21/08/2010 | 15:59:00

Muôn vẻ chợ Hà Nội: Tìm về khu chợ “ba nhất”

Những gian hàng ở chợ vải Ninh Hiệp, làng Nành, huyện Gia Lâm, Hà Nội. (Nguồn: Internet)

Nằm cách trung tâm Thủ đô khoảng 25km, chợ Ninh Hiệp ở làng Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội là chợ vải sầm uất.

Mỗi ngày, chợ thu hút hàng ngàn lượt thương nhân và du khách tới thưởng lãm và giao dịch. Mọi người vẫn gọi khu chợ nơi đây là “chợ ba nhất:” cổ nhất, lớn nhất và rẻ nhất.

Khu chợ nghìn năm

Chuyện kể rằng, dưới triều đại nhà Lý, có ông Đào Chân từ phương Nam đem vợ con đi làm ăn. Đến hương Phù Ninh nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, ông dừng lại, mở quán nước gần Song Lâm Tự. Nơi đây án ngữ ở một vị trí giao thương quan trọng.

Nó có thể tỏa đi các ngả như Đình Bảng, Phù Chẩn, Phù Đổng và nhiều nơi khác trong vùng. Người đi, kẻ lại ngày một đông, nhu cầu trao đổi, buôn bán ngày càng nhiều. Chẳng mấy chốc, quán hàng nước đìu hiu của ông Đào Chân xưa thành cái chợ sầm uất nức tiếng một vùng. Câu chuyện về thuở hồng hoang này của khu chợ nay vẫn được lưu giữ trong Thần phả miếu Thượng Thôn ở Ninh Hiệp, Hà Nội.

Đấy là truyền thuyết, sự tích dân gian. Còn theo các nhà sử học xác định, cái tên Ninh Hiệp (hay làng Nành) xuất hiện sớm nhất từ đời Hùng Vương 6 ( khoảng 1324-1066 trước Công nguyên). Điều này được ghi chép rất tỉ mỉ trong thần phả của đình Hiệp Phù, Ninh Hiệp.

Theo đó, ông Bạch Sam, một bộ tướng của Thánh Gióng, có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược. Vua phong ấp cho ông ở làng Nành. Ông lập ấp, cưới vợ là Lý Nương, cùng nhân dân phát triển cuộc sống tại đây. Rồi khi mất đi, ông cũng được chôn cất ở đất làng Nành. Đến giờ vẫn còn ngôi mộ mà nhân dân vẫn gọi là Mả Vua.

Cũng theo các nhà sử học, chợ Ninh Hiệp ra đời vào khoảng thế kỉ XI; XII, dưới triều Lý. Sự xuất hiện chợ là kết quả của sự phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt lụa.

Tồn tại ngót nghét 1.000 năm, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, chợ Ninh Hiệp có rất nhiều thay đổi, song đây vẫn là một trong những khu chợ cổ nhất Việt Nam.

Trong đó phải kể đến hai lần thay đổi lớn. Lần một vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758). Thời điểm này đất nước biến loạn, cướp bóc triền miên, ở ngoài làng không an toàn, chợ phải chuyển vào giữa làng như hiện nay.

Lần hai vào năm 2002, khi tiếng tăm của khu chợ quá lớn, trong khi chợ nhỏ, không thuận tiện cho việc giao dịch, chợ được mở rộng quy mô và tổ chức quy củ. Song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán nên chợ vải vẫn dải ra suốt từ đầu làng, dọc đường tới chợ khoảng 1.000m như hiện nay.

“Con đường tơ lụa” hiện đại

Cách đây hai, ba ngàn năm, người Trung Quốc đã tìm tòi và tạo nên con đường tơ lụa để đưa hàng hóa (đặc biệt là lụa) của mình qua Tây Á, sang châu Âu và đi khắp thế giới. Nay thế giới phẳng, có rất nhiều cách thức và vô vàn con đường để người Trung Hoa có thể đưa vải vóc của họ chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Một trong số những “con đường tơ lụa” hiện đại đó lấy trung tâm là chợ vải Ninh Hiệp.

Theo tìm hiểu, chợ Ninh Hiệp có khoảng 300 gian hàng với khối lượng vải vóc và phụ kiện liên quan để may mặc hết sức đồ sộ và phong phú. Đa phần hàng hóa ở đây có nguồn gốc từ Trung Quốc, do một vài “cai vải” cung cấp.

Vải ở đây thường được phân cấp theo hai loại. Loại một là loại cao cấp (hay dân buôn vẫn gọi là hàng Bắc Kinh). Loại vải này vào thị trường Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái. Và lập tức chúng được các “cai vải” Kinh Bắc đánh số lượng lớn về Ninh Hiệp. Loại hai là loại bình dân (còn gọi là hàng nội địa). Loại vải này chất lượng kém hơn loại trên nhưng giá cả cực kỳ cạnh tranh.

Theo tìm hiểu, hàng thứ cấp được đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường trên những vùng giáp biên ở Lạng Sơn.

Với khối lượng hàng hóa lớn lại phong phú và đa dạng, từ lâu, Ninh Hiệp đã trở thành chợ vải đầu mối của cả miền Bắc. Người xuôi từ Bắc Giang, Bắc Ninh... xuống, kẻ ngược từ Ninh Bình, Hà Nam… lên lấy hàng.

Không khí tấp nập, hối hả tới mức nhiều người đã gọi chợ Ninh Hiệp là “Kinh đô vải.” Không chỉ thế “chúng tôi còn nhận những đơn đặt hàng lớn từ miền Trung, miền Nam. Và cả những chuyến buôn xuyên quốc gia tới Campuchia, Thái Lan…,” Anh B.P, một “cai vải” cho hay.

“Không thể rẻ hơn!”

“Chẳng đâu như Ninh Hiệp, vào thời buổi này mà chỉ cần trong túi vỏn vẹn 20.000 đồng là có thể có một mảnh vải ưng ý để may tấm áo hoặc manh quần rồi. Giá rẻ như không thể rẻ hơn!,” Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên đại học Hà Nội hào hứng phát biểu cảm xúc khi lần đầu đến chợ vải.

Chợ vải Ninh Hiệp có hai cách định lượng vải để bán. Một là theo cách thông thường, bán vải theo mét. Vải mét bình thường ở đây giá dao động từ 20.000-30.000 đồng/m; vải Jeans, kaki, vải dạ khoảng 40.000-50.000 đồng/m; vải để may veston giá cũng chỉ khoảng 100.000-120.000 đồng/m.

Cũng với những loại vải này, tỏa về các địa phương, giá thành sẽ tăng gấp 2, gấp 3 lần. Cách định lượng vải thứ hai khá đặc biệt, là bán vải theo cân. Mỗi kg vải bình thường giá cũng chỉ dao động trong khoảng 20.000-45.000 đồng. Những giá thành trên sẽ bị đẩy lên cao gấp 2; gấp 3 khi vải vóc từ chợ Ninh Hiệp tới các địa phương.

Giá thành rẻ song chợ Ninh Hiệp cũng nổi tiếng ở lối nói thách “ngất trời.” Những người bán vải ở đây thường nói thách gấp đôi giá trị thực của mặt hàng. Lúc đầu đi mua tôi cũng bị hớ nhiều lắm. Giờ quen rồi nên việc buôn bán cũng thấy dễ dàng và thuận tiện, chị Nguyễn Thị Phượng, chủ một hiệu may lớn ở Nghĩa Lộ-Yên Bái tâm sự.

Nói thách cao là vậy song những người phụ nữ Kinh Bắc bán hàng với thái độ rất nhã nhặn. Dù khách có trả thấp đến đâu, vô lý đến đâu, ở chợ Ninh Hiệp cũng không bao giờ có cảnh tượng mắng nhiếc khách hàng như những khu chợ giá rẻ khác như chợ Đông Kinh ở  tỉnh Lạng Sơn, chợ đêm và chợ Hôm ở Hà Nội… Chính việc người mua thỏa sức trả giá này đã tăng thêm sức cuốn hút của chợ vải Ninh Hiệp.

Chân bước nhẹ trên con đường lát gạch nghiêng của đất làng Nành, ngắm những nếp nhà cổ thâm trầm quanh năm hương khói lọt thỏm giữa những ngôi nhà ống hiện đại, lắng nghe những truyền thuyết, huyền thoại về từng gò đất, con rạch, khiến lòng người có những cảm nhận thật gần về quá khứ thẳm sâu.

Đã vậy, lại còn có thể thỏa thuê mua sắm hàng chục mét vải đẹp, đủ loại làm quà. Đường sá đến Ninh Hiệp giờ đi lại rất thuận lợi.

Ấy vậy mà chưa có một tour du lịch nào được thiết lập trên mảnh đất làng Nành trù phú. Một tiềm năng du lịch rất lớn đang “ngủ vùi” trên đất Thăng Long ngàn năm tuổi này./.

Phạm Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark