06/09/2010 | 14:51:00

“Karaoke mía đá”, rộn rã phố phường Hà Nội

Các buổi tối cuối tuần, những quán nước mía có hát karaoke đông nghẹt khách. (Nguồn: Internet)

Vài chục bộ bàn ghế nhựa, một máy quay nước mía, một chiếc máy chiếu hình và một bộ loa dàn karaoke, cứ thế những quán “karaoke mía đá” đua nhau mọc lên trên vỉa hè các tuyến phố quanh sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Và, thú vui chơi lành mạnh này đã nhanh chóng “hớp hồn” người dân đất Hà Thành.

Karaoke: 15.000 đồng/tối

19 giờ, trên đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình, Hà Nội), những quán “karaoke vỉa hè” đã bắt đầu sáng đèn. Tất tả kê chồng bàn ghế nhựa, một bà chủ quán tên Hân cho hay: “Độ này, trời Hà Nội mát mẻ, khách đến sớm. Tại đây, khách có thể vừa uống nước mía, vừa hát karaoke, lại còn có thể thả diều ngay ở sân kia nữa.”

Quán karaoke ở đây là vài chục bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền được bày thành hàng lối trên vỉa hè rộng. Khách đến chỉ việc ngồi, gọi nước và hoa quả bình dân rồi đăng ký bài hát. Cái cảm giác ngồi giữa không gian bao la khoáng đạt trong tiết trời thu Hà Nội, uống những cốc nước mía thơm ngọt, mát lạnh, hát vang những bài ca mình ưa thích; trong khi trên đầu, đèn đường vẫn tỏa những ánh vàng ấm áp, thi thoảng lại thấy vài cánh diều đêm chấp chới xa xa… đã tạo lên sức hút đặc biệt của "karaoke mía đá" Mỹ Đình.

Hơn thế, giá cả các dịch vụ ở đây rẻ giật mình. Là hình thức Karaoke cộng đồng, một người hát, cả quán nghe, nên trước đây, các quán có quy định là 2.000 đồng/bài hát. Song hiện nay, do có thêm nhiều quán, các quán không ngừng tìm cách cạnh tranh. Lúc đầu là giảm giá bài hát rồi dần các quán đều không tính tiền hát. Chỉ tăng tiền mỗi cốc nước mía lên một chút. Với 15.000 đồng/cốc nước mía, khách có thể hát, nghe hát và tận hưởng không gian âm nhạc từ 19-23 giờ đêm.

“Quá đã! Tôi sống, làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Song thường xuyên ra Thủ đô vì công việc. Tôi cũng được trải nghiệm nhiều thú vui của người Hà Thành. Nhưng cái cảm giác được hát “Dạ cổ hoài lang” ở vỉa hè Hà Nội và được hàng trăm người Thủ đô vỗ tay khen ngợi làm tôi thấy “khoái” vô cùng," Huỳnh Quốc Hoàng, một doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh hỉ hả.

Cũng bởi giá rẻ lại mang đến cho khách cảm giác sảng khoái rất đỗi bình dị mà khách tới Mỹ Đình hát và nghe hát ngày một đông. Nếu như trước đây, khu vực xung quanh sân vận động Mỹ Đình chỉ lèo tèo vài quán “karaoke vỉa hè” thì bây giờ, đã có hàng chục quán mọc lên.

Chị Huyền, chủ một quán nước mía hồ hởi: “Số lượng quán tăng, nhưng số lượng khách đến với mỗi quán cũng vẫn tăng chóng mặt. Trước đây, một mình tôi có thể điều hành và phục vụ quán ngon lành. Nhưng giờ phải thuê thêm hai người phục vụ, bởi khách đông, một mình làm không xuể."

Cũng theo lời chị Huyền, “tiền thân” của những quán “karaoke mía đá” này là những quán “bóng đá mía đá” mùa World Cup vừa rồi. Những chiếc máy chiếu được những người bán nước mía ở đây mạnh dạn sắm về để phục vụ khán giả xem World Cup hè phố. Song không lẽ lại để những chiếc máy hàng chục triệu đồng “ngủ yên” trong tủ đợi giải vô địch bóng đá thế giới bốn năm sau?Những người bán nước mía ở Mỹ Đình lại táo bạo mua dàn âm ly, đầu karaoke kỹ thuật số và loa thùng công suất lớn để cùng máy chiếu thành một dàn karaoke hoàn chỉnh.

Nhờ những ý tưởng đặc sắc và tư duy “dám làm”, mà “trung bình mỗi tối chúng tôi thu về hơn 300.000 đồng. Còn những hôm cuối tuần, nghỉ lễ có khi lên tới 500.000 đồng” - một chủ quán nước mía cho hay.

Không chỉ là thú vui của giới trẻ

Chiếm vị trí áp đảo trong những quán nước mía karaoke luôn là giới trẻ. Họ là những nhóm đông năng động, hoạt bát chọn nơi đây là địa điểm để tụ tập, vui chơi. Cũng có thể là những đôi tình nhân, tìm kiếm sự lãng mạn trong không gian khoáng đạt với những lời ca bay bổng. Hay chỉ là một cậu sinh viên nghèo “tiêu hoang," một mình một góc, nghe mọi người hát, tận hưởng cuộc sống ồn ào nơi phố thị và chạnh lòng nghĩ về quê hương.

Tuy nhiên, giữa những mái tóc xanh (xen cả vàng và đỏ) trong quán lại có điểm đôi mái đầu bạc. Họ là một cặp vợ chồng già. Sau một hồi tỷ tê hỏi chuyện, được biết, cụ ông tên Hải, cụ bà tên Giang. Cả hai cùng 73 tuổi, và có ba người con, đều đã lập gia đình và sinh sống ở Mỹ. Các con mời ông bà sang bên ấy vui hưởng tuổi già cùng con cháu nhưng ông bà nhất định không sang. Ông bà muốn cùng nhau đi hết đoạn đường còn lại của cuộc đời ở Hà Nội.

Nhà mãi tận Ba Đình nhưng cuối tuần nào ông bà cũng bắt taxi tới Mỹ Đình. Ông Hải tâm sự: “Ra đây thường xuyên làm chúng tôi thấy trẻ trung hơn, lạc quan hơn và nhìn lũ trẻ cười đùa cũng phần nào bớt nhớ con, nhớ cháu và đỡ cảm thấy quạnh hiu.”

“Ở đây, mọi người hát đủ loại nhạc. Từ nhạc thiếu nhi tới nhạc trẻ, nhạc cách mạng. Mỗi lời ca, giọng hát đều mang lại cho tôi cảm xúc riêng,” bà Giang thoáng dừng lại một lúc rồi nghẹn ngào nói tiếp: “Như lời ca cậu thanh niên kia vừa hát “áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau…” cùng việc ngồi bên ông nhà tôi và nhìn những đôi tình nhân trẻ quấn quít khiến lòng tôi luôn thấy ấm áp”./.

Phạm Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark