03/08/2010 | 18:21:00

Bảo tồn phố cổ - không dựa vào dân sẽ thất bại!

Phố Tạ Hiền hiện tại. (Nguồn: TT&VH)

Dự án cải tạo chỉnh trang thí điểm đoạn phố Tạ Hiền đang được trưng bày lấy ý kiến dân tại 28 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Dự kiến, cuối tháng Chín này hoặc đầu tháng 10 tới, dự án sẽ được khởi công thực Hiền.

Với khả năng “đánh thức” một tuyến phố cổ điển hình đầu tiên, dự án này đã được đề cử vào Giải Bùi Xuân Phái - "Vì Tình yêu Hà Nội." Dự án do Ban quản lý Phổ cố Hà Nội làm chủ đầu tư và Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn - đơn vị tư vấn.

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Long - chủ trì đề án, người đã “lao tâm khổ tứ’’ nhiều năm vì đề án này tâm sự với TTXVN.

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Long: Dự án cải tạo mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiền bắt đầu thực Hiền cách đây đã hai năm. Điều phức tạp nhất, nhưng cũng rất quan trọng đó là lấy ý kiến người dân, nhất là những người dân sở hữu những căn nhà có liên quan trực tiếp mặt phố. Chúng tôi đã làm từng bước, mỗi căn hộ liên quan đến dự án cải tạo đã có bộ hồ sơ thỏa thuận có chữ ký các bên.

- Lâu nay, Hà Nội chỉ cải tạo đôi ba ngôi nhà đơn lẻ, không tạo được hiệu ứng tổng thể. Muốn tạo nên phố cổ phải có những dãy phố cổ điển hình. Đó có phải là lý do mà ông quyết tâm theo đuổi dự án này?

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Long: Dự án cải tạo mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiền là một “pha” trong dự án tổng thể bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị Hà Nội. Dự án này mang tính chất cải tạo, bảo tồn theo tuyến phố và thông qua thực tế thí điểm thực hiện lần này, để đẩy nhanh hơn công tác cải tạo, bảo tồn và phát triển một khu phố, như Mã Mây, Lãn Ông...

- Khi thực hiện, với từng ngôi nhà trong dãy phố được tôn tạo, dự án can thiệp như thế nào vào mặt tiền của nó? Can thiệp như vậy có sự làm mất đi sự cổ kính nguyên bản hay không?

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Long:  Dự án cải tạo mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiền có mức độ can thiệp hết lớp một của hai dãy nhà. Dãy lẻ (từ số nhà 5 đến số nhà 27) cải tạo, bảo tồn nguyên trạng công trình kiến trúc mang phong cách kiến trúc Pháp.

Qua nghiên cứu, đoạn phố này vẫn còn gần như nguyên vẹn kiến trúc ban đầu khi mới xây. Bên dãy chẵn (từ số nhà 8 đến số nhà 18a và b), cải tạo, bảo tồn bằng giải pháp phục dựng kiến trúc truyền thống Việt Nam, vì kiến trúc bên dãy này gần như đã bị biến dạng hoàn toàn, chỉ số nhà 14 còn ít vết tích cũ. Tuy nhiên, mặt tiền của dãy chẵn này cũng vẫn còn hình dáng của nhà ống Hà Nội xưa...

Như đã nói ở trên, dự án chỉ làm thí điếm một đoạn phố nhỏ này để rút kinh nghiệm. Vì đã là đô thị tức là có không gian sống và luôn phát triển. Khi cải tạo, cần thiết phải bảo tồn không gian sống của người dân.

- Như vậy, dự án này cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai?

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Long: Khi triển khai dự án, chúng tôi đã thông báo đến từng người dân. Nhưng do nhu cầu cuộc sống, kinh doanh họ vẫn mở cửa hàng, lắp dựng biển quảng cáo quá to, lắp máy điều hòa mất mỹ quan...

Khó nữa, muốn bảo tồn cấu trúc khu phố cổ Hà Nội bền vững, cần có mật độ dân số giảm xuống. Cần có chỗ cho một bộ phận người dân có nhu cầu chuyển ra chỗ ở khác tốt hơn về cuộc sống... Nhưng nguồn kinh phí quá lớn và cần xem ý kiến người dân tại đoạn phố Tạ Hiền như thế nào, hay họ thà sống chật chội một chút nhưng vẫn ở đây?

Cần tìm các giải pháp khác cho phù hợp, chứ không nên tự đặt vấn đề rồi tự giải quyết vấn đề, không có sự đồng thuận của người dân thì khó thực hiện. Bài học về dự án giãn dân phố cổ vẫn dậm chân tại chỗ từ bao lâu nay rồi, nếu không dựa vào dân sẽ thất bại.

- Vậy sau khi dự án cải tạo mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiền hoàn thành sẽ đạt được những hiệu quả như thế nào, thưa ông?

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Long: Dự kiến, cả quá trình thi công sẽ mời người dân cùng giám sát. Nếu phát Hiền những di tích, Hiền vật có giá trị sẽ mời những người có trách nhiệm đến xem xét và đánh giá, có kết luận mới tiếp tục triển khai tiếp ở những vị trí được phát hiện. Sau khi dự án hoàn thành, Ban quản lý phố cổ sẽ tiếp tục quản lý và theo dõi.

Lễ công bố và trao giải Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội 2010 sẽ diễn ra vào chiều 1/9, tại số 79 - phố Lý Thường Kiệt. Chi tiết xem trên www.thethaovanhoa.vn/buixuanphai.

Hiệu quả lớn nhất đạt được khi dự án được triển khai xong sẽ là bài học để rút kinh nghiệm cho những dự án bảo tồn di sản tiếp theo và lớn hơn, sẽ là một trong những điểm nổi bật về bảo tồn những giá trị vật thể kiến trúc trong khu phố cổ Hà Nội.

Một hiệu quả lớn khác là muốn thực hiện tốt công tác bảo tồn này cần lấy người dân làm trung tâm, bởi sau này chính họ sống và sinh hoạt tại những công trình được trùng tu, cải tạo, bảo tồn và họ phải là người giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc phát huy những giá trị vật thể kiến trúc này.

Nếu không có sự đồng thuận của người dân, lợi ích của người dân không đồng hành với lợi ích trong công tác bảo tồn thì dù sau khi dự án triển khai hoàn thành thì cũng khó có thể gọi là thành công. Vì sau một thời gian công trình lại bị biến dạng.

Xin cảm ơn ông!

Hoài Thương (Báo TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark