24/02/2012 | 10:27:00

Cần có một tượng đài Bà mẹ Anh hùng Thăng Long

Không có thứ tình cảm nào cao quý và thiêng liêng hơn tình mẫu tử. Và cũng không có một nỗi đau nào có thể so sánh được với nỗi đau của người mẹ mất con. Vậy mà, chỉ trong vòng có 5 năm, sau sáu lần tiễn con đi, bà nhận tới 3 tấm giấy báo tử. Bà là Nguyễn Thị Chanh - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hiện còn sống ở thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
 
 Mẹ Nguyễn Thị Chanh sinh năm 1913, tại thôn Minh Hòa, xã Quang Tiến, huyện Kim Anh (nay là thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn). Sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, nên ngay từ thuở ấu thơ mẹ đã phải chịu bao nỗi gian truân, vất vả. Khi lớn lên, đi lấy chồng, cũng là lúc mẹ nhận rõ thế nào là nỗi nhục của người dân bị mất nước. Mẹ Chanh kể lại: Trong những năm kháng chiến, bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã lập ra “vành đai trắng” hòng tiêu diệt cán bộ Việt Minh và ngăn cản nhân dân đến với cách mạng.
 
 Quên sao được cái ngày đau thương nhất đến với gia đình mẹ: hôm đó là ngày 6-3-1954, ngay từ sáng sớm, bọn lính Pháp và quân “O-E” phản động Nội Bài hùng hổ kéo về làng càn quét. Sau khi lùng sục, cướp bóc của cải của nhân dân, chúng dồn hết mọi người trong làng đến tập trung tại sân nhà mẹ. Tên sĩ quan Pháp, mặt đằng đằng sát khí, cầm roi đuôi bò quất tới tấp vào mặt những ai không có tiền nộp sưu cho chúng. Dã man hơn, chúng lôi cả gia đình nhà mẹ ra để đánh đập với lý do chồng mẹ, ông Nguyễn Văn Phong, làm Phó lý cho Tây nhưng lại hoạt động cho cách mạng. Trong lúc chồng mẹ đang thập tử, nhất sinh, thì toán lính khác lại bắt luôn chú em chồng là Nguyễn Tư Cảnh nằm úp mặt vào tường. Tên lính Pháp dí súng vào mang tai chú Cảnh và bóp cò… rồi hắn cười khùng khục trong cơn giãy chết của người em vô tội. Bao nỗi uất hận cháy lên trong lòng mẹ Chanh. Vừa tần tảo chăm sóc cho chồng và chắt chiu nuôi dạy 9 người con, ước mơ lớn nhất đối với mẹ Chanh là mong sao cho các con của mẹ được khôn lớn, trưởng thành để đền nợ nước, trả thù nhà.
 
 Sau ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954), Hà Nội cùng cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và dốc lòng, dốc sức cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1961, Nhà nước lấy đất để xây dựng sân bay Nội Bài, mẹ Chanh lại gương mẫu vận động bà con cùng chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, di rời lên khu gần hồ Đồng Quang để lập ấp. Tháng 4 năm 1962, mẹ Chanh tiễn đưa người con trai thứ nhất là anh Nguyễn Văn Phú lên đường nhập ngũ. Bốn năm sau, người em là Nguyễn Văn Thích cũng tiếp bước theo anh tòng quân tham gia chiến đấu.
 
 Chỉ 3 tháng sau, người con gái của mẹ là Nguyễn Thị Tính lại xung phong lên đường. Lần thứ ba gạt nước mắt tiễn con đi mà trong lòng mẹ trăm bề lo lắng… Và rồi cái điều mà mẹ không hề mong đợi đã xảy ra. Ngày 15-2-1967, trong một trận đánh rất ác liệt với quân thù, Nguyễn Văn Phú đã anh dũng hy sinh tại mặt trận phía Nam. Anh Nguyễn Văn Tình, người con thứ năm đã tình nguyện lên đường chiến đấu trả thù cho anh trai, trả thù cho quê hương, đất nước. Vậy là lần thứ tư, mẹ Chanh tiễn con ra trận.
 
 Ở hậu phương, mẹ tích cực tham gia vào hoạt động của Ban chấp hành Hội Phụ nữ, Hội Mẹ chiến sĩ. Ngoài tham gia sản xuất nông nghiệp, bất chấp bom đạn của kẻ thù, tối tối, mẹ lại cùng các mẹ trong thôn lên tận trận địa pháo cao xạ để thăm hỏi, tặng quà, động viên, chăm sóc thương binh, khâu vá quần áo cho anh em.
 
 Sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, con trai cả của mẹ Nguyễn Ngọc Lưu, đang là cán bộ phòng thuế của huyện Kim Anh (nay là Sóc Sơn) lại lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Mẹ Chanh nhìn vào mắt người con trai cả mà không nói nên lời. Nhưng từ trong sâu thẳm của mẹ ánh lên niềm tin và tự hào đối với các con. Tiễn người con thứ năm được mấy tháng, mẹ lại nhận được tin dữ, Nguyễn Ngọc Lưu đã hy sinh một cách oanh liệt. Nỗi đau xé lòng khi mẹ Chanh nhận tấm giấy báo tử thứ hai trên tay. Nhưng sự tàn khốc của chiến tranh đâu chỉ có vậy. Hai năm sau, ngày 27-3-1974 người con thứ ba của mẹ là anh Nguyễn Văn Thích lại hy sinh. Mẹ Nguyễn Thị Chanh tưởng chừng không còn đủ sức để đứng vững trước những mất mát quá lớn liên tiếp ập xuống cuộc đời. Song, nhờ có sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ của bà con làng xóm và các cơ quan đoàn thể ở địa phương, phần vì mẹ cũng hiểu muốn có độc lập - tự do, lẽ tất nhiên phải có hy sinh, mất mát, dần dần mẹ Chanh cũng vượt qua được nỗi đau đó.
 
 Lần thứ sáu, năm 1979, mẹ tiễn đưa người con trai út, anh Nguyễn Văn Chín, lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đất nước hòa bình, thống nhất, cả 3 người con của mẹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng 3 người con đã vĩnh viễn nằm lại ở các chiến trường. Mẹ Chanh đã cống hiến cho Tổ quốc những người con yêu quý của mình. Với những đóng góp và sự hy sinh to lớn đó, mẹ Nguyễn Thị Chanh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba và danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
 
 Giờ đây, đã bước sang tuổi 92, tuy đôi mắt đã lòa, nhưng mẹ Chanh vẫn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Gặp chúng tôi, mẹ xúc động nói: “Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị cùng bà con thôn xóm luôn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà và nhận phụng dưỡng chăm sóc, nên mẹ mới được mạnh khỏe như ngày hôm nay”. Nhưng chúng tôi hiểu: dẫu có quan tâm bao nhiêu đi chăng nữa, đất nước và nhân dân cũng không bù đắp nổi sự hy sinh to lớn của những bà mẹ Việt Nam vĩ đại và anh hùng mà mẹ Nguyễn Thị Chanh ở Hà Nội là một trong số đó.
 
 Thủ đô năm nay kỷ niệm tròn 50 năm ngày Giải phóng, tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cùng với những công trình đã và đang được triển khai xây dựng, nên lắm và cần lắm một Tượng đài ghi công những Người mẹ Anh hùng đất Thăng Long. Truyền thuyết non nước Việt có mẹ Âu Cơ, làng Phù Đổng - Sóc Sơn, Hà Nội có bà mẹ Thánh Gióng nuôi con cưỡi ngựa sắt đuổi giặc Ân, rồi Bà Trưng, Bà Triệu... lập bao chiến công ghi danh sử sách, thời đại nào đất nước cũng thấp thoáng những bà mẹ Việt Nam anh hùng mà khiêm nhường, chịu đựng trong lặng lẽ. Non sông Việt Nam nói chung và Thăng Long văn hiến làm sao có được ngày hôm nay nếu không có những Người mẹ vĩ đại và bình dị ấy?./.
 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark