28/04/2012 | 15:25:00

Tiếng vĩ cầm của Khắc Huề

Đã hơn 20 năm nay, căn phòng nhỏ ở số nhà 51, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, nơi có treo tấm biển giản dị với dòng chữ “Khúc hát trữ tình - Chỉ đạo nghệ thuật Khắc Huề”, đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu nhạc trữ tình ở Hà Nội.

Mỗi tối thứ bảy hàng tuần, mọi người đến đây để được nghe những bản tình ca yêu thích và đắm mình trong tiếng vĩ cầm sâu lắng của nghệ sĩ Khắc Huề.

Nghệ sĩ Khắc Huề sinh năm 1944, tốt nghiệp khoa Vĩ cầm tại Nhạc viện Hà Nội, sau đó tu nghiệp tại Hungary. Trước đây, ông thường diễn tấu vĩ cầm tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam và đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Ông là nghệ sĩ violon đầu tiên của Việt Nam được phong tặng danh hiệu NSƯT (1984).

NSƯT Khắc Huề đến với violon từ những năm 60 của thế kỉ trước. Đến năm 1980, khi đi học ở Hungary về, ông mới bắt đầu đến với con đường chỉ đạo nghệ thuật. Thời ấy, với mong muốn để cán bộ, diễn viên của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam có đời sống khá hơn trong thời buổi bao cấp đầy khó khăn, ông đã quyết định thành lập một đội biểu diễn với nhiều tiết mục như đơn ca, tốp ca, những bài dân ca quan họ, bài hát truyền thống dân tộc và cả những bài hát nước ngoài nổi tiếng để đi biểu diễn ở khắp Bắc, Trung, Nam.

Đi đến đâu đoàn cũng treo băng rôn “Chỉ đạo nghệ thuật Khắc Huề” và dần dần cái tên “Chỉ đạo nghệ thuật Khắc Huề” đã trở thành câu cửa miệng của giới nghệ sĩ và người yêu violon ở Việt Nam.

Đã có lúc tưởng ông nghỉ hẳn nghề chỉ đạo nghệ thuật chuyển sang làm lãnh đạo Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Nhưng vì nhớ nghề, nên vào khoảng những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỉ trước, ông đã quyết định tự lập ra chương trình “Khúc hát trữ tình” và chọn căn phòng nhỏ ở số 51 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội làm “bản doanh” để thỏa niềm đam mê và say nghề của mình.

Công việc chỉ đạo chương trình đối với ông vừa dễ và vừa khó. Dễ vì có thể bao quát toàn bộ sân khấu nhưng khó là phải nắm bắt được tâm lí và mong muốn của khán giả. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chỉ đạo nghệ thuật đã giúp ông biết cách quan sát và nắm bắt được sở thích hay gu thưởng thức âm nhạc của người nghe để điều chỉnh nội dung từng buổi biểu diễn sao cho phù hợp.

Ví dụ, với khán thính giả trẻ thì chương trình sẽ biểu diễn những ca khúc như: Phượng hồng, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Trống cơm...; với người có tuổi thì có Suối mơ, Đêm đông...; những người học ở Nga về thì nghe Triệu bông hồng, Chiều Matxcơva, Đôi bờ...; với bộ đội thì có Bài ca hi vọng, Mời anh đến thăm quê tôi... Vì thế, đã hơn 20 năm nay, khán phòng nhỏ của nghệ sĩ Khắc Huề ở 51 Trần Hưng Đạo lúc nào cũng sáng đèn và chật kín người xem vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần.

Đến với những đêm nhạc trữ tình của NSƯT Khắc Huề, người nghe được đắm mình trong một không gian thính phòng nhỏ bé nhưng ấm cúng, và lắng nghe những giai điệu trữ tình đầy hoài cảm cùng với tiếng vĩ cầm sâu lắng đến khó quên của người nghệ sĩ tài hoa.

Hiện nay, cùng với công việc chỉ đạo nghệ thuật cho mỗi chương trình cuối tuần; hàng ngày, cũng chính tại căn phòng nhỏ này, chỉ với 1 chiếc ghế, 1 cây đàn violon và giá để bản nhạc, nghệ sĩ Khắc Huề đều đặn sáng tác và dạy đàn cho khoảng 30 học sinh của mình.

Với niềm đam mê nghệ thuật và mong muốn được chia sẻ niềm hứng thú chơi đàn violon đến với nhiều người, nên dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, NSƯT Khắc Huề vẫn ngày ngày miệt mài vừa biểu diễn, vừa nghiên cứu tổ chức ra những đem nhạc trữ tình hấp dẫn để phục vụ công chúng yêu nhạc Thủ đô./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark