04/06/2012 | 14:44:00

Một nhà sử học đất Thăng Long bị lãng quên?

Lâu nay những nhà nghiên cứu lịch sử khi đọc và tra cứu về lịch sử Việt Nam giai đoạn từ 1676-1789 phải tìm trong Đại Việt sử ký tục biên và Đại Việt lịch triều đăng khoa lục. Đây là những tư liệu lịch sử quí giá trong giai đoạn này. Cuốn Đại Việt lịch triều đăng khoa lục được coi là công trình chính thức của triều Lê, bởi công trình đó không những cho chúng ta biết những người đỗ đại khoa của triều Lê mà cũng sưu tầm được cả các tiến sĩ của triều Mạc.

Người biên soạn ra hai bộ sách trên chúng ta chỉ nói nhiều đến Lê Quí Đôn, Vũ Miên (Đại Việt lịch triều khoa đăng lục), hay Lê Quí Đôn và Ngô Thời Sĩ (Đại Việt sử ký tục biên). Tuy nhiên một người có vai trò rất quan trọng trong việc biên soạn những cuốn sách trên phải kể đến Nguyễn Hoàn. Với chức trách đứng đầu Quốc sử viện cuối đời Lê, ông đã cùng với họ sưu tầm, chỉnh lý và biên soạn.

Sử cũ ghi rằng: “Năm 1775, Chúa Trịnh Sâm (1767-1782) sai Nguyễn Hoàn, Lê Quí Đôn, Ngô Thời Sĩ... soạn quốc sử, chép thêm từ Hi Tông đến Ý Tông gọi là Quốc sử tục biên gồm 6 quyển.   Chúng tôi đã đọc gia phả, xem gốc tích của dòng họ của Nguyễn Hoàn, đã nhiều lần viết bài về dòng họ này. Có thể nói, ít có một gia đình nào trên đất nước ta có cả bố và con cùng đỗ tiến sỹ và được ghi tên ở Quốc Tử Giám, lại cũng là những người thầy dạy của cả vua chúa, làm quan đến chức thượng thư.   

Mới đây nhất, khi xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, quê gốc của hai cụ thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, đã phát hiện ra ngôi mộ của cụ Nguyễn Hoàn. Theo ông Nguyễn Văn Hán, hậu duệ của dòng họ, khi cụ mất, mộ của cụ được an táng tại làng Đa Sỹ, nơi cụ đã về trí sỹ. Sau này con cháu đưa về quê an táng bên cạnh bố là cụ Nguyễn Hiệu. Qua thời gian, mộ cụ bị san phẳng khó xác định vị trí. 

Lại nói về Nguyễn Hoàn, ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học ở đất Thăng Long. Bố là Tiến sĩ Nguyễn Hiệu, làm quan đến chức thượng thư, từng giữ chức tả tư giảng, dạy học cho Thế tử Trịnh Giang. Nguyễn Hiệu, khi nhỏ nổi tiếng thông minh, tuấn tú, năm lên 8 tuổi đã đọc cả Thi thư, đến năm 27 tuổi, dự thi hội khoa Canh Thìn, niên hiệu Chính Hòa (1700) đã đỗ Hội nguyên (đỗ đầu). 

Sách sử ghi: Chúa Trịnh nằm mơ thấy người Lan Khê đỗ nhất, bèn đem chuyện ấy nói với Tể tướng Lê Hy (1646 - 1702), là người tổng Thạch Khê, huyện Đông Sơn, cùng quê với ông Nguyễn và quả đúng nghiệm. Đến kỳ thi Đình cùng năm, Nguyễn Hiệu đã đỗ tiến sĩ. 

Sau khi đỗ đại khoa, Nguyễn Hiệu được cử giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình đương thời, như thiêm sai bồi tụng (1715), là chức quan thứ 2 coi việc xét xử, rồi tả thị lang (thứ trưởng thứ nhất) (1720). Trong thời gian này, ông dâng lên chúa Trịnh kế sách “Trị bình”, gồm những phương cách làm cho đất nước ổn định, phát triển, được chúa Trịnh Cương rất khen ngợi. Đến năm Bảo Thái thứ 2, triều vua Lê Dụ Tông (1722), nhà vua tổ chức khảo công các quân thần, Nguyễn Hiệu xếp hạng trên nhất, nên ông được ban tước Nông quận công.   Nguyễn Hoàn là con cả của gia đình và đã tiếp thu tinh hoa Nho giáo của thời đại thông qua người bố. Chính việc bố dạy dỗ cho các thế tử phủ chúa cũng là điều kiện để dạy dỗ con cái. Việc ông đỗ tiến sỹ như là lẽ đương nhiên.

Nhưng cũng có giai thoại kể rằng, Nguyễn Hoàn khi đi thi tiến sỹ bài văn sách là do sáu văn sỹ làm giúp cho trước, vì thuở ấy Phong quận công Nguyễn Hiệu đang làm tham tụng (nghĩa là tể tướng), quyền to, các quan khác đều sợ. Khi ấy có một ông quan bị khiển trách, phải bãi chức. Một hôm, ông này được triệu vào tướng phủ, nhưng ngồi đợi lâu ở nhà trong mà không được yết kiến.   Ngồi mãi, không có gì làm, ông ta chợt thấy trên kỷ có một đầu đề văn sách, mở ra xem, đọc đi đọc lại thuộc hết cả. Suốt ngày được kẻ hầu người hạ khoản đãi rất tử tế, đến chiều ra về mà vẫn không thấy quan Tham tụng hỏi đến, không hiểu ra sao.

Đến khi phủ chúa (chúa Trịnh) triệu tập các quan văn thần vào soạn đề thi, thì ông quan ấy cũng được triệu vào, ông ta liền đề nghị cái đầu đề văn sách đọc được bữa trước trong tướng phủ. Khoa ấy, ông Nguyễn Hoàn đỗ Hội nguyên.   Chuyện này ông Phạm Đình Hổ, tác giả Vũ Trung tùy bút, kể lại theo giai thoại và viết thêm rằng chuyện này cũng giống một chuyện tương tự xảy ra ở bên Tàu thuở trước, (ý chừng là có kẻ hiếu sự bày đặt ra mà thôi). Thật ra câu chuyện trên có nhiều mâu thuẫn, khó có thể chấp nhận. Làm sao lại có chuyện một người vừa bị bãi chức liền được mời ra soạn thảo đề thi? Vì đây là cuộc thi quan trọng nhất của triều đình phong kiến. Không lẽ triều đình thiếu nhân tài đến mức ấy. 

Hơn nữa làm gian dối một kỳ thi đã khó, giai thoại còn nói cả hai kỳ thi là thi Hương và thi Hội. Điều đó rất khó xảy ra. Còn đề thi như sử cũ chép là trí tuệ của nhiều người chứ đâu phải chỉ một người. Tất nhiên thi cử thời nào cũng vậy đều có gian lận, nhưng gian lận mà có cả sáu vị cùng làm một bài văn sách cho một người thì “lạy ông tôi ở bụi này”.

Thời nào cũng vậy, thi cử cũng chỉ là một bước quan trọng, nhưng cái quyết định nhất là trường đời nơi “sát hạnh” công tâm nhất. Nếu không có thực tài làm sao giúp được cho dân, cho nước và được trọng dụng? Nguyễn Hoàn nếu không có thực tài làm sao có thể đảm đương nhiều chức vụ “rường cột” trong triều đình ở giai đoạn trọng đại của lịch sử? Nếu không có trí dũng làm sao các quan lại cũng đều nể phục. Trong sách Hoàng Lê nhất thống chí khi viết về giai đoạn đầy biến động này, quan chỉ mong giữ mình, cốt sao yên phận, thì việc Thánh mẫu nhận xét: "Lại nghĩ trong bọn bảy tên phụ chính, chỉ có quận Hoàn vừa là thầy học của chúa trước vừa là bố vợ Kiêm, bụng dạ có thể tin được, mà lại là bậc lão nho có nhiều mưu trí, có thể cùng bàn mọi việc với ông ta" đủ thấy Nguyễn Hoàn là con người như thế nào.

Xét ở góc độ người bố, đành rằng Nguyễn Hiệu cũng như bao nhiêu ông bố khác ai chẳng muốn lo cho con cái mình đỗ đạt. Nhưng những bậc khoa bảng ngày xưa tiết tháo có thừa. Hãy nghe những người xưa đánh giá về Nguyễn Hiệu từ đó mà suy xét. Sử cũ chép ông là con người công tâm, không tư lợi cá nhân, tư cách chính trực, làm việc cần mẫn, lấy lợi ích của dân làm chính. Khi làm trong triều chính, được giao nhiệm vụ can gián vua, chúa, thanh tra quan lại, ông đã không vì tình riêng hay sợ hãi trước vua chúa mà làm sai. 

Năm Long Đức thứ 3 (1734), ông được tặng hàm thiếu bảo, sau đó giữ chức tham tụng (tể tướng), ông đã không đồng tình với chủ trương của triều đình là bắt thêm lính bổ sung vào quân số. Ông cho rằng lính không cần số đông mà cần tinh, đông quá chỉ tốn kinh phí nuôi quân, lại thành hại cho dân. Lời bàn của ông vừa thực tâm, vừa chí lý khiến chúa phải nghe theo. Ông còn đưa ra “kế sách trị bình” khiến triều đình đều ủng hộ. Như vậy đủ thấy Nguyễn Hiệu là con người trung thực, công tâm vì dân vì nước như thế nào. 

Tiến sỹ Nguyễn Hoàn sau khi đỗ đạt, ông ra làm quan. Sự nghiệp nhanh chóng được khẳng định. Sau này ông làm đến chức Nhập thị Tham tụng, Lại bộ Thượng thư kiêm hành Lễ bộ sự Hữu tư giảng, Tri Quốc Tử Giám, Tri Hàn lâm viện sự (1774) kiêm Quốc sử tổng tài. Năm 1777, khi ông đã 65 tuổi, theo lệ được về trí sĩ, thăng hàm Thái phó, tước Viện quận công. Chúa Trịnh Sâm vời ông đến tôn làm Quốc lão, xếp ông là một trong năm vị nguyên lão đại thần. Tuy đã về trí sĩ nhưng vẫn được mời tham dự triều chính.

Có thể nói chính vì những đóng góp của cụ, vì uy tín của cụ và vì trí tuệ vẫn sáng suốt, uyên thâm của cụ còn có thể còn đóng góp nhiều cho triều đình mà Chúa vẫn tin dùng. Lại nói về việc ông biên soạn lịch sử. Theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ, sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục gồm ba cuốn đã được khắc in, với bài tựa do người đứng đầu nhóm là Viện quận công Nguyễn Hoàn viết vào tháng Mạnh hạ (tháng Tư năm Kỷ Hợi Cảnh Hưng thứ 40 (1779), nghĩa là sau hai năm sau khi Nguyễn Hoàn đã hưu trí lại được chúa Trịnh Sâm vời ra tham dự triều chính. Mặc dầu chưa thấy sử ghi phủ chúa xuống lệnh về việc soạn đăng khoa lục, nhưng chính hai vị Nguyễn Hoàn và Vũ Miên đã đứng ra tổ chức công việc này.

Các nhà nghiên cứu phương Tây khi nói về Quốc sử quán của cả Trung Quốc và Việt Nam đều nhận định việc biên soạn sách Đăng khoa lục là công việc được coi trọng và thường xuyên. Ở ta, hai triều đại Lý, Trần đã tổ chức nhiều khoa thi, nhiều người đỗ đạt. Tuy nhiên sử sách không thấy nói có sách đăng lục ở thời kỳ này. Phải đến đời Lê Thánh Tông mới có sách Đăng khoa lục. Và tiếp nối là Đăng khoa lục của Nguyễn Hoàn và Vũ Miên biên soạn. Đây chính là những tư liệu giúp cho chúng ta sau này hiểu rõ về lịch sử khoa cử nước nhà.

Riêng cuốn Đại Việt sử ký tục biên có lẽ còn nhiều tranh cãi về tác giả, nhưng những giá trị của nó thì không thể bàn cãi. Gần đây nhân có hội thảo về cụ Nguyễn Hoàn, nhiều nhà nghiên cứu đã bước đầu hé mở những điều còn chưa rõ. Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ có lý khi cho rằng “trong khi chờ đợi một chuyên khảo giải quyết vấn đề nhận diện soạn giả Đại Việt sử ký tục biên chỉ muốn lưu ý một điểm Nguyễn Hoàn đứng đầu bảng trong ba người được giao trách nhiệm “kiêm Quốc sử Tổng tài”.  

Tất nhiên trong nhóm này thành tích khoa học nổi hơn cả là Lê Quý Đôn. Nhưng nhận trách nhiệm ấy từ 8-1775, đến khoảng tháng 3-1776 Lê Quý Đôn đã đi nhậm chức Hiệp trấn Thuận Hoá, cuối năm trở về làm Đô ngự sử. Nhóm đồng tổng tài quốc sử chỉ còn Nguyễn Hoàn và Vũ Miên, nhưng Nguyễn Hoàn - người đứng đầu danh sách ba vị đồng tổng tài của công trình lớn nhất - có nhiều khả năng cũng là Tổng tài hoặc Tri Quốc sử quán. Tuy các nhà nghiên cứu (đã dẫn trên) đều biết việc Nguyễn Hoàn được giao làm đồng tổng tài năm 1775, còn chi tiết nhỏ sau đây có thể có ý nghĩa nhưng chưa thấy ai nhắc đến: chính Nguyễn Hoàn là người thông báo “Quốc sử” (tức Đại Việt sử ký tục biên) đã hoàn thành. Ông viết quá kiệm lời, lại để ở cuối bài tựa một công trình khác nên ít người lưu ý tới”. 

Ở bài viết này chúng tôi không đi sâu nghiên cứu các công trình do ông làm tổng tài hoặc tham gia. Nhưng dẫu sao vai trò của Nguyễn Hoàn đối với sử học nước nhà trong một giai đoạn lịch sử là có thật và không thể bị lãng quên.   Đại Việt sử ký toàn thư là công lao của nhiều thế hệ những nhà khoa bảng. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước làm nên công trình sử học đồ sộ này. Tên tuổi của họ sẽ sống mãi cùng dân tộc.

Những người cùng biên soạn với cụ hầu hết đã được vinh danh, được Hà Nội đặt tên đường, đó cũng chính là sự tri ân đối với những bậc trí giả đã có công lao đối với dân tộc. Nguyễn Hoàn và Vũ Miên, những người có vai trò quan trọng trong việc tiếp tục công trình đồ sộ này ở một giai đoạn lịch sử thì nhiều năm nay chúng ta cũng chưa làm rõ. Một vài bài báo có đề cập đến vai trò của các ông nhưng chủ yếu là những tờ báo ở quê hương các ông (Vũ Miên sinh năm 1718, người làng Xuân Lan (còn gọi là Liên Trì, Ngọc Quan), nay là thôn Ngọc Quan (Quàn Sen) xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh).

Hội thảo về danh nhân Nguyễn Hoàn vừa qua đã hé mở nhiều tư liệu quan trọng. Nhiều học giả đã đánh giá cao công lao của Nguyễn Hoàn. Theo ông Nguyễn Văn Hán - hậu duệ của Nguyễn Hoàn, người cùng tổ chức và tham gia hội thảo - cho biết, tới đây có thể sẽ cân nhắc đặt tên ông tại một đường phố của Hà Nội. Đó cũng là sự tri ân của thế hệ sau.   Tuy nhiên các nhà sử học cần nghiên cứu và đánh giá khách quan những đóng góp của các ông cho sự phát triển của lịch sử nước nhà. Trả lại tên của họ trong những cuốn sử đã chủ trì biên soạn hoặc cùng biên soạn.

Và phải chăng việc vừa tìm thấy ngôi mộ của cụ Nguyễn Hoàn cũng là điềm báo trước những nghi vấn và công lao xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của cụ sẽ được sáng tỏ.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark