02/03/2012 | 10:50:00

Các đường phố Hà Nội theo vần L (phần 2)

LÊ ĐẠI HÀNH

Phố: dài 450m; từ cuối phố Thể Giao đến đầu đường Đại Cồ Việt giáp Ô Cầu Dền, cắt ngang qua phố Bà Triệu.

Đất hai thôn Hậu Phong Vân và Long Hồ (sau nhập thành Vân Hồ), tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc là phố Hoàng Cao Khải. Sau Cách mạng mang tên này.

Ngõ: ở phố cùng tên, cạnh số nhà 20 rẽ vào, thông sang phố Thái Phiên, nơi đây xưa có đàn Nam Giao dựng từ thời Lê, hằng năm vua tới tế trời đất.

Lê Đại Hành: tức Lê Hoàn (941 – l005): sinh tại làng Trung Lập, nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, một tướng giỏi, được triều Đinh phong chức Thập đạo Tướng quân. Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng mất, ông phò vua Đinh Toàn mới 6 tuổi, trông coi việc nước. Quân Tống sang xâm lược, thái Hậu họ Dương và triều đình tôn ông lên làm vua để đánh giặc. Sử sách gọi là Đại Hành hoàng đế (980 -1005), chỉ huy quân dân đánh giặc Tống, lập công lớn ở Chi Lăng và Bạch Đằng (981), buộc nhà Tống phải công nhận chủ quyền nước ta: nước Đại Cồ Việt với kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình).

LÊ ĐỨC THỌ

Đường: dài 2km; từ đường Hồ Tùng Mậu (Đường 32 Hà Nội - Sơn Tây) chỗ trạm xăng dầu Mai Dịch đi vào tới cửa Sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Đường mới mở khi xây dựng sân vận động này năm 2003. Đất xã Mai Dịch và xã Mỹ Đình huyện Từ Liêm trước, nay thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy và xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm.

Tên mới đặt tháng 2-2003.

Lê Đức Thọ (1911 -1990): tên chính là Phan Đình Khải, người làng Dịch Lễ, huyện Mỹ Lộc - nay thuộc xã Nam Vân, thành phố Nam Định. Ông tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, vào Đảng Cộng sản Đông Dương, bị Pháp bắt tù đày ở Côn Đảo, Hoả Lò, Sơn La, Hoà Bình… Cuối năm 1944 ra tù, ông tham gia phát động cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa. Kháng chiến toàn quốc, từ 1948 đến 1954 ông công tác ở miền Nam, giữ cương vị chủ chốt trong Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, 1955 ông tập kết ra Bắc, được bổ sung vào Bộ Chính trị, phụ trách công tác tổ chức của Trung ương Đảng, Giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, tham gia Quân ủy Trung ương.

Sau một thời gian trở lại miền Nam công tác, năm 1968 ông là cố vấn đặc biệt của phái đoàn Chính phủ ta tại Hội nghị Paris, tiến tới ký hiệp định với Mỹ giải quyết hoà bình vấn đề Việt Nam. Năm 1975, ông vào Nam tham gia chỉ đạo cuộc Tổng tiến công mùa xuân và chiến dịch Hồ Chí Minh. Đất nước thống nhất, ông vẫn giữ những chức vụ quan trọng của Đảng. Từ 1986 được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Được thưởng Huân chương sao vàng

LÊ GIA ĐỈNH

Phố: dài 350m, từ phố Đồng Nhân, qua khu tập thể Nguyễn Công Trứ, lượn khúc tới phố Thịnh Yên, chạy phía sau đền Hai Bà Trưng.

Đất các thôn Hoa Viên, Cảm Ứng, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Trước đây, phố thông sang Nguyễn Công Trứ, đoạn đầu giờ không còn lối đi.

Nay thuộc phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc là đường 336 (voie 336).

Tên mới đặt năm 1994 là Lê Gia Định. Tháng 1-1999 chỉnh lý lại cho chính xác là Lê Gia Đỉnh.

Lê Gia Đỉnh (1920 -1946): là chính trị viên đại đội Trung đoàn Thủ đô, chiến sĩ Quyết tử quân Hà Nội, quê xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; tham gia trận chiến đấu ác liệt bảo vệ Bắc Bộ Phủ đêm 19-12-1946 và hy sinh anh dũng tại đây vào ngày hôm sau, sau khi đánh lui nhiều đợt tiến công của quân Pháp. Lê Gia Đỉnh được mệnh danh là “Quyết tử quân số 1” của Thủ đô. Truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (4-2000).

LÊ HỒNG PHONG

Phố: dài 730m, từ góc đường Hoàng Diệu - Điện Biên Phủ đến phố Ngọc Hà, cắt ngang qua các phố: Chu Văn An, Hùng Vương, Ông Ích Khiêm. Đất nội thành Thăng Long thời Nguyễn.

Nay thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc là đại lộ Giôvaninely (Boulevard Giovaninelly).

Sau Cách mạng gọi là phố Tôn Trung Sơn. Thời tạm chiếm: đại lộ Tôn Thất Thuyết. Từ 1964 mang tên này.

Lê Hồng Phong (1902 -1942): tên thật là Lê Huy Doãn, người xã Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia cách mạng từ 1924, được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu học trường Quân sự Hoàng phố - Trung Quốc, tốt nghiệp sĩ quan lục quân, sang Liên Xô học trường Không quân Lêningơrát, Đại học Phương Đông, phụ trách Ban Hải ngoại của Đảng, đại biểu dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (1935), được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương ông được cử vào Ban Chấp hành Trung ương. Về Sài Gòn lãnh đạo phong trào, bị địch bắt (1938), ông bị đày ra Côn Đảo và mất tại đó ngày 6-9-1942.

LÊ LAI

Phố: dài hơn 400m; từ đường Trần Quang Khải đến phố Đinh Tiên Hoàng, chạy cắt ngang qua ngã sáu Lý Thái Tố - Ngô Quyền cạnh vườn hoa Chí Linh cũ, (nay là vườn Lý Thái Tổ), qua trước trụ sở Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố (cửa bên).

Đất thôn Vọng Hà, tổng Tả Túc và Hậu Bi, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Lý Thái Tổ và phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là hai phố:

- Đoạn đầu là phố Bonnua (rue Bonnhour).

- Đoạn sau: phố Đôminê (rue Dominé).

Sau Cách mạng nhập làm một, mang tên này.

Lê Lai (? - 1418): người làng Dựng Tú, nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá. Năm 1416 theo Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn tại Hội thề Lũng Nhai. Năm 1418, quân Minh bao vây chặt nghĩa quân ở vùng núi Chí Linh (Thanh Hoá), Lê Lai đã tình nguyện cải trang làm Lê Lợi, xông ra trận tiền để giặc bắt và giết đi, nhờ vậy Lê Lợi thoát nạn hiểm, tiếp tục mưu đồ nghiệp lớn. Đất nước toàn thắng Lê Lợi lên ngôi vua, truy phong ông là Thái úy “đệ nhất công thần”.

LÊ NGỌC HÂN

Phố: dài 180m, từ đầu phố Trần Xuân Soạn đến phố Hoà Mã.

Đất thôn Hoa Viên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Luyrô (Rue Luro). Sau Cách mạng: phố Lữ Gia. Từ 1979 mang tên này.

Lê Ngọc Hân (1770 -1799): Công chúa út con vua Lê Hiển Tông với bà phi Nguyễn Thị Huyền - người làng Nành (Gia Lâm). Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc phù Lê diệt Trịnh, nhà vua cảm kích gả công chúa cho. Hôn lễ tổ chức trọng thể vào mùa thu năm Bính Ngọ. Ba năm sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, vua Quang Trung mất (1792) bà mới 22 tuổi, bằng tấm lòng tiếc thương vô hạn người chồng anh hùng, đầy võ công hiển vinh, bà đã viết khúc ca dài Ai tư vãn để lại một áng văn hay cho đời. Bà và hai con sau đều bị nhà Nguyễn Gia Long sát hại.

LÊ NHƯ HỔ

Phố: dài gần 200m; từ phố Nguyễn Thái Học rẽ vào ngoặt theo cạnh phía bắc sân vận động Hà Nội (sân Hàng Đẫy) đến phố Trịnh Hoài Đức. Khi xây dựng lại, phố này hoá thành con đường vào các cửa phía sau “gôn” hướng bắc mà thôi.

Đất thôn Cổ Thành, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa.

Thời Pháp thuộc gọi là đường 203 (voie 203).

Lê Như Hổ (1511 -1581): người làng Vông, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, có dáng vóc to lớn và ăn khoẻ như cọp. Ông đỗ tiến sĩ năm 1541, làm quan triều Mạc, từng đi sứ Trung Quốc, tài trí ứng đáp hơn người. Lê Như Hổ được phong tước hầu, hàm Thiếu bảo, sau thăng Tuấn quận công. Lúc mất, vua Minh sai sứ sang viếng và ban cho áo quan bằng đồng.

LÊ PHỤNG HIỂU

Phố: dài 330m; từ đường Trần Quang Khải đến phố Ngô Quyền, cạnh vườn Diên Hồng (tên dân gian: Vườn hoa Con Cóc) và khách sạn Mêtơrôpôn, trước cổng Bắc Bộ Phủ cũ, nay là nhà khách Chính phủ, cắt ngang phố Tông Đản và Lý Thái Tổ.

Đất thôn Vọng Hà, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Tướng Lơcơlănggiê (rue Général Lectanger).

Lê Phụng Hiểu (thế kỷ XI): người làng Băng Sơn, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, một danh tướng của vua Lý Thái Tổ. Khi nhà vua mất, ba người con tranh ngôi của thái tử Phật Mã, nổi dậy bao vây kinh thành. Ông đã chỉ huy quân sĩ dẹp yên “loạn tam vương”, đưa thái tử Phật Mã lên ngôi là Lý Thái Tông (1028 -1054).

LÊ QUANG ĐẠO

Đường: dài 2km; từ cửa Sân vận động quốc gia Mỹ Đình đến ngã ba tiếp nối với đường Láng - Hòa Lạc trên đất xã Mỹ Đình và Mễ Trì, huyện Từ Liêm.

Lê Quang Đạo (1921-1999): tên thật là Nguyễn Đức Nguyện, sinh tại Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Tham gia cách mạng từ 1938, vào Đảng Cộng sản năm 1940, từng là Bí thư chi bộ Đình Bảng, Ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, chính trị viên chi đội Giải phóng quân Bắc Giang, tham gia Tổng khởi nghĩa ở Bắc Giang.

Từ 1945 - 1950 làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hải Phòng, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư liên tỉnh Ủy Hà Nội - Hà Đông, Thường vụ liên khu Ủy Khu III. Phó ban Tuyên huấn Trung ương. 1950 -1976 công tác trong quân đội, làm Cục trưởng Cục Quân huấn, Phó chủ nhiệm chiến dịch Điện Biên Phủ, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính Ủy chiến dịch đường 9, Bí thư - chính Ủy mặt trận giải phóng Quảng Trị.

Ông được phong quân hàm trung tướng, Bí thư Trung ương Đảng khóa IV, V, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. 1987 ông là Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng nhà nước. 1988 Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc. 1994 Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhà nước ta tặng Huân chương Hồ Chí Minh, truy tặng Huân chương Sao Vàng (2001).

LÊ QUÝ ĐÔN

Phố: dài gần 210m, từ đường Trần Khánh Dư đến phố Nguyễn Cao.

Đất phường Yên Xá, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc: phố Mácxen Lêgiê (rue Marcel Léger). Sau Cách mạng: phố Ấu Triệu. Thời tạm chiếm: mang tên này.

Lê Quý Đôn (1726 -1784): tên thật là Lê Danh Phương, hiệu Quế đường, người làng Phú Hậu, huyện Duyên Hà, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Đỗ bảng nhãn, vào làm ở Hàn lâm viện, được giao soạn quốc sử. Năm 1760 đi sứ Trung Quốc. 1767 chúa Trịnh phong chức Bồi tụng, làm Hiệp trấn Nghệ An, rồi về triều giữ chức Thượng thư bộ Công. Ông là nhà bác học, nhà văn hoá lớn, để lại nhiều tác phẩm giá trị về văn, sử, triết, kinh tế, địa lý... như Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ, Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử... mang tính bách khoa toàn thư.

LÊ THẠCH

Phố: dài 230m; từ phố Ngô Quyền đến phố Đinh Tiên Hoàng, theo cạnh nam vườn hoa Chí Linh cũ (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Phố không có nhà dân, một bên vườn hoa, một bên là công sở: Nhà khách Chính phủ và Bưu điện Hà Nội.

Đất thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là đường Savaxiơ (avenue Chavassieux).

Lê Thạch (? -1421): người Tam Sơn, tỉnh Thanh Hoá, gọi Lê Lợi bằng chú, theo nghĩa quân từ khởi đầu (1418), từng đánh thắng Mã Kỳ ở Nga Lạc. Hy sinh trong một trận chống lại tên tù trưởng Ai Lao phản bội (1421).

LÊ THÁI TỔ

Phố: dài 685m; từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - nhà Thủy Tạ, chạy vòng theo bờ tây hồ Gươm: đến đầu phố Bà Triệu - Tràng Thi, qua toà báo Hà Nội Mới.

Đất các thôn Khánh Thụy (Tả, Hữu), Tự Tháp, Phúc phố, Tô Mộc đều thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nhà số 16 có đài tưởng niệm Lê Thái Tổ, tượng bằng đồng, đặt trên cột bệ đá cao dựng năm 1896, di tích đã xếp hạng năm 1995.

Nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là hai phố:

- Đoạn đầu (đến chạc ba Hàng Trống): phố Bôsăm (rue Beauchamp).

- Đoạn sau: phố Hàng Trống kéo dài (rue Jules Ferry).

Cho nên “bót” cảnh sát ở cuối phố này có tên dân gian là “bót Hàng Trống” - nay là Công an quận Hoàn Kiếm.

Sau Cách mạng: phố Bờ Hồ.

Từ thời tạm chiếm là phố Lê Thái Tổ.

Lê Thái Tổ (1385 -1433): tức Lê Lợi người Lam Sơn, nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, dựng cờ khởi nghĩa năm 1418, chống quân Minh ròng rã 10 năm mới giành toàn thắng, giải phóng Đông Quan (Thăng Long), lập lại nền tự chủ, lên ngôi vua, miếu hiệu là Lê Thái Tổ, sáng lập ra triều Lê năm 1428 và đưa chế độ phong kiến Việt Nam lên bước phát triển mới thịnh vượng. Ông cũng là nhân vật trả kiếm cho rùa thần trong truyền thuyết về hồ Hoàn Kiếm./.

(Còn tiếp)

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark