02/08/2010 | 15:53:00

Phố cổ Hàng Chĩnh

Phố Hàng Chĩnh dài 136m, đi từ đường Trần Nhật Duật đến phố Đào Duy Từ, thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Phố xây trên nền đất thôn Ưu Nhất, tổng Hữu Túc (sau đổi là Đông Thọ), huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ 19, thôn Ưu Nhất hợp với thôn Trung Nghĩa thành thôn Ưu Nghĩa. Đầu phố Hàng Chĩnh, nơi gặp đường Trần Nhật Duật, xưa có một cửa ô gọi là cửa ô Trừng Thanh, còn gọi cửa Ưu Nghĩa.

Thời Pháp thuộc, phố đã mang tên phố Hàng Chĩnh, dịch theo tiếng Pháp là Rue des Vases (phố hàng vại chậu). Sau cách mạng tên gọi phố Hàng Chĩnh được chính thức hóa.

Phố Hàng Chĩnh là con đường từ nội thành ra bờ sông qua cửa ô Trừng Thanh. Vì ở ngay nơi cửa ô mở ra phía sông Hồng tiện cho thuyền bè bốc dỡ hàng hóa nên phố là nơi tập trung các hàng bán đồ sành như chum, vại, vò, chĩnh, đồ gốm, đồ đá.

Phố Hàng Chĩnh bán các thứ hàng sành như vại chậu (của Phù Lãng, tỉnh Bắc Ninh), nồi đất, chum vại, tiểu sành (của Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc), hàng gốm (của Thổ Hà, tỉnh Bắc Giang).

Dần dần, do mưa lũ hàng năm đổ về mang theo cát bồi nên lòng sông ra xa chân đê, thuyền chở hàng phải đậu lui về phía dưới nên đồ đất nung, đồ sành chuyển đến bán ở Hàng Mắm và người ta bán thêm đồ đá như bia mộ chí, cối đá, chân cột bằng đá.

Vì những hoạt động chuyên chở hàng hóa từ bờ sông vào phố ở quãng này bị giảm sút không được bằng trước nên bên trong phố Hàng Chĩnh có nhiều thay đổi về mặt kinh tế.

Phố Hàng Chĩnh thành một đường phố có cửa hàng bán nước mắm, bán muối. Số cửa hàng này cũng không nhiều, khoảng sáu bảy nhà, chủ hiệu đa số có nhà riêng trong ngõ Phất Lộc (ngõ này trước kia có một lối thông ra phố Hàng Chĩnh).

Nhà ở Hàng Chĩnh chủ yếu vẫn theo lối cổ xưa. Tuy nhiên có mấy nhà hai, ba tầng xây vững chãi, đó là những nhà buôn bán muối và nước mắm trở nên giàu có. Nhà cổ trong phố chỉ còn lại khoảng năm nhà. Trong những năm kháng chiến ở Hà Nội, phố Hàng Chĩnh tồn tại hầu như nguyên vẹn, không bị tàn phá./.

Hoài Nam (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark