20/05/2010 | 14:06:00

Phố Nguyễn Quang Bích

Phố Nguyễn Quang Bích. (Nguồn: Internet)

Phố Nguyễn Quang Bích thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước kia, đây nguyên là phần đất thôn Yên Trung Thượng, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long.

Thời Pháp thuộc, phố có tên Phạm Phú Thứ. Từ tháng 6/1964, phố chính thức được Nhà nước đổi là Nguyễn Quang Bích và tên đó được giữ nguyên cho đến ngày nay.

Nguyễn Quang Bích là một trong những con phố cổ nhất Hà Nội với chiều dài khoảng 120m, đi từ phố Phùng Hưng ra phố Ngõ Trạm, đến phố Nguyễn Văn Tố. Đây là một con phố đẹp, luôn tĩnh lặng với những mái nhà xưa cũ.

Ngôi nhà số 14 Phạm Phú Thứ (nay là nhà số 11 Nguyễn Quang Bích) từng là trụ sở của báo Thế Giới, cơ quan của Đoàn Thành niên Dân chủ, đồng thời là nơi làm việc của Xứ ủy Bắc Kỳ trong thời kỳ 1937 – 1939.

Hiện nay, ngôi nhà cổ số 13 Nguyễn Quang Bích là nơi sinh sống của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, người từ lâu đã được mệnh danh là “Beethoven của Việt Nam”. Cuối năm 2009, ông là nhà soạn nhạc duy nhất của Việt Nam vinh dự được nhận Giải thưởng “Patrimoenia 2009” (Văn hóa Di sản 2009) của Thụy Sĩ.

Nguyễn Quang Bích-nhà quân sự tài hoa, nhà văn tiên phong về Tây Bắc

Nguyễn Quang Bích, sinh năm 1832, hiệu Ngư Phong, quê ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ngay từ nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, học giỏi nhất trong vùng. Ông đỗ Đình Nguyên Hoàng Giáp năm 1869.

Khi thực dân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai (1882), ông giữ chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa và là người cương quyết chống lại đường lối thỏa hiệp của triều đình.

Năm 1883, quân Pháp tấn công Hưng Hóa, ông đã anh dũng, chỉ huy binh lính giữ thành. Khi kinh thành rơi vào tay giặc, ông không tuân lệnh bãi binh của triều đình bắt về Huế nhậm chức, mà rút lên vùng Tây Bắc lập căn cứ chống Pháp lâu dài.

Năm 1885, vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương, Nguyễn Quang Bích trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Bắc Kỳ, được phong làm Lễ Bộ Thượng thư, sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ.

Nghĩa quân của ông gồm người Kinh, người Mường, người Thái... đã biết dựa vào rừng núi hiểm trở để đánh du kích, lập được nhiều chiến công oanh liệt, gây cho kẻ địch nhiều tổn thất nặng nề.

Không chỉ là một nhà quân sự tài hoa, Nguyễn Quang Bích còn là một nhà văn tiên phong về Tây Bắc. Cuộc đời, sự nghiệp cùng những vần thơ về cảnh vật và con người Tây Bắc của ông là một tài sản quý và niềm tự hào của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Tây Bắc nói riêng.

Trong những tác phẩm của ông để lại có nhiều bài văn xuôi, trong đó giá trị nhất là tác phẩm “Ngư Phong thi văn tập” gồm 97 bài thơ chữ Hán, viết từ năm 1884 đến 1889.

Đây là những áng văn chương thấm đượm tinh thần yêu nước, thương dân, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn thơ yêu nước thời cận đại.

Ông mất đầu năm 1890 tại căn cứ của nghĩa quân ở vùng núi Tôn Sơn thuộc xã Mộ Xuân, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Ngày nay, không chỉ có ở thành phố Hà Nội mà còn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã có những con đường, trường học mang tên danh nhân Nguyễn Quang Bích, như Yên Bái, Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Kiên Giang… Tên tuổi của ông sống mãi trong lòng dân tộc./.

Phương Nga tổng hợp (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark