21/05/2012 | 15:34:00

Mai Thế Nguyên và tình yêu Hà Nội

Là người yêu Hà Nội, Kiến trúc sư (KTS) Mai Thế Nguyên, Việt kiều Nauy có những tâm sự xung quanh chủ đề kiến trúc dưới góc nhìn một người Việt đã hơn 50 năm sống xa nơi này…

Nặng tình với kiến trúc Hà Nội

Nhắc tới Hà Nội, nơi KTS Mai Thế Nguyên sinh ra và lớn lên, là nhắc tới ký ức thời thơ ấu của ông khi sống cùng gia đình ở phố Hàng Ngang vào những năm khoảng giữa thế kỷ XX.

Dưới góc nhìn của ông, đặc trưng kiến trúc Hà Nội nằm ở khu phố cổ, một khu phố lâu đời, gắn bó mật thiết với cuộc sống, sinh hoạt của người dân thị thành. Khi người Pháp đến Đông Dương, họ đã khôn khéo không phá bỏ khu phố này mà xây dựng thêm một khu phố khác (khu phố cũ hiện tại) theo mô hình hiện đại ở ngay bên cạnh khu phố cổ. Nhờ đó mà Hà Nội vẫn giữ được những góc phố, những địa chỉ kiến trúc đẹp, những không gian sống mang đậm tình người Hà Nội tồn tại mãi cho đến tận ngày nay.

Tuy nhiên, KTS Mai Thế Nguyên cũng có nhiều băn khoăn, suy nghĩ về vấn đề không gian kiến trúc truyền thống của Hà Nội hôm nay khi mà nó đang đứng trước nguy cơ bị chen lấn bởi những trung tâm thương mại cao tầng đang ngày mọc lên như nấm...

Theo ông, kiến trúc Hà Nội cần phải tìm cho mình một hướng phát triển vừa hợp lý lại vừa không làm mất đi vẻ đẹp riêng trong từng đường nét kiến trúc đặc trưng vốn có của mình, đó là sự giao hòa giữa người Hà Nội với kiến trúc Hà Nội, bởi phong cách kiến trúc Hà Nội đã góp phần tạo nên văn hóa của người Hà Nội.

KTS Mai Thế Nguyên tâm sự: Việc quy hoạch Hà Nội, thủ đô một đất nước có lịch sử lâu đời là vấn đề không hề đơn giản. Chính vì vậy, rất cần sự cộng tác, đóng góp của tập thể, từ kiến trúc sư, nhà quy hoạch, chính trị gia, nhà tâm lý học, nhà xã hội học, cho đến từng người dân… bởi thành phố là nơi con người sinh sống ở đó và con người sử dụng khu phố đó chứ không đơn thuần là ngôi nhà, là các kiến trúc vật thể.

Bàn về tính bền vững trong kiến trúc Hà Nội, KTS Mai Thế Nguyên cho rằng, vật chất và tài năng có thể giúp ta tạo ra được một thành phố đẹp đẽ, văn minh, nhưng để duy trì được vẻ đẹp và văn minh ấy cần phải có một nếp sống văn minh. Điều này cần nhiều thời gian hơn, thậm chí một vài thế hệ. Nếu thành phố nào thân thiện với con người thì thành phố đó sẽ thành công. Vài ngôi nhà đẹp không thể tạo ra một thành phố đẹp. Một thành phố đẹp là một thành phố có con người. Để quy hoạch thành công Hà Nội đòi hỏi người Việt Nam phải biết cách “Việt Nam hóa”, tức là học hỏi cái hay, cái tốt ở các nước, rồi biến nó thành cái của mình, phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng.

Món quà tặng Thủ đô 1000 năm tuổi

KTS Mai Thế Nguyên lâu nay luôn mơ ước viết một cuốn sổ tay giới thiệu về kiến trúc Hà Nội dành tặng cho du khách nước ngoài nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ước mơ đó nay đã trở thành hiện thực khi cách đây chưa lâu, sau một thời gian dài miệt mài nghiên cứu, chọn ảnh, thiết kế, ông đã xuất bản cuốn Sổ tay kiến trúc Hà Nội bằng tiếng Anh với tên gọi “Hanoi Architecture - an informal notebook of a jumble city”, tạm dịch là “Kiến trúc Hà Nội - Sổ tay về một thành phố lộn xộn”. Với ông, chữ “lộn xộn” đó độc giả cần hiểu theo nghĩa tích cực vì nó tạo nên một nét riêng của Hà Nội.

Cuốn sách dày 120 trang, giới thiệu kiến trúc Hà Nội theo từng quận: Hòan Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ… và khu phố cổ. Trong cuốn sách này, ông không chọn ảnh theo tiêu chí “đẹp nhất” mà là “có giá trị lịch sử nhất”, qua đó, có thể giới thiệu tới độc giả trong và ngoài nước về lịch sử và những nét văn hóa tiêu biểu của Hà Nội.

Lấy ngay ví dụ về khu tập thể Giảng Võ nơi ông đang ở. Đó không phải là một công trình kiến trúc xuất sắc nhưng nó là công trình xây dựng tiêu biểu của thời kỳ bao cấp, là một phần trong tiềm thức văn hóa của một lớp người Hà Nội. Bên cạnh đó, những địa danh như: chùa Một Cột, Nhà hát lớn, nhà Thuỷ tạ, lăng Bác… là những điểm đến mà cuốn sách của ông không thể bỏ qua.

Thông qua cuốn sách này, ông hi vọng nó có thể chuyển tải được cái hồn quyến rũ của Hà Nội cả về mặt vật thể như: nhà ở, công viên, vườn hoa, mặt hồ… cũng như mặt phi vật thể như: ngôn ngữ, phong cách giao tiếp, lối ăn mặc… cho du khách nước ngoài khi đến với Thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark