21/05/2010 | 15:36:00

Phố Ngô Quyền

Quán cafe La-Terrasse (Nguồn: Internet)

Phố Ngô Quyền là tên một phố lớn dài 1.200m từ phố Hàng Vôi (chỗ bến xe Hàng Vôi) đến phố Hàm Long. Từ phố Lê Lai có lối rẽ vào các phố Lê Thạch, Lê Phụng Hiểu, Phạm Sư Mạnh, nối tiếp phố Ngô Thì Nhậm.

Thời Pháp thuộc đây là đại lộ Henri Riviere. Sau năm 1945, phố này được đặt lại là phố Ngô Quyền - chạy qua Quảng trường I.Gandhi, qua Bắc Bộ phủ trước đây.

Phố mang tên Ngô Quyền (899-944), người đã có công trên sông Bạch Đằng năm 938 đánh thắng giặc Hán, kết thúc hơn 1.000 năm trước Việt Nam bị phong kiến phương Bắc đô hộ, lên ngôi vua, đóng đô ở Cổ Loa, lập nên Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam.

Ngô Quyền là bộ tướng của Dương Đình Nghệ. Cha Ngô Quyền là Ngô Mân, một hào trưởng có tài. Lớn lên trên quê hương có truyền thống bất khuất, nơi sản sinh và nuôi dưỡng người anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Ngô Quyền sớm tỏ rõ chí khí phi thường hiếm thấy.

Vốn thông minh, có thân thể cường tráng, lại thường xuyên luyện tập võ nghệ nên tiếng tăm Ngô Quyền lan rộng cả một vùng.

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư mô tả Ngô Quyền "vẻ khôi ngôi, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, có trí dũng, sức có thể nhấc vạc, giơ cao." Vì có tài nên Dương Đình nghệ giao cho Ngô Quyền cai quản đất Ái Châu và gả con gái cho.

Trong 5 năm (934-938), Ngô Quyền đã đem lại yên vui cho đất Ái Châu, tỏ rõ là người có tài đức. Khi Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết hại và vua Nam Hán là Lưu Cung cho con là Vạn vương Hoàng Thao đem quân sang xâm lược Việt Nam, Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng để trừ nội phản, diệt ngoại xâm.

Từng hâm mộ tài đức của Ngô Quyền, hào trưởng từ nhiều nơi đem binh về với Ngô Quyền. Đầu mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền đem quân vượt qua đèo Ba Dội, tiến như vũ bảo vào Đại La, bắt giết tên nội phản Kiều Công Tiễn, bêu đầu hắn trước cổng thành. Thù trong, đã diệt xong, Ngô Quyền rảnh tay đối phó với giặc ngoài.

Đem quân xâm lược Việt Nam, chưa biết thắng bại ra sao, Lưu Cung đã vội phong cho con tước Giao Vương (tước vương đất Giao Chỉ). Lưu Cung còn đích thân đốc quân ra đóng ở trấn Hải Môn để sẵn sàng chi viện.

Để chống lại giặc mạnh, Ngô Quyền đưa ra kế hoạch độc đáo. Ông cho bố trí một trận địa cọc nhọn bịt sắt cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Khi nước triều lên ông cho dử thuyền giặc vào bên trong hàng cọc, đợi khi thủy triều xuống sẽ dốc toàn sức tiêu diệt địch bằng một trận quyết chiến nhanh gọn.

Tháng 12 năm Mậu Tuất (938) các chiến thuyền của giặc hùng hổ vượt biển tiến vào sông Bạch Đằng. Chúng nghênh ngang tràn vào trận địa mai phục của Ngô Quyền, bị đánh bất ngờ nên chỉ trong một thời gian rất ngắn thuyền giặc bị đắm gần hết, quân giặc bị chết quá nửa.

Máu chảy loang đỏ khúc sông, Hoàng Thao cũng bị đâm chết tại trận. Tin thất trận ở Bạch Đằng cùng với tin Hoàng Thao bị giết khiến vua Nam Hán kinh hoàng phải khóc lên, thu nhặt tàn quân rút chạy.

Nếu đã có lần đi qua phố Ngô Quyền hẳn bạn sẽ ấn tượng với những hàng cây rợp bóng mát và hai bên là những tòa nhà, biệt thự mang đậm phong cách kiến trúc Đông Dương.

Trên phố này có Nhà khách Chính phủ, khách sạn Metropole, Khách sạn Hòa Bình, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại Thương (nay là Bộ Công Thương), Bộ Văn hóa và Thông tin, Văn phòng Quốc hội... đây nguyên là đất của các thôn Trừng Thanh Kiếm Hồm thuộc tổng Tả Túc, Hậu Bi và Hậu Lâu, thuộc tổng Hữu Túc và Hàm Châu thuộc tổng Hậu Nghiêm huyện Thọ Xương.

Nay chỉ còn đình Kiếm Hồ, ở số 7 Hàng Vôi và chùa Hàm Long, ở ngõ 20 phố Hàm Long là di tích cũ của các thôn xưa. Phố Ngô Quyền thuộc các phường Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Bài quận Hoàn Kiếm.

Phố Ngô Quyền có nhiều công trình mang kiến trúc Pháp đặc trưng của Hà Nội đồng thời đây cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử Hà Nội như cảnh người dân Việt Nam ngày 19/8/1945 vùng lên chiếm Bắc Bộ phủ…

Năm 1887, sau khi chiếm được Việt Nam, chính quyền Pháp tại Việt Nam thời bấy giờ quyết định quy hoạch thành phố Hà Nội theo khuôn mẫu một thành phố của chính quốc. Bốn công trình lớn của nhà nước được xây dựng với quy mô hoành tráng, khẳng định vị thế của người Pháp tại đây gồm Kho Bạc Đông Dương, Tòa Đốc lý, Bưu điện và Dinh thống sứ. Công trình thứ tư này nằm trên đại lộ Henri Rivière - nay là phố Ngô Quyền.

Năm 1945 công trình này được đổi tên là phủ khâm sai sau đó là Bắc bộ phủ. Hiện nay, đây là nhà khách Chính phủ. Vườn hoa Diên Hồng hay còn gọi là vườn hoa Con Cóc nằm đối diện góc phố này. Đây là một trong những vườn hoa cổ nhất Hà Nội còn lại đến ngày nay.

Khi được xây dựng, nó mang tên quảng trường Chavassieux, đối diện là vườn hoa nhà kèn và quảng trường Paul Bert - toàn quyền Đông Dương thời bấy giờ.

Nằm ở trung tâm thành phố với một tòa nhà cổ kính mang đậm nét kiến trúc thời thuộc Pháp, với nét cổ điển được thể hiện qua lớp sơn tường trắng, những khung cửa xanh, những họa tiết bằng sắt tinh xảo, ván tường bằng gỗ và một sân cỏ xanh tươi, suốt một thế kỷ qua, khách sạn Metropole đã gắn bó với từng bước đi của Hà Nội; đồng thời là khách sạn cổ nhất còn lại đến bây giờ của Hà Nội.

Được xây dựng năm 1901, khách sạn Metropole nhanh chóng trở thành một trong các khách sạn nổi tiếng nhất Đông Dương. Chính tại khách sạn này đã diễn ra những sự kiện như năm 1916 cuốn phim đầu tiên được công chiếu tại Hà Nội trong phòng tiệc của khách sạn, năm 1936 danh hài Charlie Chapline đến Việt Nam và ở tại khách sạn này sau đó là nhiều nhà văn, nghệ sỹ và chính khách nổi tiếng khác cũng đến ở tại đây.

Nếu một ngày nào đó bạn muốn nhâm nhi một tách càphê, một ly kem Pháp hay một ly rượu vang Pháp chính hiệu dưới tán lá sấu cổ thụ, hãy ghé qua quán cafe La-Terrasse - một trong những quán cafe nổi tiếng ở phố Ngô Quyền. Với nhiều người nước ngoài, đây là địa điểm lý tưởng để quan sát cuộc sống sôi động của thành phố Hà Nội trên một góc phố thanh bình./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark