08/01/2012 | 15:50:00

Xây dựng Hà Nội trở thành một trung tâm tài chính

Địa danh Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã gắn chặt với những mốc son lịch sử của dân tộc; và trong suốt chiều dài thời gian đó, Hà Nội đã từng bước xác lập vị trí rất quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị - xã hội của cả nước.. Tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (năm 2010), thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ làm rất nhiều việc để đạt được các mục tiêu chủ yếu mà Đảng bộ và chính quyền Thành phố đặt ra, thực hiện ước vọng của nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước.

Mục tiêu phát triển của Hà Nội là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái, chủ động hội nhập quốc tế... Một trong những mục tiêu đó là xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm tài chính của cả nước.

Trung tâm tài chính được thể hiện ở sự tập trung cao các tổ chức tài chính (trong nước và quốc tế), cung cấp khối lượng dịch vụ tài chính lớn, đa dạng, với tính tiện ích cao, có khả năng chi phối hoạt động tài chính của một vùng lãnh thổ, quốc gia hay khu vực. Người ta biết đến trung tâm tài chính lâu đời và nổi tiếng trên thế giứoi như Luân Đôn, New York, và gần đây như Hồng Kông, Singapore.

Các tổ chức tài chính lớn góp phần tạo nên bộ mặt và sức mạnh của trung tâm tài chính chủ yếu bao gồm hệ thống Ngân hàng, Bảo hiểm, Chứng khoán, Quỹ đầu tư và Công ty tài chính khác. Hệ thống này hoạt động trên hai thị trường - thị trường tiền tệ và thị trường vốn - nhằm cung ứng đa dạng các dịch vụ tài chính.

Dịch vụ tài chính là loại hình dịch vụ cao cấp trong nền kinh tế thị trường, nó được hình thành và phát triển trên cơ sở các dịch vụ khác như thương mại, du lịch... nhưng chính sự phát triển của dịch vụ tài chính sẽ tác động trở lại đối với sự phát triển của các dịch vụ khác, tới quá trình sản xuất và tiêu dùng trong nền kinh tế. Một trong những thước đo để đánh giá trình độ phát triển của một nước là mức độ phát triển của cá dịch vụ tài chính gắn với trung tâm tài chính của nước đó. Trung tâm tài chính là một bộ phận của hệ thống tài chính và hoạt động của nó được thể hiện thông qua sự hoạt động của thị trường tài chính và các tổ chức tài chính.

Trung tâm tài chính thường gắn với trung tâm thương mại - công nghiệp. Lợi nhuận cao của ngành công nghiệp ngân hàng - chứng khoán là điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này khôngngừng mở rộng chân rết, áp dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hoá dịch vụ, nhằm phục vụ, xâm nhập và chi phối các ngành kinh tế. Các tập đoàn ngân hàng liên kết mạnh mẽ với tập đoàn bảo hiểm và kinh doanh bất động sản để tạo thành thị trường tài chính to lớn, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy sự phát triển của trung tâm tài chính thường nhận được sự ủng hộ và quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền.

Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các dịch vụ tài chính. Hà Nội là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, với hơn 3 triệu dân năm 2006 và sẽ còn tăng mạnh trong những năm sau, lao động trẻ và có trình độ cao, thu nhập bình quân cũng ở mức cao trong cả nước. Đồng thời những năm gần đây, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã phát triển rất nhanh tại Hà Nội. Những yếu tố này cho thấy Hà Nội là thị trường đầy tiềm năng cho phát triển dịch vụ tài chính.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 148 tổ chức tín dụng, bao gồm 48 chi chánh và cơ sở giao dịch của ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN), 8 hội sở chính và 51 chi nhánh của ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), 18 chi nhánh ngân hàng liên doanh và ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh của Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng phát triển, Công ty tài chính và Công ty cho thuê tài chính, 1 quỹ tín dụng nhân dân trung ương và 12 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

Ngoài ra còn có các công ty chứng khoán (thuộc ngân hàng thương mại và công ty tài chính), công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ đầu tư... Đấy là chưa kể hàng trăm phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm, máy rút tiền tự động. Tình hình trên cho thấy sự phát triển tương đối dày đặc và đa dạng các định chế tài chính ở Hà Nội.

Điều đáng chú ý là ở Hà Nội không chỉ tập trung đông đảo các định chế tài chính, trực tiếp cung cấp các dịch vụ tài chính cho xã hội, mà còn tập trung các cơ quan đầu não của nhiều định chế tài chính lớn, như Hội, sở chính các NHTMNN, Công ty tài chính, bảo hiểm, và nhiều NHTMCP, đóng vai trò tập trung và điều phối vốn cho toàn hệ thống, tạo tính sôi động và có hiệu quả cho thị trường liên ngân hàng. Các định chế tài chính trên, mặc dù với nghiệp vụ cụ thể có khác nhau, song đều đóng vai trò là trung gian tài chính, chuyển hàng nghìn tỷ đồng cho đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm , tăng thu nhập cho người dân và ngân sách Hà Nội.

Hà Nội cũng là nơi tập trung thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ liên ngân hàng, thị trường bất động sản... Các tổ chức tài chính trong nước có quan hệ với nhiều thị trường tài chính trên thế giới.

Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) tính trên địa bàn Hà Nội đạt trên 23% trong giai đoạn 5 năm 2001-2005. Tổng nguồn vốn huy động tính đến giữa 2006 đạt trên 200 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 35% tổng vốn huy động của toàn hệ thống NHTM trong cả nước. Tiền tiết kiệm của dân đạt trên 95 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 46% còn tiền gửi các tổ chức kinh tế chiếm trên 54%. Như vậy Hà Nội đã đứng đầu cả nước về thu hút tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Tốc độ tăng dư nợ của các NHTM trên địa bàn đạt trên 22% giai đoạn 2001-2005. Dự nợ tính đến giữa 2006 đạt trên 106 nghìn tỷ đồng.

Cùng với tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, sự xuất hiện và phát triển Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và các Công ty chứng khoán, các Quỹ đầu tư và Công ty quản lý qũy đã làm sống động thị trường vốn trung và dài hạn tại Hà Nội. Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chính thức và thị trường OTC không những tạo niềm tin mới cho giới đầu tư, mà quan trọng hơn, bước đầu trở thành bà đỡ cho các doanh nghiệp cổ phần. Luồng chu chuyển vốn trung và dài hạn đã giúp cho nhiều doanh nghiệp đầu tư đổi mới, cơ cấu lại, áp dụng công nghệ hiện đại, tạo nên sức mạnh cạnh tranh mới cho các doanh nghiệp Hà Nội.

Các trung gian tài chính trên địa bàn Hà Nội cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính, từ các dịch vụ truyền thống đến các dịch vụ hiện đại như cho vay doanh nghiệp và dân cư, thanh toán trong nước và quốc tế, thu đổi ngoại tệ, bảo lãnh, cho thuê, bảo hiểm, tư vấn, quản lý ngân qũy, dịch vụ ngân hàng điện tử đa tiện ích như E-banhking, Internet banhking, bao thanh toán, môi giới, chứng khoán hoá, quyền chọn... Mặc dù nhiều dịch vụ còn mới, phát triển chưa mạnh và chưa sâu, song có thể nói tính đa dạng các dịch vụ là lớn nhất trong cả nước. Tốc độ giao dịch tăng, giảm thời gian và chi phí giao dịch đã làm tăng chất lượng dịch vụ tài chính cung cấp cho hàng triệu lượt khác hàng, góp phần làm tăng và đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển vốn trên địa bàn, hạn chế lưu thông tiền mặt.

Các định chế tài chính trên địa bàn Thủ đô đã có những bước tiến rất quan trọng trong việc thay đổi mô hình, xử lý nợ xấu, áp dụng các chuẩn mực của hệ thống ngân hàng hiện đại... đồng thời không ngừng quảng bá hình ảnh của mình trong nước và quốc tế, cung cấp nhiều dịch vụ có chất lượng cao, hiệu quả kinh doanh tăng. Nhiều NHTM đạt tỷ lệ sinh lời ROE trên 25%.

Chính phủ đã có kế hoạch phát triển dịch vụ của ngành ngân hàng trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2006 - 2010, Đề án, "Xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng đầu ở khu vực phía Bắc và giữ vai trò quan trọng trong cả nước"

Đề án "Xây dựng và phát triển thị trường vốn và thị trường chứng khoán Hà Nội", ý tưởng "Xây dựng phố Wall tại Hà Nội" của các nhà tài chính... Những định hướng này cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước, các định chế tài chính, xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính lớn. Đây cũng là biện pháp chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu về huy động vốn cho đầu tư.

Chú trọng thu hút các nguồn vốn trong dân, tỷ trọng tăng từ 23,6 (giai đoạn 2001 - 2005) và tăng lên 27,2% (giai đoạn 2006 - 2010). "Giai đoạn 2006 - 2010 cần đầu tư 222.500 tỷ đồng, bình quân hàng năm 345.100 tỷ đồng, riêng đầu tư bằng nguồn vốn FDI là 15.100 tỷ đồng/năm (vốn đăng ký 24.080 tỷ đồng/năm). Trong đó cần đầu tư cho các chương trình, dự án lớn là 60.755 tỷ đồng (bình quân hàng năm 12.151 tỷ đồng) từ các nguồn vốn ngân sách, vốn ODA và các nguồn vốn khác".

Khó khăn và cũng là điểm yếu mà chúng ta phải tập trung giải quyết khi xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính là:

Thứ nhất, Hà Nội chưa có nhiều tập đoàn công nghiệp và thương mại lớn, hoạt động có hiệu quả, làm nền tảng vững chắc cho trung tâm tài chính;

Thứ hai, thị trường tài chính Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phát triển, luật lệ chưa đồng bộ, kinh nghiệm và trình độ quản lý còn non, chưa có nhiều tập đoàn tài chính lớn. Hiện tại nhà nước tập trung nhiều vào các ngân hàng mà chưa chú ý đáng kể đến các tổ chức tài chính phi ngân hàng.

Thứ ba, do đang trong giai đoạn đầu hội nhập, hoạt động của thị trường tài chính vẫn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, điều này cản trở mối liên hệ quan trọng giữa trung tâm tài chính trong nước với thị trường tài chính quốc tế.

Ba đặc trưng cơ quan của một trung tâm tài chính mà Hà Nội cần đạt tới là:

Một là: Thị trường tài chính (bao gồm thị trường vốn, thị trường tiền tệ và các thị trường bộ phậncủa 2 thị trường trên...) được xác lập đầy đủ đồng bộ.

Hai là: Các tổ tài chính trung gian (ngân hàng, phi ngân hàng) hoạt động ổn định, hiệu quả...

Ba là: Môi trường thể chế, chính sách minh bạch thông thoáng tạo điều kiện để thị trường tài chính vận hành hiệu quả, các tổ chức tài chính trung gian, các doanh nghiệp, cá nhân... dễ tham gia và tiếp cận với thị trường tài chính và đạt hiệu quả cao trong các giao dịch tài chính.

Một số giải pháp kiến nghị:

Các biện pháp đặt ra đòi hỏi phải đồng bộ, khẩn trương, kết hợp nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành: Củng cố hệ thống ngân hàng thương mại, phát triển hệ thống ngân hàng theo mô hình hiện đại; phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản; đa dạng hoá các loại hình bảo hiểm, đồng thời phát triển các công ty tài chính và hạ tầng thông tin tài chính.

Về phía Chính phủ, Chính quyền thành phố và các ban ngành trung ương:

Phát triển trung tâm tài chính đòi hỏi chính sách đồng bộ và nỗ lực thực hiện của các cấp, ngành. Phải khẳng định rằng, nếu Hà Nội trở thành trung tâm tài chính lớn, không những doanh nghiệp và dân cư trên địa bàn mà ở nhiều vùng khác cũng được hưởng lợi. Bởi vì nhiều tổng công ty, công ty mẹ đóng trên địa bàn có vai trò huy động vốn và thanh toán cho cả tập đoàn. Giải pháp chính là:

Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cho trung tâm tài chính: cơ sở hạ tầng thông tin, mặt bằng.
- Đảm bảo an ninh cho trung tâm tài chính.
- Phối hợp giải quyết có hiệu quả các hoạt động liên quan tới hoạt động tài chính như đăng ký giao dịch đảm bảo, định giá, phát mại, thủ tục hành chính...
- Phát triển đồng bộ và hiện đại hoá hệ thống tài chính - ngân hàng. Nhanh chóng bổ sung vốn cho các NHTMNN để đảm bảo hệ số an toàn, có vốn để đầu tư vào công nghệ và dịch vụ hiện đại; phát triển một số định chế tài chính lớn thành tập đoàn tài chính, đủ sức ổn định thị trường;
- Có biện pháp nhanh, mạnh xử lý dứt điểm nợ xấu của NHTMNN nhằm lành mạnh hoá tình hình tài chínhcủa NHTMNN, tăng cường năng lực cạnh tranh cảu hệ thống tài chính;
- Giải pháp căn bản và lâu dài là phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp mạnh là nền tảng của hệ thống tài chính mạnh. Cần đẩy mạnh hơn tiến trình cổ phần hoá, thu hút đầu tư nước ngoài để tạo lập doanh nghiệp mạnh trên thị trường chứng khoán.

Về phía Ngân hàng nhà nước Việt Nam:
- Để tăng khả năng liên kết giữa hệ thống tài chính trong nước và nước ngoài, tăng cường thu hút sự tham gia của các tổ chức nước ngoài vào Hà Nội, NHNNVN cần hoàn thiện chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp với thông lệ quốc tế, từng bước tạo điều kiện pháp lý để hệ thống tài chính Việt Nam có thể tham gia ngày càng sâu vào hệ thống tài chính quốc tế.
- Thực hiện thanh tra, giám sát hoạt động của hệ thống tài chính, triển khai áp dụng chính sách quản trị rủi ro hệ thống, nhằm đảm bảo hệ thống tài chính trên địa bàn phát triển an toàn.
- Tổ chức kết nối hệ thống nhằm tiết kiệm chi phí, tăng tính tiện ích của dịch vụ tài chính và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tài chính.

Về phía các định chế tài chính:
Có thể nói, vai trò các định chế tài chính là rất to lớn trong tiến trình xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính. Các định chế này phải tập trung và phân phối một cách có hiệu quả nhất khối lượng vốn lớn và ngày càng gia tăng, đáp ứng các nhu cầu về nguồn vốn và các dịch vụ tài chính trong cả nước, đảm bảo cho các dịch vụ tài chính ngày càng trở thành động lực mạnh mẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Giải pháp cần tập trung là:
- Từng bước xây dựng mô hình hiện đại, tập trung ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, tiếp cận với các tiêu chuẩn và thống lệ quốc tế;
- Xây dựng mô hình quản trị rủi ro phù hợp;:
- Đào tạo cán bộ nhằm tạo ra đội ngũ chuyên gia tài chính mang tính chuyên nghiệp cao;
- Phát triển các mối quan hệ phối hợp, trực tiếp, liên thông trên phạm vi toàn quốc và quốc tế.

Kết luận: Để Hà Nội trở thành Trung tâm tài chính là mục tiêu có tính chiến lược của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trong những năm tới, đòi hỏi phải có sự đầu tư thích đáng về trí tuệ và tài lực. Trước tiên cần thành lập một nhóm nghiên cứu chuyên về vấn đề này để có thể đưa ra các đề xuất cụ thể về bước đi và các biện pháp có tính khả thi và hiệu lực cao. Phát triển Hà Nội trở thành Trung tâm tài chính chắc chắn sẽ đưa Hà Nội lên một tầm cao mới về kinh tế và chính trị, xứng đáng với tầm vóc của Thủ đô ngàn năm văn hiến./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark