18/02/2012 | 09:58:00

Một góc nhìn văn hóa về Hà Nội mở rộng

Ngày 1.8.2008 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử Hà Nội. Thủ đô mở rộng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình).

Đây là lần thay đổi địa giới lớn nhất lần thứ ba dưới chính quyền nhân dân. Cái mối duyên nhập - tách - nhập của vùng đất này đã có từ lâu.

Nhớ lại 177 năm trước, Minh Mạng thành lập tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân với 15 huyện; nghĩa là toàn bộ phủ Phụng Thiên của Thăng Long, huyện Từ Liêm của xứ Đoài và cả 2 tỉnh: Hà Đông cũ, tỉnh Hà Nam. Gần đây nhất mới 29 năm trước, 6 huyện, thị xã xứ Đoài (Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây); 2 huyện của Vĩnh Phú (Mê Linh, Sóc Sơn) đã từng nhập vào Hà Nội và chung sống với nhau 13 năm mới tạm chia tay. Cho nên có thể gọi lần hợp nhất này là cuộc tái ngộ trùng phùng của những người cùng một nhà, không xa lạ gì. Chúng ta hiểu tính tình, nết ăn ở và phong tục tập quán của nhau. Bởi vậy, văn hóa Hà Nội (mới) là sự hội nhập của tinh hoa văn hóa Thăng Long với văn hóa xứ Đoài, văn hóa Sơn Nam, như thế chỉ có “được” chứ không ”mất”!
 
 Hai tiểu vùng văn hóa này rất đa dạng và phong phú, đã và sẽ tiếp tục làm giàu có thêm cho văn hóa Hà Nội. Trước hết là mối giao thoa của văn hóa – văn nghệ dân gian. Hàng nghìn câu ca dao – tục ngữ, hàng trăm huyền thoại, cổ tích, truyện cười, câu đố, câu đối, hàng chục làn điệu dân ca, trò diễn mang đặc thù địa phương sẽ hòa chung vào kho tàng văn hóa Hà Nội. Những lễ hội đặc sắc như hội chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Mía, hội đền hạ Lôi, đền Hát Môn, đền Tản Viên, đền Và… cùng với cảnh quan hùng vĩ và môi trường thiên nhiên của các điểm du lịch sinh thái dưới chân núi Ba Vì, hồ Quan Sơn, Suối Hai, gần 2.000 di tích văn hóa lịch sử và cách mạng kháng chiến của Hà Tây góp vào Hà Nội, sẽ tạo cho Thủ đô thế mạnh ít nơi nào có để phát triển du lịch lên tầm cao mới.
 
 Hà Nội hôm nay không chỉ có Cổ Loa, Hoàng thành, hồ Gươm, sông Hồng… mà còn có một làng cổ Đường Lâm - đất hai vua, một non Tản huyền bí, một sông Đà góp sóng, một Hương Sơn dào dạt tâm linh.
 
 Làng nghề thì Hà Tây vào loại hàng đầu cả nước. Rất nhiều thợ thủ công tài hoa đã đem khối óc và hai bàn tay vàng ra Kinh thành lập và tạo dựng nên những phố nghề ở kẻ chợ. Nào thợ thêu Quất Động – Hướng Dương lập nên phố Thợ Thêu (Hàng Trống) và đình Chợ Thêu ngõ Yên Thái; thợ tiện Nhị Khê mở mang ở ngõ phố Tô Tịch; thợ sơn vẽ Bình Vọng, sơn mài Hạ Thái làm nên phố Hàng Hòm, phố Nam Ngư; thợ khảm Chuyên Mỹ góp phần làm tô điểm phố Hàng Khay… Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của 240 làng nghề Hà Tây đã làm phong phú cho thị trường Hà Nội. Có thể kể hàng điêu khắc Sơn Đồng, Nhân Hiền; mây tre đan Ninh Sở; lụa La Khê , Vạn Phúc, nón Làng Chuông, đồ gỗ Chàng Sơn, Hạ Bằng; hàng rèn Đa Sỹ; hàng khảm làng Chuông… Họ sống và phát triển là nhờ vào sức tiêu thụ ở Hà Nội, nay trở thành người Hà Nội họ có thời cơ để tạo ra thương hiệu, làm đẹp thêm cho Thủ đô.
 
 Từ thuở dựng nước đã có những thánh bất tử Tản Viên, Chử Đồng Tử, anh hùng cứu quốc có Hai Bà Trưng, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Phục Man,… danh nhân văn hóa như Phùng Khắc Khoan, Giang Văn Minh, Nguyễn Trãi, Đặng Lộ, Hoàng Đôn Hòa, Nguyễn Gia Phan… Người yêu nước, cách mạng thời nào cũng có. Nhà văn, nhà báo nổi tiếng không thiếu như: Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Doãn Kế Thiện, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Đình Thi… Họ làm nên sự nghiệp trên đất Thăng Long - Hà Nội và được Hà Nội coi là nhân vật văn hóa - lịch sử của Thủ đô.
 
 Sự cộng hưởng các nguồn mạch văn hóa dân gian đến văn hóa bác học sẽ phát huy sức mạnh tiềm năng vốn quý, để xây dựng nền văn hóa Hà Nội xứng đáng là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng.
 
 Chỉ cần có sự lãnh đạo và quản lý đúng đắn và chặt chẽ, bảo tồn và duy tu, không để mất mát và tàn lụi; tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, duy trì nét riêng của từng tiểu vùng văn hóa với những thuần phong mỹ tục và lễ hội dân gian độc đáo, văn hóa Hà Nội sẽ vô cùng đa dạng và phong phú.
 
 Nhưng cũng còn có những cái lo. Người bảo: Tiếng Hà Nội trong sáng hào hoa được coi là chuẩn mực của ngôn ngữ dân tộc, nay hòa vào tiếng một vài địa phương có sợ bị pha tạp? Thăng Long - Hà Nội sắp nghìn năm tuổi vẫn giữ được tiếng nói tế nhị, thanh lịch thì mãi mãi không thể lai giọng. Người lại bảo: Với bao nhiêu người ngoại tỉnh về sống ở Thủ đô đã làm xáo trộn nếp văn minh Hà thành, nay thêm mấy triệu nông dân và cả bà con dân tộc ít người thành dân Hà Nội, rồi văn hóa Hà Nội sẽ thành văn hóa “kẻ quê” mất. Thế sao, nước ta xưa bị nghìn năm Bắc thuộc mà ta vẫn giữ được bản sắc dân tộc, không bị đồng hóa. Hỏi Hà Nội ngày nay còn được bao nhiêu phần trăm là người Hà Nội gốc? Có tới 90% là bà con bốn phương về hội tụ, dần dần đã và đang trở thành người Hà Nội thanh lịch văn minh đó sao? Tất nhiên, phải có sự rèn luyện, phải có sự hòa nhập để cùng có một lối sống, một nếp sống, một đô thị nền nếp, khoa học, không tùy tiện.
 
 Điều ấy trông đợi vào thời gian, không thể sốt ruột nôn nóng được. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao dân trí, còn cần có một chế tài để khắc phục những điểm yếu kém trong giao tiếp, ứng xử, chấp hành pháp luật.
 
 Ai cũng hiểu việc tổ chức thực hiện xây dựng nền văn hóa Hà Nội vừa đậm đà bản sắc dân tộc truyền thống, vừa văn minh hiện đại là không đơn giản, còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi mỗi người Hà Nội (cả cũ và mới) đoàn kết một lòng, cộng tác và giúp chính quyền từ cơ sở đến thành phố, đồng thuận giữ gìn các giá trị văn hóa tinh thần, các di sản văn hóa lâu đời, phát huy tinh thần yêu nước cách mạng, khí phách Thăng Long, cùng ra sức xây dựng Hà Nội trong vị thế mới, thời cơ mới để vươn lên xứng đáng là Thủ đô văn hiến, Thủ đô Anh hùng và Thành phố vì hòa bình, đón mừng Đại lễ Thăng Long - Hà Nội nghìn năm./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark