12/08/2010 | 14:39:00

Phố Hàng Bồ

Các đồ phụ liệu may mặc đều có thể tìm thấy trên phố Hàng Bồ. (Nguồn: Internet)

Nối từ Hàng Bạc đến ngã tư Hàng Thiếc-Thuốc Bắc-Bát Đàn là phố Hàng Bồ, dài 270m thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Pháp thuộc, Hàng Bồ có tên gọi Rue de Paniers, sau cách mạng tên gọi Hàng Bồ trở thành tên gọi chính thức đến ngày nay.

Hàng Bồ đoạn phía đông là con phố nối khu vực Đông Thành với con đê cũ đầu phố Hàng Ngang và Hàng Đào, thuộc đất thôn Xuân Yên. Đoạn phía tây giáp với phố Hàng Điếu - Thuốc Bắc là phần đất thôn Nhân Nội, thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ.

Đoạn phố phía đông trước kia được gọi là phố Hàng Dép, nhà trên phố nhỏ và hẹp, dép bán được treo la liệt trên tường đủ loại từ gỗ mộc, gỗ sơn… nhiều nhà còn nhận đóng và bán các loại giầy da, đồ dùng da phục vụ khách hàng. Đoạn phố phía tây tập trung nhiều cửa hiệu lớn.

Khác với các con phố quanh đó có nhiều người Hoa cư ngụ từ sớm như phố Thuốc Bắc, Hàng Bồ là nơi sinh sống của nhiều gia đình người Việt giầu có từ bao đời nay. Về sau, phố buôn bán sầm uất, có thêm người Tàu gốc Thiều Châu tỉnh Phúc Kiến đến mua nhà, mở cửa hiệu lớn và buôn bán nhiều mặt hàng như: gạo, đường cát, đường viên, bột mì, đồ hộp, hàng tạp hóa, sữa, chậu bát đĩa Giang Tây…

Đúng như tên gọi, Hàng Bồ trước kia có nhiều gia đình sống bằng nghề đan và bán các dụng cụ làm bằng tre nứa như bồ, sọt, thúng, mủng… Cứ vào dịp năm hết Tết đến, cả phố tấp nập người mua kẻ bán, bồ lớn, bồ nhỏ chất ngất đầy trên phố, dân các tỉnh về Hà Nội cất hàng chở đi bán quanh vùng.

Cũng vào dịp đó, ông đồ già từ các nơi tụ họp về Hàng Bồ, trải mực tàu, giấy hồng điều, viết chữ bán cho khách mua về treo tường ngày Tết. Nhiều đoạn tường trên phố, câu đối viết sẵn treo đỏ rực, phấp phới bay.

Hàng Bồ còn là phố tranh Tết của Hà Nội. Tranh Tết bày bán ở đây đa dạng, đủ chủng loại, từ những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống được khắc gỗ in trên giấy dó, lấp lánh phẩm điều, phẩm lục đến những bức tranh nhiều màu in trên giấy láng, khổ lớn được đưa từ Hongkong, Thượng Hải sang. Đề tài trong tranh luôn phong phú, từ những cảnh đời thường như đàn lợn xoáy âm dương, đám cưới chuột, tranh Tam đa: Phúc-Lộc-Thọ… đến những bức tranh Tây du ký, cô gái Trung Hoa…

Trên phố Hàng Bồ có một ngôi nhà đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, đó là ngôi nhà số 51. Tại đây ngày 6/1/1947, Trung đoàn Liên Khu 1, sau này được đổi tên thành Trung đoàn Thủ đô đã ra mắt.

Trung đoàn Thủ đô được thống nhất từ các lực lượng quân sự của Liên Khu 1 như Vệ Quốc đoàn, Tự vệ thành, Công an xung phong… Ngoài ra, đây còn vừa là trụ sở của Hội Công nhân Cứu quốc Trung ương vừa là trụ sở Xứ ủy Bắc Kỳ của Đảng, đồng thời là nơi làm việc của Xứ ủy Việt Minh.

Ngôi nhà số 51 phố Hàng Bồ cũng là nơi Công ty in Công đoàn Việt Nam trực thuộc Tổng Liên đoàn Việt Nam in báo Lao Động. Nay nơi đây chuyển thành trụ sở của quỹ Tấm lòng vàng báo Lao Động, là một trong những địa chỉ vàng nhận sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm đồng cảm, chia sẻ, nâng đỡ cho các số phận gặp khó khăn trong xã hội.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hàng Bồ ngày nay không còn thấy xuất hiện nhà nào đan bồ, bán sọt như xưa. Cả con phố chỉ còn một vài số nhà vẫn duy trì được một mặt hàng cũ, vốn có từ thời Hàng Bồ thuở trước, đó là vàng hương.

Hương Hàng Bồ nổi tiếng từ xưa, hương nén, hương vòng, hương trầm, hương thẻ, nến trắng, nến đỏ, đóng bao, bầy ngoài, đủ các kích cỡ, chủng loại chất thành tầng tầng, lớp lớp trong cửa hiệu. Hương Hàng Bồ có nén nhỏ xíu như đầu tăm, có loại cao tới 2m, to bằng cái mẹt, có thể cháy liền mấy ngày Tết.

Những nhà làm hương ở đây thường cha truyền con nối đã bao đời nay, họ có xưởng, thuê nhân công, hương bán không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong nước mà còn xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Hàng Bồ đã thay đổi nhiều, các mặt hàng kinh doanh trên phố đa dạng hơn xưa. Không biết từ bao giờ, phố Hàng Bồ được coi là một địa chỉ quen thuộc cho các hàng may trong thành phố và những người yêu thích thời trang.

Nơi đây có một mặt hàng độc đáo được bày bán, đó là phụ liệu may mặc. Đơn giản từ những chiếc khuy be bé, xinh xinh làm bằng đủ chất liệu (gỗ, xà cừ, nhựa, đồng…) đến vô số những chiếc đinh tán, cúc bấm, những bông hoa nhỏ xinh, những hạt cườm lóng lánh hay những dải ruy băng duyên dáng, sợi bằng tơ, móc cài xanh đỏ, khóa kéo và hàng ngàn mẫu thêu đều có thể tìm thấy trên con phố này.

Hàng được bày từ trong nhà, tràn ra ngoài phố. Cả đoạn đường đầu Hàng Bồ giáp Hàng Ngang lúc nào cũng đông đúc người ra vào mua bán, lúi húi tỉ mẩn lựa chọn những món đồ ưng ý.

Những người thích lai rai về khuya thường tìm đến Hàng Bồ, bởi đây là con phố chuyên mực nướng về đêm. Dọc hai bên phố thi thoảng lại bắt gặp một cửa hàng với vài chiếc ghế nhựa, lò than hoa lửa bập bùng, chiếc bóng đèn tròn được kéo dây từ trong ngõ ra tận phố soi trên cái mẹt có để vài con cá chỉ vàng, vài con mực khô.

Khách ăn đa phần là thanh niên, ngồi nhậu lai rai, uống với nhau vài cốc bia, lắng nghe không khí tĩnh lặng của đêm Hà Nội./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark