22/11/2012 | 10:19:00

Khái niệm "thanh lịch" trong ứng xử người Hà Nội

Có một điều lạ là cái câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”- về thơ, chẳng hay lắm vì không có hình ảnh gì đặc biệt, là câu lục bát mà lại gieo vần không chuẩn; về sử thì không đúng vì chưa bao giờ thủ đô Hà Nội của chúng ta có tên là Tràng An. Ấy vậy mà nó lại có sức lay động. Có lẽ tất cả nằm ở chữ “thanh lịch”. Không biết khái niệm “thanh lịch” được dùng rộng rãi từ bao giờ, nhưng rõ ràng văn hoá, lối sống, cách ứng xử... của người Hà thành góp phần tạo nên nội hàm khái niệm này. Ngày nay “thanh lịch” gần như là một tài sản phi vật thể của người Thủ đô vậy. Nhưng sống cho ra, tìm cho được chất thanh lịch không phải dễ, nhất là về ban đêm.
 
 Tôi đã từng có mười năm sống một mình ở một góc phố bên hồ Thiền Quang, nên có điều kiện và thời gian để quan sát phố phường, hòa mình vào đó để chiêm nghiệm, chắt lọc. Có lần vào đêm Noel, tôi và một người bạn hẹn nhau đi dạo phố. Bạn tôi đến muộn, đã vậy còn mào đầu bằng câu: “Giá người Hà Nội không quá điệu, nói không sai một số phụ âm thì lấy tiếng Thủ đô làm chuẩn cho tiếng Việt được rồi. Cái sai có lẽ bắt đầu từ các cô gái trẻ làm duyên, làm điệu”. Thế là chúng tôi cãi nhau về cái đúng, cái sai trong ngôn ngữ của người Hà Nội. Chẳng ai thắng, chẳng ai thua trong cuộc cãi vã này, chỉ có điều, khi chúng tôi dừng lại thì đêm đã quá khuya. Dẫu vậy, cả hai vẫn ra phố. Sau khi vòng vèo qua các phố cổ, chúng tôi xuống đường Bà Triệu. Đường vắng, xe lướt êm ru, được một lúc thì “vấp” phải năm cô gái đi xe đạp dàn hàng ngang trước mặt. Các cô vui vẻ, nói chuyện khá thoải mái và đi rất đủng đỉnh. Chúng tôi đành hãm phanh đi chầm chậm phía sau. Giọng các cô trong và vui quá, khiến chúng tôi “tự nguyện” im lặng lắng nghe. Không kìm được, bạn tôi quay sang nói khẽ: “Dẫu sao nghe các cô gái Hà Nội nói vẫn thích, tiếng trong và ấm quá”. Không ngờ một cô quay đầu lại, nói gần như thì thầm: “Tất nhiên rồi, mãi đến bây giờ các anh mới nhận ra sao?!”. Thế là chúng tôi có thêm những người bạn mới...
 
 Cách đây mấy hôm, trời nóng, không ngủ được, tôi chọn một trong những con đường đẹp nhất của Hà Nội: Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Láng - Hoà Lạc để thung dung ngắm phố đêm. Đi chầm chậm trên con đường này, đã thấy vóc dáng của Thủ đô hiện đại: đường rộng, đèn sáng, thảm cỏ xanh và những bồn hoa đa sắc... Một số sinh viên ham học và tiết kiệm, mang sách đọc dưới đèn đường.
 
 Hà Nội giờ cũng đã xuất hiện những cái mới mà nhiều người trân trọng. Điều gây cho tôi nhiều cảm mến là những sạp báo đêm. Vài năm trước chỉ trên đường Bà Triệu, Lý Thường Kiệt lác đác có mấy quán bán báo đến khoảng 10 giờ tối. Nhưng nay thì hầu như ở tất cả các con đường lớn đều có những sạp bán tới tận 12 giờ đêm. Mật độ đông đúc nhất vẫn là cuối đường Bà Triệu, Kim Liên, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng, Lý Thái Tổ. Nét nổi bật nhất là thái độ của người bán báo: nhẹ nhàng, lịch sự, chu đáo, hiểu biết. Tôi có cảm giác những người bán báo đêm vui vì được phục vụ mọi người là chính chứ không phải kiếm tiền là chính: họ bán đúng giá và mỗi đêm không bán được là bao. Thậm chí có người còn bán... chịu. Tôi đã hai lần mua báo chịu của cô gái bán ở góc đường Đê La Thành cắt Nguyễn Chí Thanh. Cả hai lần cô đều nói: “Mai chú trả cho cháu cũng được”, mặc dù cô không biết tôi là ai và sống ở đâu.
 Tin tưởng, cho người không quen biết chịu tiền cũng bao hàm ý nghĩa thanh lịch. Về phương diện này thì tôi nhớ mãi mấy chị bán xăng ở phố Nguyễn Đình Chiểu. 21 giờ đêm có việc cần tôi phóng xe đi. Ngang triển lãm Vân Hồ thì hết xăng. Tôi dắt nhanh đến trạm xăng gần nhất và hô: “Chị cho đầy bình”. Đồng hồ báo 18.000 đồng. Tôi lục túi, tất cả chỉ có 6.000 đồng. Tôi lột đồng hồ đưa cho chị, chị bảo: “Tôi giữ đồng hồ của anh làm gì? Anh đi đi, mai trả tiền cũng được!”. Hôm sau tôi mang tiền đến trả còn được khen là thật thà!
 
 Chắc có những người cho rằng khoản tiền nho nhỏ như vậy thì đáng gì, thử tiền triệu xem! Tôi cho rằng cái chính là ở cách nghĩ, cách ứng xử. Nhưng không phải không có người trả lại tiền triệu đâu nhé! Hầu như cùng một thời điểm, ở cầu thang cuối cùng của nhà tập thể Bộ Tư Pháp (Cống Vị-Ba Đình-Hà Nội), một người ở tầng bốn (anh là công an phường Hàng Bài) trả lại ví có bốn triệu đồng cho người mất (anh nhặt được trên đường đi làm về), còn một người ở tầng ba là nhà báo, thì được người làm ở quán bia 251 Thụy Khuê trả lại cặp với đầy đủ tài liệu, giấy tờ cùng ba triệu đồng (anh bỏ quên vào tối hôm trước). Lòng tốt, sự trung thực với mọi người (và với chính mình) chính là một nét đẹp của những người Thủ đô.
 
 Nhưng cái thanh lịch vô cùng quí giá của Hà Nội hiện nay là sự thanh bình trên đường phố vào ban đêm. Điều này chính người Hà Nội tạo ra nhưng chưa nhận thức hết. Chúng ta thường không dám đi bộ trên đường phố đêm, vì lo ngại cho sự an toàn của bản thân. Nhưng người nước ngoài lại ung dung dạo bước bên Hồ Gươm, hồ Tây. Tiến sĩ người Nga, A.Xô-cô-lốp đã nhiều lần nói với tôi: “Tôi cảm thấy thoải mái nhất là được đi dưới lòng đường những phố phường Hà Nội vào đêm khuya, khi người và xe rất ít trên đường”. Còn An-đrây Sơ-ra-gơt, một cựu lính pháo binh Mỹ, Trưởng đại diện Công ty General Electric thì nói: “Điều kỳ lạ ở đây là chúng tôi không cảm thấy sự thù địch đối với người Mỹ. Đường phố Việt Nam về đêm còn an toàn cho công dân Mỹ hơn cả nhiều thành phố Mỹ. Điều đó không phải vì có nhiều công an, mà là vì Việt Nam không dung nạp những ác ý”. Nghe một người Mỹ nói như vậy thì việc UNESCO công nhận Hà Nội là “Thành phố vì hoà bình” là điều xác đáng.
 
 Không băn khoăn về tình hình an ninh hôm nay, mà điều tôi băn khoăn nhất lại nằm ở những lĩnh vực cần nhiều chất thanh lịch. Đó là âm nhạc và thời trang. Những buổi biểu diễn lớn ở Nhà hát Lớn hay Cung Hữu nghị thì chưa bàn tới vội. Chỉ nói tới ca nhạc phòng trà. Ở đây hát và ăn mặc đều đòi hỏi chất thanh lịch. Nơi này người nghe được quyền lựa chọn, yêu cầu, đề nghị; người hát không bị săm soi, đưa vào khuôn mẫu. Tóm lại, họ được tự do thể hiện. Chính vì có sự tự do, thoải mái mà yêu cầu chất thanh lịch càng phải cao. Cũng có một số nơi thể hiện được. Tiêu biểu cho cái được có lẽ là phòng trà của một ca sĩ nổi tiếng ở trong ngõ trên đường Hàng Bột. Mọi người đến đây ăn, uống nhẹ nhàng và yêu cầu các ca sĩ hát những bài hát mà mình thích. Người hát và người nghe đứng ngồi cạnh nhau, có thể chuyện trò, giao lưu. Các ca sĩ có giọng tốt, phong cách biểu diễn hiền lành thường hát ở đây. Người nghe có thể tặng hoa, biếu tiền. Đây cũng là một kiểu kinh doanh giải khát, âm nhạc, văn hoá có văn hoá. Cái tôi không thích ở đây chính là cái tên của quán, chữ và nghĩa đều không Việt Nam chút nào: “A-la-đin Club”.
 
 Những thành phố ở vùng Châu Á đều có sinh hoạt ban đêm dài, sôi động, phong phú. Hà Nội không là ngoại lệ, nhưng đừng biến Thủ đô của chúng ta thành Hồng Kông hay Băng Kốc. Hà Nội về đêm vẫn rất cần thanh lịch truyền thống của mình. Đó là sự tế nhị, tao nhã, trung thực, cao thượng cộng thêm một chút hài hước. Cái này vốn đã có, chỉ cần chúng được bộc lộ thường xuyên ở khắp nơi mà thôi./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark