23/05/2012 | 14:19:00

Những người có công kiến tạo Văn Miếu-Quốc Tử Giám

Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám từng là một trung tâm văn hóa – giáo dục của kinh thành Thăng Long xưa. Những người đầu tiên có công xây dựng khu di tích này có lẽ chỉ nghĩ đến mục đích đề cao và tôn vinh đạo Nho, đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước chứ không nghĩ rằng nơi đây trở thành một minh chứng cho nền văn hóa nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội.

Nền Nho học được truyền bá vào nước ta cũng manh nha từ thời Bắc thuộc, tuy nhiên việc giáo dục chủ yếu tập trung để đào tạo nguồn nhân lực, làm tay sai cho bọn thống trị phương Bắc.

Đến thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc ta, với vai trò làm Quốc giáo, những ngôi chùa Phật giáo trở thành nơi duy nhất dạy chữ và đào tạo ra những bậc thiền sư người Việt có học thức uyên bác để giúp các triều đại phong kiến Ngô, Đinh, Tiền Lê trong việc nội trị ngoại giao. Tuy nhiên, khi vua Lý Thái Tổ bắt đầu dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long đã thiết lập một hệ thống chính quyền hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương. Chính điều này đòi hỏi phải có nguồn nhân tài phục vụ cho quốc gia và nhà Lý bắt đầu chú trọng đến những giáo lý của Nho giáo phù hợp với tư tưởng “trung quân, ái quốc” mà nhà Lý đang muốn thiết lập sau khi giành quyền độc lập, tự chủ sau gần nghìn năm Bắc thuộc.

Song song với Phật giáo, nền Nho giáo chủ yếu phục vụ cho đào tào nhân tài đã được các vị vua nhà Lý chú trọng. Người có công đầu tiên khi đưa Nho giáo vào đời sống của người dân Việt chính là vị vua Lý Thánh Tông với công xây dựng Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử - người thầy sáng lập ra nền Nho học. Ngoài Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long, ở các địa phương cũng có nhiều nơi lập ra để thờ Khổng Tử được gọi là Văn chỉ.

Nhận thấy sự cần thiết có một đội ngũ tri thức giúp sức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072) sau khi lên ngôi lúc 31 tuổi đã cho xây dựng Văn Miếu vào năm 1070, làm nơi thờ các thánh hiền đạo Nho. Ông cũng là người mở khoa thi “Minh kinh bác học” đầu tiên để tuyển chọn nhân tài.

Vua Lý Nhân Tông (1066 - 1128) tức Lý Càn Đức, con trưởng của Vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan, lên ngôi lúc mới 6 tuổi đã kế nghiệp sự nghiệp đào tạo nhân tài quốc gia của vua cha. Ngay từ nhỏ ông đã được chú trọng dạy dỗ về cả tri thức văn chương lẫn đạo làm vua. Ông là vị vua chú trọng về văn hóa, giáo dục, mở các cuộc thi kén chọn nhân tài, và đặc biệt ưu đãi, trọng vọng các bậc thiền sư. Năm Ất Mão (1075) vua cho tổ chức một khoa thi Tam trường, là khoa thi chọn người giỏi đầu tiên ở nước ta và tiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh đỗ đầu nhưng không được gọi là Trạng Nguyên vì phải đến năm 1247 vua Trần Thái Tông mới đặt ra học vị Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Tiếp liền năm sau (1076), vua cho lập Quốc Tử Giám và bổ nhiệm những người khoa bảng văn học vào dạy. Ban đầu nơi đây là nơi dạy học cho các hoàng tử, công chúa, con quan lại và sau đó mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ.

Năm 1236 trường được mở rộng và đổi tên là Quốc Tử Viện, sau là Quốc Học Viện. Diện tích của Quốc Tử Giám rộng hơn Văn Miếu nhiều, đủ cho khoảng 300 nho sinh nội trú. Có giảng đường dùng để bình văn, có chỗ ở và phòng họp của nho sinh và nhiều gian để in sách. Nho sinh được kén chọn rất kỹ, quê quán xa được nội trú, học ở đây được Nhà nước bao cấp. ngoài ra còn có nhà bếp, kho tàng chứa ván in khắc sách, công trình phụ…

Không có ghi chép rõ ràng về Quốc Tử Giám thời Lý – Trần, tuy nhiên khu học này thời Lê đã được Lê Quý Đôn miêu tả trong "Kiến văn tiểu lục" thì : "Nhà Thái học có ba gian, có tường ngang, lợp bằng ngói đồng. Nhà giảng dạy ở phía đông và tây hai dãy đều 14 gian. Phòng học của học sinh tam xá đều ba dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người". Toàn bộ kiến trúc Văn Miếu hiện nay đều là kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn. Khuôn viên được bao bọc bởi bốn bức tường xây bằng gạch Bát Tràng.

Đứng đầu Quốc Tử Giám là Tế Tửu (hiệu trưởng) và Tư Nghiệp (hiệu phó), phụ trách việc giảng dạy có Giáo Thụ, Trực Giảng, Trợ Giáo và Bác Sĩ. Giám sinh (học trò Quốc Tử Giám) chủ yếu là những người đã đỗ thi Hương, qua một kỳ kiểm tra ở Bộ Lễ và Quốc Tử Giám để học tập và chuẩn bị cho kỳ thi Hội, thi Đình.

Trải qua các triều đại Lý – Trần, mặc dù Nho giáo khá được chú trọng trong đào tạo nguồn nhân tài nhưng phải đến triều Lê đặc biệt thời Lê Thánh Tông thì Nho giáo mới phát triển đến cực thịnh.

Vua Lê Thánh Tông là con trai thứ tư của vua Lê Thái Tông (1442 – 1497). Ông ở ngôi được 37 năm và thời kỳ đất nước dưới sự cai trị của ông được coi là một trong những thời kỳ cực thịnh về mọi mặt. Có thể nói hoàn cảnh sinh ra và lớn lên của vị vua tài năng nước Đại Việt gắn liền với cuộc sống của những người dân thường vùng kinh thành Thăng Long nên ông hiểu rõ muốn phát triển đất nước cần phải được lòng dân, phát triển về mọi mặt. Cùng với tài năng tri thức và sáng suốt trong cai trị, ở Việt Nam thời phong kiến, chưa bao giờ nền giáo dục, thi cử lại thịnh đạt cũng như vai trò của trí thức lại được đề cao như đời Lê Thánh Tông. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, Nhà Thái học, Quốc Tử Giám là những cơ quan văn hóa, giáo dục lớn. Lê Thánh Tông còn cho xây kho bí thư chứa sách, đặc biệt đã sáng lập Hội Tao Đàn bao gồm những nhà văn hóa có tiếng đương thời mà Lê Thánh Tông là Tao Đàn chủ soái.

Ông là người có công xây dựng điện Đại Thành và cho lập bia Tiến sĩ tại Văn Miếu năm 1484 để biểu dương nhân tài và khuyến khích họ dùi mài kinh sử để lưu danh bảng vàng tại khu Nhà Thái Học. Hiện nay hai dãy bia Tiến sĩ còn lưu lại 82 tấm bia ghi danh những vị tiến sĩ từ năm 1442 đến năm 1802 sau khi vua Gia Long dời đô và lập Quốc Tử Giám tại kinh thành Huế.

Người không có công xây dựng khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhưng lại được thờ tại đây chính là Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An (1292 - 1370) – vị thầy của muôn đời. Chu Văn An từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học, học trò của ông có nhiều người đỗ đạt cao. Có thể nói ông là người đóng góp quan trọng trong đào tạo ra nguồn nhân tài để phục vụ quốc gia, một người thày mẫu mực, là tấm gương sáng muôn đời về tri thức và đạo đức.

Đến đời vua Trần Minh Tông, ông được mời vào làm Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám để dạy Thái tử học. Ông đã cùng với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn tham gia vào công việc củng cố triều đình lúc đó đang đi dần vào con đường khủng hoảng, suy thoái. Đến đời Dụ Tông, chính sự càng thối nát, bọn gian thần nổi lên khắp nơi. Chu Văn An nhiều lần can ngăn Dụ Tông không được, bèn dâng sớ xin chém bảy kẻ nịnh thần, đều là người quyền thế được vua yêu. Đó là “Thất trảm sớ” nổi tiếng trong lịch sử. Vua Trần Nghệ Tông khi lên ngôi đã mời ông ra làm quan nhưng ông khước từ. Khi ông mất, vua Trần đã dành cho ông một vinh dự lớn bậc nhất đối với một trí thức là được thờ ở Văn Miếu. Vua còn ban tặng tên thụy cho ông là Văn Trinh.

Hiện nay, trong tầng trên của khu Thái học, có gian thờ với tượng của ba vị vua tài hoa của nước ta gồm có tượng của vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và tượng Tư nghiệp (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám Chu Văn An thờ tại gian Bái Đường được các nghệ nhân đúc đồng của làng nghề Ngũ Xã nổi tiếng thực hiện tại Hà Nội. Đây là những danh nhân có công phát triển nền giáo dục Nho học ở Việt Nam. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi nơi đào tạo ra “nguyên khí của quốc gia” và nó đã hoàn thành vai trò của mình trong hàng trăm năm lịch sử.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark