15/08/2012 | 15:19:00

Cây vĩ cầm Bùi Công Duy

Trong giới nghệ sĩ đàn dây trẻ Việt Nam, Bùi Công Duy nổi lên như một hiện tượng đặc biệt, nhất là sau khi anh giành Giải Nhất Concours Tchaikovsky danh tiếng được tổ chức tại Saint Petersbourg (Nga).

Sinh năm 1981 trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, ngay từ năm 4 tuổi, Bùi Công Duy đã được người bố của mình là nghệ sĩ violin Bùi Công Thành cho làm quen và chơi đàn violin.

Nhờ được thừa kế cách cảm thụ cũng như tình yêu âm nhạc từ bố mẹ cùng với việc chăm chỉ rèn luyện, năm 1989, khi mới 8 tuổi, Bùi Công Duy đã đoạt Giải Nhì cuộc thi âm nhạc tài năng trẻ violin tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1990, Duy giành tiếp Giải Nhất Concours “Mùa Thu” Quốc gia tổ chức tại Hà Nội.

Năm lên 10, Bùi Công Duy theo bố mẹ sang Nga sinh sống và học tập. Ở đất nước được xem là “cái nôi” của nghệ thuật âm nhạc thế giới này, Duy được bố mẹ cho theo học lớp trung cấp violin tại Nhạc viện Glinka. Tại đây, Duy được nhiều giảng viên nổi tiếng như Giáo sư Gvozde, Nghệ sĩ Nhân dân Bochkova… trực tiếp giảng dạy.

Bằng sự nỗ lực phấn đấu học tập của bản thân cùng với sự giúp đỡ, giảng dạy nhiệt tình của các thầy cô, Bùi Công Duy tiếp tục thể hiện được tài năng của mình. Trong thời gian này, Bùi Công Duy đã liên tục giành nhiều giải thưởng quốc tế, điển hình như Giải Nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế Demidov (Nga, 1993), Giải Nhất cuộc thi quốc tế Z.Bron (Nga, 1995), và đặc biệt là Giải Nhất cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc mang tên nhà soạn nhạc vĩ đại của nước Nga Tchaikovsky (Nga, 1997).

Năm 1998, Bùi Công Duy tiếp tục theo học âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky của Cộng hòa Liên bang Nga và sau đó bảo vệ thành công luận án thạc sĩ âm nhạc tại chính học viện âm nhạc lừng danh thế giới này.

Bùi Công Duy từng đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như Nhật, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc… Đặc biệt, năm 2006, anh vinh dự được dàn nhạc thính phòng lừng danh Vituous Moscow của Nga mời về làm việc. Và anh chính là nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên trong lịch sử 24 năm kể từ ngày thành lập của dàn nhạc nổi tiếng này.

Làm việc ở dàn nhạc này được gần 1 năm, Bùi Công Duy quyết định quay trở về Việt Nam sinh sống và làm việc với mong muốn góp phần tạo dựng một thế hệ nghệ sĩ mới cho làng âm nhạc hàn lâm Việt Nam.

Hiện tại, bên cạnh vai trò của một nghệ sĩ violin trẻ hàng đầu trong nước, luôn có mặt trong những buổi biểu diễn lớn với ngón đàn điêu luyện và mê hoặc lòng người, Bùi Công Duy còn tham gia vào công tác giảng dạy âm nhạc với vai trò một Phó Trưởng khoa đàn dây của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Được biết, từ khi về nước đến nay, Bùi Công Duy đã đào tạo được khá nhiều tài năng âm nhạc trẻ cho Việt Nam. Điển hình như trường hợp em Nguyễn Linh Nguyên (16 tuổi) đạt Giải Nhì cuộc thi “Mozart International String Competition 2011” tại Thái Lan, và em Trịnh Đan Nhi (10 tuổi) đạt Giải Nhì cuộc thi “The 4th ASEAN International Concerto Competition 2011” ở Indonesia.

Bàn về đời sống âm nhạc giao hưởng cổ điển ở Việt Nam, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy cho rằng, sự đặc biệt ở âm nhạc cổ điển nằm ở chỗ là có rất nhiều thể loại và người nghe không dễ cảm thụ ngay từ lần đầu, nên số lượng công chúng có năng khiếu về âm nhạc cổ điển vẫn chưa có nhiều. Trong thời gian gần đây, hoạt động âm nhạc cổ điển tại Việt Nam đã có những bước chuyển theo hướng tích cực. Bằng chứng là bên cạnh những chương trình nhỏ mang tính gần gũi với người nghe được tổ chức ngày càng nhiều ở các địa điểm công cộng như đường phố, vườn hoa… Việt Nam cũng bắt đầu chú trọng đến việc tổ chức thường xuyên hơn các chương trình biểu diễn lớn mang tầm quốc tế để vừa phục vụ công chúng yêu nhạc cổ điển, vừa tạo cơ hội giao lưu học hỏi cho các nghệ sĩ trong nước. Tuy nhiên, để nhạc cổ điển có thể phát triển mạnh hơn, đóng góp xứng đáng hơn cho nền âm nhạc nước nhà, thiết nghĩ cần phải có sự quan tâm nhiều hơn nữa của nhà nước và cộng đồng xã hội.

Mới đây, nghệ sĩ Bùi Công Duy cùng với dàn nhạc nổi tiếng thế giới Berliner Symphoniker của Đức đã có chương trình biểu diễn thành công tại Nhà hát lớn Hà Nội. Được biết, để mời được nhạc trưởng Lior Shambadal cùng dàn nhạc hơn 60 người này, Bùi Công Duy và cả ekip đã phải mất 2 năm chuẩn bị. Và bù lại, anh đã đem đến cho công chúng một bữa tiệc âm nhạc cổ điển “thịnh soạn” và đẳng cấp./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark