21/11/2012 | 10:21:00

Nét chấm phá bình dị của chợ rau đêm Hà Nội

Một chợ rau đêm. (Nguồn: Internet)

Khoảng 1-2 giờ sáng đã tấp nập, nhộn nhịp, nhưng cao điểm phải là tầm 4-5 giờ, đã đến đây thì không thể “thanh cảnh” ngắm, chọn, mua từng bó, từng nắm nhỏ mà phải là “ngắm hàng đống, mua từng thúng," đó là khung cảnh của những chợ rau đêm Hà Nội - một nét chấm phá bình dị mà rất đỗi thân thương của vùng đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay.

Những chợ rau đêm luôn sôi động, nhộn nhịp, bất chấp cái oi nồng của tháng hạ hay rét buốt của đêm đông từ bao năm nay chính là một Hà Nội không ngủ - một Hà Nội rất riêng giữa canh khuya suốt bốn mùa.

Trong ánh đèn đường xen lẫn làn sương đêm hè giăng mỏng manh, chợ rau đêm Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) hiện ra thật nhiều màu sắc. Ngay dưới chân cầu vượt Dịch Vọng, hàng trăm con người với những phương tiện chuyên chở rau, củ, quả như xe tải nhẹ, xe máy, xe đạp, quang gánh… đang khẩn trương bốc dỡ hàng, luôn miệng tươi cười mời khách đến mua, trả giá.

Màu đỏ, vàng của những “núi” cà chua, cà rốt; màu xanh thắm của những đống rau muống, rau cải, rau ngót và cả màu tím của những sọt cà, bắp cải Đà Lạt rồi màu nâu đất của thúng khoai, rổ sắn như tạo nên cho đêm Hà Nội một bức tranh đồng quê thật tươi tắn, độc đáo. Chủ nhân của những “núi”, những đống, những thúng, những sọt rau quả ấy thì vừa huyên náo trò chuyện vừa giới thiệu mặt hàng, xếp hàng lên xe cho khách rồi đếm tiền, quệt những giọt mồ hôi và cười thật mãn nguyện.

Bên đống cà chua và rau dền vừa bán xong đang chờ khách đi lấy xe để chở đi, anh Nguyễn Văn Hào, nông dân ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức kể về “thời gian biểu” của… những bó rau: rau được cắt hái, thu mua thêm của bà con hàng xóm từ chiều; chập tối đem cắt tỉa, bó lại cho gọn đều rồi xếp lên xe máy, chờ đến tầm 3 giờ 30 sáng là… lên đường. Trời đêm, đường vắng, gió mát nên rau ra đến chợ vẫn tươi nguyên, nõn nà mà chẳng cần phải bổ sung thêm tí nước hay tỉa bỏ bớt những phần giập, héo.

Đến chợ, rau sẽ được chủ hàng xếp thành từng đống hoặc để nguyên trong sọt nhưng phải sao cho thật…bắt mắt, hấp dẫn người mua. Anh Hào bảo, trông thì đơn giản, có rau cứ để đấy, ắt sẽ có người đến hỏi mua nhưng nếu không xếp khéo, tự mình làm hỏng, hạ giá… rau mình, cũng không phải là không có đâu.

Một điều thật dễ nhận ra khi đến với những chợ rau đêm Hà Nội, đó là những người nông dân vừa bán rau vừa trò chuyện, trao đổi y như đang tham gia… hội thảo về rau quả vậy. Câu chào nhau, tiếng hỏi thăm ý ới thế nào cũng xoay quanh chủ đề rau, củ, quả không dứt. Chủ nhân của những đống rau cao ngất, những sọt rau lèn chặt vừa bán hàng vừa hỏi han cách chăm rau trong tiết trời "trở chứng” nắng nóng gay gắt hoặc than vãn giá cả lên xuống hay thậm chí cả cách chế biến phù hợp cho từng loại rau, củ.

Nhanh tay xếp ngót trăm mớ rau muống bè xanh nõn, mỡ màng, chị Nguyễn Thị Mùi (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng) còn tranh thủ dặn dò người khách đến mua buôn: “Em mang rau ra chợ Giảng Võ, chợ Thành Công à. Nhớ bảo mấy bà bán rau trong chợ dặn khách là rau muống bè đợt này là lứa rau sơ (lứa rau đầu tiên) nhé, non lắm. Khi rửa thì nhẹ nhàng thôi, đừng khuấy mạnh quá mà nát hết rau. Lúc luộc cũng chỉ cần lật rau vài lần rồi vớt ra ngay, để quá lửa, rau nồng, phí cả rau." Người khách mua rau cũng vui vẻ đáp lại: "Yên tâm đi bà chị, nói hệt như chuyên gia ẩm thực ấy.”

5 giờ 30 sáng, những sọt rau cuối cùng cũng có người đến mua, mang đi khắp các chợ trong nội thành. Chị công nhân môi trường giục chủ rau cùng dọn dẹp, vun những sợi rau vương vãi cho gọn lại để mang đi, trả lại những ngã ba, ngã tư đường phố tinh tươm, những khu chợ gọn gàng lúc sớm mai. Rời chợ đêm, những "ông chủ", “bà chủ” ở chợ rau lại trở về là người nông dân với một ngày vất vả bên những ruộng rau đang chờ chăm bón. Đêm xuống, khi thành phố tĩnh lặng, họ lại đến chợ rau, cần mẫn cho một đêm mưu sinh.

Từ chợ đầu mối Đồng Xuân-Bắc Qua, chợ đầu mối rau quả Dịch Vọng cho đến chợ Ngã Tư Sở, chợ Hà Đông…, mỗi đêm có hàng trăm tấn rau quả tươi được cung cấp cho những bữa ăn của người dân khu vực nội thành Hà Nội. Chợ rau đêm Hà Nội vì vậy, từ lâu đã là một nét sinh hoạt bình dị mà rất đỗi thân thương ở vùng đất Kẻ chợ xưa, Thủ đô ngàn tuổi hôm nay./.

Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark