01/08/2010 | 15:45:00

Phố cổ Hàng Điếu và đền thờ thần hỏa

Phố Hàng Điếu. (Nguồn: Internet)

Phố Hàng Điếu thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xưa nguyên là đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long.

Thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là phố Hàng Điếu (Rue des Pipes).

Hàng Điếu là một trong những con phố cổ của Thăng Long-Hà Nội với chiều dài 280m, gồm khoảng 80 số nhà ở cả hai bên mặt phố. Trong đó có tới 1/3 nhà có diện tích rộng, còn lại là những căn nhà kiểu cũ, hẹp đã được tu sửa, nâng cấp.

Cũng như nhiều con phố khác trong khu phố cổ Hà Nội, những tên phố được đặt theo mặt hàng chuyên được sản xuất và mua bán. Xưa kia phố này là nơi chuyên bán các loại điếu hút thuốc lào. Các loại điếu bát bằng sứ Giang tây, sứ Bát Tràng… với nhiều hình dáng khác lạ như hình thắt quả bồng, hình trái xoan, hình lục lăng… dát hoa văn bằng đồng, bằng bạc.

Thời Pháp thuộc, Hàng Điếu còn có một nghề chính là nghề làm và bán đồ da. Nhiều gia đình chuyên làm giày dép kiểu cổ bằng da ta (da lộn, da thuộc sơ sài), dép quai ngang... ; một số hộ tự đẽo những đôi guốc mộc bày bán và sau này, sản phẩm về guốc mộc đã được cải tiến, với hoa văn rực rỡ, hấp dẫn dùng riêng cho từng lứa tuổi. Nổi danh trong các hộ làm nghề ở trong phố cổ Hàng Điếu là phải kể đến cửa hiệu đóng giày của cụ Nguyễn Văn Ngân ở số nhà 17.

Theo thời gian, phố cổ Hàng Điếu không còn gia đình nào kinh doanh các loại điếu hút thuốc lào nữa; số gia đình làm nghề và bán đồ da cũng không còn mà họ năng động chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn. Giờ đây, bà con tiểu thương phố cổ Hàng Điếu kinh doanh nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, được người dân thành phố Hà Nội ưa dùng như chè mạn, mứt sen, chăn bông, ga đệm.

Phố Hàng Điếu còn nổi tiếng ở Hà Nội với các món ăn vào dịp Tết và lễ cưới hỏi. Nhiều gia đã chuyển sang kinh doanh bánh mứt kẹo, thu hút nhiều khách đến mua hàng. Điển hình là cửa hàng bánh mứt kẹo dân tộc Ninh Hương ở số nhà 22. Tại đây, mặt hàng mứt sen trần đã trở thành món quà đặc biệt, được người Hà Nội yêu thích sử dụng, bởi nó được làm bằng phương pháp truyền thống, giữ được nguyên màu sắc tự nhiên, độ ngọt bùi vừa phải, hương thơm thanh mát của hoa bưởi và còn giữ được cái thanh ngọt, mát bùi trong mỗi hạt sen.

Vào đầu thời Nhà Nguyễn, người dân địa phương đã lập ngôi đền Hỏa Thần (nay là số nhà 30 Hàng Điếu) để thờ Thần Hỏa với mong muốn bằng uy lực của mình, Thần Hỏa sẽ trừ hỏa hoạn, bảo vệ cuộc sống của người dân kinh thành Thăng Long.

Đền Hỏa Thần đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần qua các thời: Minh Mệnh 19 ( năm 1838), Thiệu Trị 1 (năm 1841) và Tự Đức 1 (năm 1848). Trong đền có treo một quả chuông lớn dùng để báo động khi xảy ra hoả hoạn. So với các ngôi đền khác trong khu phố cổ Hà Nội, đền Hỏa Thần là di tích có quy mô kiến trúc khá lớn và được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa năm 1996.

Hàng năm, vào các ngày 28/3 và 28/9 là ngày sinh, ngày hóa của Thần Hỏa.

Đền Hỏa Thần đã góp thêm nhiều tư liệu quý trong việc tìm hiểu quy hoạch đô thị cổ và đời sống văn hóa tinh thần của người dân Thăng Long.

Thăng Long- Hà Nội sắp tròn 1.000 năm tuổi. Đây cũng là dịp để Hà Nội đón nhiều du khách đến thăm hơn và đền Hỏa thần, một di tích lịch sử-văn hóa là điểm đến của du khách bốn phương./.

Phương Nga (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark