo "Ngôi nhà xanh Việt Nam: Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại" là tiếp nối hội thảo năm 2010. Nhóm các chuyên gia, nhà khoa học đa ngành Đức-Việt Nam, đại diện một số bộ, ngành, văn phòng kiến trúc, một số tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp xây dựng cùng trao đổi về những khó khăn, trở ngại và hướng giải quyết để khuyến khích công tác thiết kế phù hợp với khí hậu và xây dựng sử dụng năng lượng một cách hiệu quả ở Việt Nam.

Tiến sĩ Michael Waibei, nghiên cứu viên cao cấp, Trường đại học Hamburg, CHLB Đức đã trình bày trình bày các đặc điểm của ngành xây dựng, từ đó chỉ ra rằng đầu tư theo hướng xây dựng nhà ở thích ứng tốt hơn với điều kiện khí hậu và các công trình sử dụng tiết kiệm năng lượng sẽ giúp tiết kiệm chi phí trong trung hạn và dài hạn. Theo đó khái niệm "ngôi nhà xanh" ở Việt Nam được hiểu là được xây dựng theo phong cách sống xanh.

Tiến sĩ M. Waibei cho biết: Mục đích chính của "Cẩm nang Kiến trúc xanh 2011" hay còn gọi "Sổ tay ngôi nhà xanh" của nhóm nghiên cứu Đức và Việt Nam là tối đa hóa tiềm năng to lớn của kiến trúc nhà ở để giảm mức phát thải nhà kính của Việt Nam. Tài liệu vận dụng cách tiếp cận từ dưới lên theo hướng thuyết phục.

Trong những năm qua, nhiều công trình nhà ở đã được xây dựng ở Việt Nam, vì vậy cần xây dựng thói quen tiêu dùng mới là thân thiện với môi trường. Áp dụng biện pháp xanh trong ngôi nhà xây dựng. Theo đó, trong những ngôi nhà phố, giải pháp được tính đến là tiết kiệm năng lượng dựa trên những nguyên tắc thiết kế như diện tích bề mặt tiếp xúc với bức xạ trực tiếp từ mặt trời cần càng nhỏ càng tốt, thông gió tự nhiên...; về bố cục không gian nội thất; che chắn nắng cho công trình; thông gió và làm mát; tiết kiệm tiền khi sử dụng nước nóng bằng năng lượng mặt trời...

Sổ tay cũng nêu bật việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, vật liệu xây dựng thân thiện môi trường và kiến trúc tổng thể là những cách tốt nhất để giảm thiểu tác động tới môi trường và tiết kiệm chi phí tối đa. Cẩm nang cũng nhấn mạnh đến thái độ và hành động của người sử dụng vẫn là yếu tố cơ bản tạo ảnh hưởng lớn và lâu dài.

Tại hội thảo, chuyên gia đến từ Bộ Công thương đã giới thiệu Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (VNEEP). Báo cáo của Vụ trưởng Vụ khoa học, công nghệ, hiệu quả năng lượng, Tổng cục năng lượng, Bộ Công thương, Tiến sĩ Phương Hoàng Kim cho thấy, chương trình này giai đoạn 1 từ năm 2006-2010 có mục tiêu là tích cực triển khai mọi lĩnh vực của chương trình. Giai đoạn 2 từ năm 2011-2015 có mục tiêu là mở rộng từng lĩnh vực, dựa trên những bài học kinh nghiệm tích lũy được từ giai đoạn 1.

Chương trình đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng 3-5% và 5-8% trên tổng mức tiêu dùng năng lượng quốc gia trong hai giai đoạn chương trình. Bộ Công thương đã hoàn thành đánh giá triển khai chương trình VNEEP giai đoạn 1, với mức tiết kiệm ước tính đạt được là 3%.

Căn cứ trên các kết quả đạt được từ giai đoạn 1, Bộ Công thương và Bộ Xây dựng đã nhất trí thực hiện một số hoạt động của giai đoạn 2 VNEEP, chẳng hạn như tổ chức hai cuộc thi "Công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm" và "Quản lý năng lượng trong sản xuất, xây dựng" trong năm 2012, cũng như một số chiến dịch nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng cho các cộng đồng địa phương.

Làm thế nào để đẩy mạnh mô hình công trình xanh ở Việt Nam, Giám đốc điều hành Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) Yannick Millet cho rằng, hiện nay nhu cầu xây dựng đang tăng nhanh. Việt Nam lại là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu như: khan hiếm nước, bão lụt, nước biển dâng...

Trước tình hình đó, áp dụng mô hình công trình xanh đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo phát triển bền vững ở Việt Nam. Công trình xanh đã chứng tỏ lợi ích về môi trường, sức khỏe, xã hội. Mô hình này có thể giải quyết cả vấn đề thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, công trình xanh vẫn còn là khái niệm mới và mới chỉ được áp dụng hạn chế. Để khắc phục những trở ngại cần có giải pháp của nhà nước cũng như mọi thành phần trong việc xây dựng, thiết lập một lộ trình rõ ràng về phát triển xanh ở Việt Nam.

Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về việc phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam phù hợp với các yếu tố khí hậu, kinh tế, văn hóa và xã hội; Bài học kinh nghiệm về thích ứng khí hậu và phát triển bền vững kiến trúc nhà ở và truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam; Giải pháp để đẩy mạnh mô hình công trình xanh ở Việt Nam; Giải pháp thực thi Quy chuẩn xây dựng về công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả mới của Việt Nam; Giảm mức tiêu thụ điện dùng cho điều hòa không khí trong công trình ở vùng khí hậu nhiệt đới.../.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark