19/11/2012 | 10:01:00

Phẩm chất người Hà Nội từ góc độ văn hóa - lịch sử

Nói đến phẩm chất con người, cũng tức là nói đến tính cách, nhân cách, nói đến lối sống, nếp sống của con người trong một cộng đồng xã hội. Thủ đô Hà Nội của chúng ta ngày nay đã có bề dày ngót một ngàn năm lịch sử, ngay từ thuở định đô Thăng Long, thì cũng là lúc cư dân của bốn phương không ngừng đến làm ăn sinh sống đồng thời du nhập vào vùng đất trung tâm này những lối sống, những tập tục ở quê hương mình.

Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hoá, lối sống kẻ quê tất yếu sẽ dần dần bị chuyển đổi để trở thành lối sống kinh kỳ - Kẻ Chợ. Dẫu còn có những mặt này mặt khác chưa thật hoàn hảo, song đời sống và lối sống nơi Kẻ Chợ vẫn là niềm mơ ước của nhiều người:
 
 Giàu chốn quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ
 
 Để lý giải vấn đề lý thú ấy chúng ta không thể không ngược dòng tìm hiểu cái cơ tầng văn hoá - lịch sử của vùng đất trung tâm này.
 
 Trước hết, môi trường sinh thái nhân văn cũng như môi trường văn hoá Thăng Long - Hà Nội với những điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt chẳng những là nơi hội tụ nhân tài mà còn là nơi đào luyện nhân tài đông đảo nhất trong cả nước.
 
 Có thể nói, hầu hết các danh nhân văn hoá - lịch sử, hầu hết các nghệ nhân, nghệ sĩ tài ba từ xưa đến nay, bất kể quê gốc ở đâu, chỉ trở thành những nhân vật có tầm cỡ quốc gia khi đã sống và hoạt động ở Thăng Long - Hà Nội.
 
 Lý Công Uẩn quê ở Kinh Bắc đã trở thành danh nhân văn hoá - lịch sử khi ông ban Chiếu dời đô và quyết định chọn Thăng Long làm nơi định đô để "tính kế muôn đời cho con cháu mai sau".
 
 Lê Lợi, một hào trưởng ở đất Lam Sơn, chỉ trở thành danh nhân lịch sử lẫy lừng khi ông dựng đại bản doanh bên bến Bồ Đề, và tiếng nhạc ngựa "nhong nhong" của ông vang lừng trong chiến dịch giải phóng Đông Đô.
 
 Nhân vật Nguyễn Huệ cũng vậy, nếu không có sự nghiệp giải phóng Thăng Long với xuân lửa Đống Đa thì có lẽ lịch sử cũng chỉ biết đến ông như một người anh hùng áo vải ở ấp Tây Sơn mà thôi...
 
 Điều này với các danh nhân văn hoá lại càng rõ. Nguyễn Du quê gốc ở Nghệ Tĩnh, nhưng ông sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long. Mặc dầu ông có tiếp thu ít nhiều truyền thống văn hoá ở quê cha Nghệ Tĩnh, ở quê mẹ Kinh Bắc, ở quê vợ Thái Bình, nhưng những sinh hoạt văn hoá phong phú, đa dạng ở Thăng Long hoa lệ, cùng với tiếng nói phổ thông tinh tế, uyển chuyển, thanh tao, mượt mà của vùng trung tâm đất nước là nhân tố chính, có tác dụng quyết định đến việc hình thành tài năng và tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng của ông, nhờ đó đưa ông lên vị thế đại thi hào dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới.
 
 Cũng như thế, một Nguyễn Trãi, một Hồ Xuân Hương, một Nguyễn Văn Siêu, một Cao Bá Quát... đều là những hạt giống tốt đã nảy hoa kết trái từ mảnh đất Thăng Long đô hội. Nếu không có mảnh đất kinh thành bồi đắp thì sao Khuê làm sao có thể "ngời sáng" và cô gái bình dân họ Hồ làm sao có thể trở thành "Bà chúa thơ Nôm". Nếu không có môi trường đô thị Thăng Long thì làm sao chàng tài tử đa cùng họ Cao và ông thầy ngồi trên chiếc chõng cót két có thể trở thành "thần Siêu, thánh Quát" lừng danh.
 
 Như thế, cái công nuôi dưỡng, nhào nặn của chiếc nôi văn hoá Thăng Long đối với các nhân tài văn hoá của dân tộc là đặc điểm nổi bật, đặc sắc mà không một vùng văn hoá địa phương nào có thể có được.
 
 Điều đặc sắc nữa là các danh nhân Thăng Long - Hà Nội không chỉ tài ba mà còn đa tài, đa nghệ. Do sống ở nơi hội tụ tinh hoa văn hoá bốn phương, các hình thái văn hoá mà con người nơi đây được tiếp xúc hằng ngày cũng phong phú và hoàn mỹ hoàn thiện hơn các nơi khác. Vì thế, nhân tài của Thăng Long - Hà Nội bao giờ cũng đượm vẻ tài hoa, tinh tế, và thường là những con người dường như được cô đúc nhiều phẩm chất cao đẹp về nhân cách, đa dạng về tài nghệ, hiếm thấy ở danh nhân các địa phương khác.
 
 Trần Nhật Duật vừa là vị tướng tài ba, vừa là nhà văn học, vừa là nhà ngoại giao, vừa giỏi ca múa nhạc, vừa thông thạo nhiều ngôn ngữ nước ngoài và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trong nước. Ông thường đến thôn Đà La (Quán La sau này) vùng Kẻ Bưởi để chuyện trò với các tù binh người Chăm và đến chùa Tường Phù để đàm đạo với các sư người Tống. Khi tiếp sứ Nguyên Mông, ông trực tiếp trao đổi không cần người thông dịch. Trịnh Trọng Tử, cũng người thời Trần, là nhân vật nổi tiếng "nhiều tài năng trí xảo", giỏi sáng tác nhạc, giỏi huấn luyện ngựa, hiểu cả nghề bốc thuốc chữa bệnh, đồng thời còn nổi tiếng là danh thủ đánh cờ người. Nguyễn Trãi hầu như cũng là con người toàn năng, toàn tài, lĩnh vực nào cũng giỏi, văn võ song toàn, giỏi cả văn cả thơ, giỏi cả các khoa lịch sử địa lý, am hiểu sâu sắc nguyên lý âm nhạc, vũ đạo và cả nghệ thuật tạo hình. Sử cũ còn ghi ông là người sáng tác vũ khúc Bình Ngô phá trận nổi tiếng cho nhân dân hát múa mừng ngày giải phóng Đông Đô. Nguyễn Gia Thiều là người hay cả cầm, kỳ, thi, họa. Nhiều cung điện lộng lẫy và chùa chiền nổi tiếng ở Thăng Long thời Lê - Trịnh đều do một tay ông thiết kế và chỉ đạo thi công. Nhiều bài ca, điệu nhạc phổ biến rộng rãi đương thời cũng do ông sáng tác. Nguyễn Du là nhà thơ dân tộc thiên tài thì mọi người đều biết, song hiếm người biết rằng ông còn là người am tường nghiệp cầm ca, và cũng là người giỏi võ nghệ và sở trường về môn đánh kiếm.
 
 Về nhân tài y học thì có Phạm Bản, ông ngoại Hồ Quý Ly, gia đình đời đời làm thuốc ở kinh đô Thăng Long. Thầy thuốc họ Phạm không chỉ nổi tiếng về chữa bệnh mà còn nổi tiếng ở đạo đức nghề nghiệp "lương y như từ mẫu". Nơi ở của ông cũng là nơi ông cưu mang những người nghèo đến chữa bệnh và ăn ở tại chỗ. Tương truyền, một hôm có người đến gõ cửa cầu cứu ông đi chữa cho một phụ nữ băng huyết đang nguy kịch, ông vội vã đi ngay. Ra đến cửa, gặp quan hầu của nhà vua triệu vào cung, thăm bệnh cho một quý phi bị sốt rét, ông đã từ chối để đi cứu người đàn bà băng huyết trước. Nhờ vậy, người đàn bà được cứu sống. Sau đó, ông vào cung xin chịu tội. Vua Trần Anh Tông giận lắm, nhưng sau khì nghe lương y Phạm Bản tâu trình tình cảnh nguy kịch của người đàn bà băng huyết, thì nhà vua lại vui vẻ phán rằng: "Nhà ngươi thật đúng là lương y, đã giỏi nghề lại có lòng nhân, cứu giúp cho con đỏ của ta, thật xứng đáng với sự trông cậy của ta." Sau con cháu Phạm Bản đều nổi danh về nghề thuốc ở kinh thành.
 
 Ở đây chúng ta cần thấy một đặc điểm bao trùm ở các danh nhân, các nhân tài Thăng Long - đó là mỗi người dầu có những phẩm chất, tính cách ưu tú khác nhau, song đều có một cái chung là mang đậm dấu ấn đô thành - Kẻ Chợ. Cái dấu ấn Kẻ Chợ ấy chính là tổng hoà của những gì tinh tế, nhuần nhị, thanh lịch, hào hoa, mỹ lệ, xảo diệu... mà nhân vật ở các trấn ngoài Thăng Long, ở các miền biên viễn hẻo lánh, dù tài năng mấy cũng vẫn ít nhiều còn để lộ cái vẻ quê kiểng, mộc mạc. Một thí dụ hết sức thú vị là câu chuyện về Trương Hán Siêu đời Trần. Chuyện kể rằng Trương Hán Siêu quê ở Yên Khánh (Ninh Bình) vốn nổi tiếng đá cầu giỏi ở địa phương, thế mà khi ra Thăng Long làm môn khách của Trần Hưng Đạo, còn bị người kinh thành chê là "thôn cầu cước" nghĩa là "chân đá cầu thôn/chân đá cầu nhà quê. Ngay cả trong giới văn nghệ sĩ ở Kẻ Chợ cũng vậy. Câu thơ Nguyễn Gia Thiều, câu thơ Bà huyện Thanh Quan đài các, quý phái, sang trọng khác hẳn thơ "kẻ quê" đã đành. Nhưng ngay như những câu thơ đậm chất dân dã của nữ sĩ họ Hồ cũng vẫn cứ toát lên cái vẻ tài tình, xảo diệu, cái vẻ đẹp sắc sảo, cái phong cách tài tử, tài hoa của người Kẻ Chợ, mà không một tài thơ địa phương nào có thể trộn lẫn được. Thật khó mà nói rõ được cái chất đô thành - Kẻ Chợ này. Phải chăng "thợ thầy Kẻ Chợ" cũng giống như "Đường Hoè" (Hoè Nhai) "Đường Liễu" (Liễu Giai) cũng như "bên trúc Nghi Tàm", như "rừng bàng Yên Thái", như "đào Nhật Tân", như "bóng nước Hồ Gươm", như "mặt gương Tây Hồ"... có cái gì đó rất riêng tây, rất khác biệt, không hề giống với bất kỳ nhân vật ở đâu khác.
 
 Trải qua trường kỳ lịch sử, những phẩm chất ưu tú của con người Thăng Long - Kẻ Chợ được kết tinh trong các gương mặt danh nhân, nhân tài, dường như đã trở thành những tính cách, những lối sống mà mọi người dân ở kinh thành đều noi theo, và dân dần trở thành nếp sống của cả cộng đồng, trong mọi hoạt động của đời sống đô thị từ ăn mặc, vui chơi đến các quan hệ ứng xử giao tiếp xã hội, tạo thành những lề thói tập tục cao đẹp, trang nhã riêng có của môi trường văn hoá Kẻ Chợ. Chỉ xem xét một vài tập tục tiêu biểu về ăn, về mặc, về thú chơi hoa cảnh của người Hà Nội cũng đủ thấy được nét văn hoá riêng, hào hoa, thanh lịch không đâu bằng. Thuở trước phụ nữ Hà Nội cũng như nhiều nơi khác, khi đi đâu thường đội nón ba tầm, thế nhưng cái nón của các cô gái Hà Nội lại được trang trí thêm cho đẹp, cho duyên:
 
 Hà Nội thì kết quai tua
 Có hai con bướm đậu vừa xung quanh
 Tứ bề nghiêng nón nghiêng vành
 Ở giữa con bướm là hình ông trăng...
 
 Nói về ăn thì từ lâu người Hà Nội đã có tiếng là sành ăn. Chẳng hạn cốm thì nhiều nơi làm được, ngay ở Hà Nội cũng có cốm Lủ, cốm Vòng, nhưng cốm Vòng của Hà Nội thì đã trở thành đặc sản không nơi nào sánh bằng. Có thể kể thêm một thí dụ khác - món chả cá. Đây cũng là một đặc sản của Hà Nội. Khoảng cuối thế kỷ XIX gia đình họ Đoàn ở phố Hằng Sơn sáng tạo ra món ăn này với biển hiệu "Lã Vọng câu cá". Món ăn nhanh chóng được dân Hà thành hưởng ứng và nổi tiếng khắp nơi. Điều thú vị là sức hấp dẫn mạnh mẽ của món chả cá Lã Vọng đã xoá nhoà cái tên phố Hằng Sơn để trở thành tên phố Chả Cá như ngày nay.
 
 Về thú chơi hoa, chơi cây cảnh, Thăng Long - Hà Nội đã có truyền thống từ lâu đời. Theo văn bia chùa Đọi (1121), thì ngay từ khi định đô Thăng Long, nhà Lý đã tạo dựng một vườn hoa lớn ở phía Tây cấm thành, gần chùa Một Cột. Qua thơ văn và sử liệu thì các đời Trần - Lê, kinh đô vẫn tiếp tục tạo lập nhiều vườn hoa đẹp và những người thi đỗ tiến sĩ đều được nhà vua cho đi ngắm hoa ở các vườn trong kinh thành. Thơ nôm Hoàng Sĩ Khải thế kỉ XVI còn có câu:
 
 Trường An phong cảnh hữu tình
 Có đường dong ngựa, có thành xem hoa
 
 Theo tác giả Hoàng Đạo Thúy (Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, 1969) thì ngay từ thời Lý, làng Ngọc Hà đã là một trại hoa nổi tiếng của kinh thành. Thời Lê, ở đây còn chợ Hoàng Hoa chuyên bán hoa cúc vàng. Thời Lý - Trần - Lê, các làng/trại trồng hoa tiếp tục phát triển, trong đó nổi tiếng nhất là phường Yên Hoa (còn gọi Yên Quang, thời Nguyên đổi gọi Yên Phụ) và cánh đồng bông (hoa) ở Dịch Vọng (Từ Liêm), vườn hoa đào ở Nhật Chiêu... Ca dao cổ còn lưu truyền:
 
 Nước Hồ Tây biết bao giờ cạn
 Như vườn đào biết vạn nào hoa
 
 Phiên rằm chợ chính Yên Quang
 Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua...
 
 Thời cuối Lê, tục chơi hoa cảnh phát triển sôi động như một thú chơi mà cả đô thành đều ham thích. Sách Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ còn cho biết: "Khi ấy phàm bao nhiêu những loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, và chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian đều bị chúa Trịnh thu về phủ không thiếu một thứ gì. Chúa còn bắt chuyển cả một cây đa cổ thụ từ bên Kinh Bắc đem về phủ..." Bấy giờ nhà Phạm Đình Hổ ở phường Hà Khẩu (Hàng Buồm), trước nhà tiền đường trồng một cây lê cao vài mươi trượng, lúc nở hoa trắng xoá thơm lừng; trước nhà trung đường trồng hai cây lựu trắng và lựu đỏ, lúc ra hoa kết quả trông rất đẹp... Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ cũng từng bình luận rất nhiều về thú chơi hoa cảnh và nhất là cách trồng hoa lan các loại. Nhiều nhà dân Thăng Long thích chơi tùng và trúc. Ca dao cổ Hà Nội còn có câu:
 
 Ai chơi ta cũng chơi cùng
 Chơi trúc quân tử chơi tùng trượng phu
 
 Về nếp sống và thế ứng xử của người Hà Nội.
 
 Nói đến nếp sống Hà Nội có lẽ chúng ta không thể không tìm hiểu sơ qua về cơ cấu của cư dân Hà Nội. Theo sử cũ thì thời Lý - Trần, kinh thành Thăng Long có 61 phường, trong đó có cả người nước ngoài, hàng ngàn người Tống chống Nguyên, tới cư trú, người Hoa kiều, người Chà Và, người Hồi Hột, người Trung Á, người Ấn Độ... tới làm ăn buôn bán và truyền giáo. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi (đầu thế kỉ XV) thì kinh đô Thăng Long có 36 phường và 12 nghề thủ công: "Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài, mâm, võng, gấm, chồi, dù lọng; phường Yên Thái làm giấy; phường Thụy Chương và Nghi Tàm dệt vải và lụa; phường Hà Tân nung vôi; phường Hàng Đào nhuộm điều; phường Tả Nhất làm quạt...” Về sau, khi việc buôn bán ở kinh thành phát triển thì thợ thủ công khắp nơi kẻo về lập nghiệp càng đông đúc nhộn nhịp hơn. Căn cứ vào văn bia ở các ngôi đình ở Hà Nội cho biết, thì từ cuối thế kỉ XVI đến cuối thế kỷ XIX, Thăng Long - Hà Nội đã thu hút khá nhiều thợ thủ công và người buôn bán từ các trấn lân cận tới làm ăn. Chẳng hạn, bia đình Hoa Lộc phố Hàng Đào thuật lại việc xây dựng ngôi đình do bốn họ ở Đan Loan, huyện Bình Giang, Hải Dương lên kinh đô lập nghiệp, làm nghề nhuộm và buôn bán. Nhiều đình khác thờ tổ sư các nghề đã cho thấy sự phong phú của các nghề thủ công ở kinh thành. Như đình Hài Tượng ở ngõ Hài Tượng (ngõ Thợ Giầy) thờ tổ sư nghề thuộc da và đóng giầy, vốn của các làng Chấm (Trúc Lâm, Phong Lâm và Văn Lâm, Hưng Yên). Đình Xuân Phiến ở phố Hàng Quạt thờ tổ sư nghề làm quạt của dân Đào Xá Huệ, Hưng Yên. Đình Tú Thị (còn gọi đình Chợ Thêu) ở ngõ Tạm Thương của dân làng Quất Động (Thường Tín, Hà Đông). Đình thợ tiện ở phố Hàng Hành thờ tổ sư nghề tiện của dân làng Nhị Khê, Hà Đông... Như thế là có cả làng nghề và phố nghề, phố nghề và làng nghề luôn luôn gắn bó với nhau chặt chẽ, mà mỗi phố nghề là đại diện, là bộ mặt của một làng nghề. Có buôn bán ắt có đua tranh, đua tài đua khéo: Hà Nội ba sáu phố phường / Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh... Và chính nhờ môi trường kinh thành - Kẻ Chợ quy tụ và đào luyện nhân tài nên sản phẩm thủ công ở Kẻ Chợ bao giờ cũng là mặt hàng nổi trội hơn các vùng khác, được nhân dân cả nước ngợi ca về độ tinh xảo cũng như về mặt thẩm mỹ, khéo léo:
 
 Ngát thơm hoa sói hoa nhài
 Khôn khéo thợ thầy Kẻ Chợ
 
 Thợ khéo đổ về Kẻ Chợ đã tạo nên cái quang cảnh buôn bán ăn chơi đông vui tấp nập ở Hà Nội. Cuối thế kỷ XVII, một nhà buôn quốc tịch Anh, mẹ là người Việt, sinh trưởng và có cửa hiệu ở Thăng Long, là Samuel Baron cho biết: "Kẻ Chợ với diện tích của nó, có thể so sánh với nhiều đô thị châu Á. Nó lại còn to hơn nhiều đô thị về mặt dân số. Đặc biệt đông là ngày mồng một và ngày rằm âm lịch là những ngày phiên chợ. Nhân dân các làng lân cận đem hàng hoá đổ về đông không thể tưởng tượng được. Nhiều phố rộng rãi khang trang mà khi ấy cũng chật ních người, đôi khi lách chân vào trong đám đông chỉ bước dấn được chừng trăm bước trong nửa giờ cũng đã thấy sung sướng lắm rồi" (S.Baron: Description du royaume de Tongquin/ Miêu tả vương quốc Đông Kinh, trong Revue Indochine, số 9, l0/1914). Hà Nội thời này cũng tập trung nhiều hiệu buôn to của người nước ngoài ở phường Hà Khẩu (Hàng Buồm). Ở đây có chợ Bạch Mã nổi tiếng đã đi vào thơ ca trong ngoài nước. Cao lâu, tửu điếm mọc lên nhan nhản, đêm đêm các tay phú thương nối đuôi nhau vào ra lũ lượt, rượu chè suốt buổi, đàn hát thâu canh.
 
 Chính cái cơ cấu cư dân hết sức đa dạng, có vương công quý tộc, có danh nhân văn hoá - lịch sử, có các nghệ sĩ tài danh, có các loại thợ thuyền, thương nhân khôn khéo, có cả người nước ngoài, cái cơ cấu phức hợp như thế của Kẻ Chợ đã tạo nên cái cơ tầng văn hoá ứng xử của Hà Nội, nếp sống Hà Nội. Theo ghi chép của Vũ trang tuỳ bút thì vào đời Lê Cảnh Hưng, lúc Phạm Đình Hổ còn niên thiếu, phong tục ở Thăng Long rất thuần hậu, mọi người giao tiếp hằng ngày luôn giữ thói khiêm nhường, nếu ai có điều gì xằng bậy thì chỉ sợ người ta biết mà chê cười. Ông còn cho biết, nghe các bậc tiền bối kể lại, thì các đời Long Đức, Vĩnh Hựu trở về trước phong tục ở kinh thành còn hồn hậu hơn nhiều. Ông cũng cho biết, trong sinh hoạt hàng ngày người kinh thành luôn giữ nếp cần kiệm, tránh ăn tiêu xa xỉ. Khi có khách hoặc bạn bè đến chơi nhà, nếu không phải là bậc khách quý hay vào dịp đại lễ thì không giết gà vịt. Khi nào có khách mà thết rượu thì chỉ dùng cái chén nhỏ bằng hạt mít, mà uống vài chén rồi thôi ngay, nếu mời uống quá thì ai cũng chê là say đắm.
 
 Trong tập bút ký Tràng An thanh lịch (Báo Nhân dân các số ra ngày 2, 3, 5 tháng 10 năm 1994), nhà nghiên cứu văn hoá Hoàng Đạo Thúy, người đã sống lâu năm trong thời Hà Nội cũ, giải thích hai từ thanh lịch như sau: người Tràng An là người kinh kỳ "thanh", không tục, không thô lỗ, lại "lịch", lịch thiệp, lịch sự. Thanh lịch là cái phong cách sống Hà Nội. Theo ông, ở các tỉnh mà có khách Hà Nội tới, thì bà chủ nhà hay khoe với hàng xóm: nhà tôi có khách Hà Nội. Bà con quý lắm, nhìn khách, xem lời ăn tiếng nói, đến cách ăn mặc. Tác giả cũng cho biết, ở Hà Nội thời trước, phường có tiếng tốt được thưởng bảng vàng có bốn chữ "thuần phong mỹ tục". Cái thuần phong mỹ lục ấy xây dựng từ người lớn, trẻ con trong phố. Phố Hàng Gai có liếng là lịch sự. Phố Cầu Đông có tiếng là khôn ngoan. Rồi tác giả dẫn chứng nhiều sự việc cụ thể để chứng minh cách ứng xử thanh lịch của người Hà Nội, trong ứng xử, giao tiếp, ăn nói hằng ngày. Theo tác giả, người Hà Nội rất chú trọng lời ăn tiếng nói, không nói tục, bảo rằng nói tục thì ngượng mồm thế nào ấy.
 
 Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện cả trong việc mời chào. Khách đến nhà, chủ nhà không bao giờ cởi trần mà tiếp, nếu đầu không có khăn thì quay vào chít khăn đã rồi mới ra đón khách. Khi mọi khách uống trà, phải mời khách "tống khẩu” (xúc miệng) trước rồi mới rót ra chén tống, rồi lại từ chén tống rót ra chén quân để lọc cặn chè. Nước chè phải trong xanh, không đặc xít. Khách cất chén lên thế nào cũng phải đưa nhẹ trôn chén vào mép đĩa, để không bị nước nhỏ vào áo. Thanh lịch cũng ở chỗ ăn mặc. Ra đường không mặc cẩu thả để tỏ ý tôn trọng người đi đường, lại sao cho không hở hang. Chỉ có người đang làm nhọc là được ở trần thôi. Áo quần không cần sang trọng nhưng phải chỉnh tề. Tác giả cũng cho biết rằng, đương nhiên ở Kẻ Chợ cũng có những người không thanh lịch, nhưng nói chung thì cái thanh lịch của kinh kỳ vẫn được mọi người quý trọng. Những người mới đến ở kinh kỳ vẫn thấy cái này là cái phải có trước cả, mới thành người Hà Nội.
 
 Như vậy, qua các mẫu hình văn hoá, các gương mặt danh nhân, các bách nghệ tổ sư, và qua những ghi chép trong các thiên bút ký về phong tục kinh thành thời trung đại cũng như thời cận đại, chúng ta nhận thấy tính cách con người Hà Nội xưa thật là thuần hậu, trang nhã và lịch sự. Họ là những con người ứng xử văn minh, thanh lịch. Họ cũng là những con người hào hoa, phong nhã, theo mô thức văn hoá, văn minh đô thị/đô thành.
 
 Trải hơn ngàn năm lịch sử, kể từ khi còn là Tống Bình, Đại La, cảnh vật và con người Hà Nội đã có biết bao thay đổi, nhưng truyền thống Hà Nội thì vẫn được bồi đắp, tích tụ và đổi mới thêm mãi qua từng thời đại. Bởi mỗi thời đại hầu như Hà Nội lại tiếp nhận một lớp cư dân mới cùng với những lớp văn hoá mới, do tình hình lịch sử như vậy, cho đến nay ở Hà Nội hầu như không còn cái gọi là "cư dân gốc bản địa". Có người nói người Hà Nội là dân "tứ chiếng". Điều đó rất đúng, nếu xét trên bình diện xã hội - lịch sử của đất cố đô. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, đặc biệt là từ sau ngày giải phóng Thủ đô 1-954, cư dân Hà Nội cũng từng bước biến đổi và phát triển mạnh mẽ theo với đà xây dựng một thủ đô công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Do vậy, cư dân Hà Nội là một cộng đồng người vừa ổn định vừa biến động, vừa thống nhất vừa đa dạng, vừa mang những tính chất chung của địa bàn sinh tụ, vừa mang những đặc điểm cố hữu của vùng đất quê hương. Trong sự đan xen và đụng độ giữa các mặt đối lập ấy, các cặn bã sẽ bị sàng lọc, các tinh hoa sẽ được kết tụ và trau dồi, chưng cất và thanh lọc về các mặt ngôn ngữ, phong tục, tập quán cùng các sinh hoạt văn hoá khác, để từ đó nhào nặn và lắng đọng thành tính cách Hà Nội, bản sắc Hà Nội. Có thể nói, kết quả của sự giao hoà dân cư ấy đã tạo nên con người Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vừa có tính cách đặc thù, vừa có tính cách phổ quát. Con người ấy luôn luôn là con người thời đại, nó kết hợp hài hoà những phẩm chất mới, cùng với những phẩm chất cổ truyền nền nã, thuần hậu của truyền thống dân tộc, để trở thành con người tiêu biểu cho cả nước về nhiều mặt, mà trong đó tính cách hào hoa, phong nhã, tính cách thanh lịch văn minh nổi bật lên như những phẩm chất riêng, tiêu biểu nhất của người Hà Nội./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark