04/07/2012 | 11:04:00

Gặp Hà Nội ở phương Nam

Không hiểu nhờ cảm xúc nào mà nhà thơ phương Nam Huỳnh Văn Nghệ đã viết được hai câu thơ để đời:
 
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

 
Thời gian và con người đã góp phần biến đổi hai câu thơ ấy, bây giờ nhiều chỗ viết là “Từ thuở mang gươm đi mở nước/Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Có khác vài chữ so với nguyên bản, nhưng tinh thần vẫn là một.
 
Sau 24 năm trở lại vùng quê mới của Hà Nội ở Lâm Đồng, trò chuyện với bà con tôi càng thấm thía ý nghĩa của hai câu thơ ấy. Những ông, bà triệu phú, tỷ phú ở huyện Lâm Hà này vẫn không phút giây nào quên nhớ thương Hà Nội. Có điều, càng thương nhớ, họ càng dồn tâm sức lao động và sản xuất, quyết tâm làm giàu cho nhà, cho nước, cho xứng đáng với sự ra đi lập nghiệp ở phương Nam của mình.
 
Lịch sử ghi lại rằng: “Ngày mồng sáu Tết năm Bính Thìn (1976), chỉ 10 tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những người đi mở đất đầu tiên đã nhận sứ mệnh vẻ vang của các đồng chí lãnh đạo thành phố, lên đường đi tìm nơi đất lành cho chim đậu”.
 
Đoàn khảo sát với nhiều kỹ sư các ngành như Nguyễn Văn Tăng, Phạm Thị Liên, Phạm Thị Cát, Ngô Văn Diên, Nguyễn Nhật Cao, Hoàng Thị Hà… đã lặn lội leo đèo, vượt suối qua bao vùng đất trên cao nguyên Lâm Biên. Họ đã gặp trên đường khảo sát dấu tích của căn cứ địa cách mạng và kháng chiến năm xưa, nơi du cư của đồng bào Cờ Ho nuôi giấu cán bộ suốt một thời chống Pháp 9 năm, nơi quân Giải phóng hội tụ làm bàn đạp tấn công Đà Lạt Tết Mậu Thân 1968, nơi lính Mỹ đổ bộ bằng trực thăng xuống toan đánh úp căn cứ Sở Chỉ huy Khu Sáu. Và mới nhất là những đống tro còn ấm của những tốp phỉ phun-rô nghe thấy tiếng chân người vừa vội vã lẩn trốn.
 
Đã có những băng đạn tiểu liên xé gió trong rừng. Đã có người đổ máu xuống mảnh đất hoang dã. Đoàn khảo sát cũng phải vũ trang. Nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền và nhân dân Lâm Đồng, Tuyên Đức ngày ấy, dễ gì chúng ta lập nổi cơ ngơi trù phú có được hôm nay. Tỉnh Lâm Đồng dành cho Ban xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội cả khu nhà SOS mới xây gần xong trước ngày Đà Lạt giải phóng để Ban làm trụ sở. Các đội tiền trạm từ Hà Nội vào đều phải tập kết ở đây trước khi vào Nam Ban-Lán Tranh.
 
Vị “Tư lệnh” chỉ huy lúc đó là một cán bộ cách mạng tóc đã hoa râm, mang thương tích của giặc Pháp trong mình, ông Trần Duy Dương, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Ông là người trầm tĩnh, sâu lắng, có ý chí quyết đoán và rất quyết tâm trong công việc khai khẩn nhiều ý nghĩa cả về chính trị và kinh tế này. Ông vào rừng cùng đoàn khảo sát, ngủ lán với anh em tiền trạm, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của họ để giải quyết một cách thấu đáo. Có đêm tôi nằm cùng ông nghe gió thổi ào ào trên những tán thông cao Đà Lạt, lẫn những lời tâm sự của ông về một tương lai, một viễn cảnh của vùng đất cao nguyên. Con người cộng sản gạo cội này có hoài bão và niềm tin vững chắc. Cây cột trụ ấy tạo thêm sức mạnh cho các cán bộ lãnh đạo xây dựng quê mới như Nguyễn Xuân Bảy (ông vừa ra đi về cõi vĩnh hằng), Vũ Hoa Mỹ, Phan Hữu Giản…
 
Khá nhiều cán bộ của Hà Nội đã vào góp mồ hôi cho cây ngô, cây chè, cây lúa, cây cà phê, cây dâu xanh tốt. Bà con vẫn nhắc đến tên các anh Lê Nghĩa, Lương Ngọc Cử, Nguyễn Gia Tình, Chu Đình Quỹ…
Khác hẳn năm xưa ngồi xe com măng ca xóc nảy người, bị đất ba dan nhuộm đỏ mặt, hôm nay chúng tôi ngồi xe máy lạnh đi trên đường trải nhựa vi vu dạo khắp các vùng Nam Ban, Đinh Văn, Tân Hà, Tân Trung, Lán Tranh, Sình Công, Phi Liêng… Các đồng chí lãnh đạo huyện Lâm Hà thân hành dẫn chúng tôi đi thăm vùng đất mà tôi đã hàng chục lần vào đây vừa sáng tác, vừa làm công tác thông tin, tuyên truyền văn nghệ hỗ trợ vùng quê mới của Thủ đô.
 
Đội thông tin lưu động của Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội do tôi làm đội trưởng đã đi khắp 16 quận, huyện, thị của Thủ đô mở rộng lần thứ hai, để tuyên truyền, vận động người đi. Chúng tôi không còn ấu trĩ là chỉ nói cái hay, cái thuận lợi để “dụ dỗ” nữa, mà đề cập đủ thuận lợi, khó khăn, gian khổ lúc đầu xây dựng cơ nghiệp để bà con lượng sức mình mà tình nguyện nộp đơn. Tôi đã vào thăm thú, lấy thực tế để viết bài, viết kịch, làm thơ và có đủ dữ liệu nói chuyện, giải đáp cho bà con trước lúc lên đường. Rồi sau khi bà con đã vào, đội chúng tôi lại nhiều lần tới phục vụ ngay trên mảnh đất vừa vỡ hoang xong, cây lúa nước dưới sình mới nhấp nhô lá mạ. Chúng tôi đã từng ăn khoai thay bữa, cơm độn sắn độn ngô ăn với cá khô mặn chát trong thời gian khổ ấy cùng bà con.
 
Hôm nay, huyện mời chúng tôi ăn trong nhà hàng sang trọng ở thị trấn Đinh Văn huyện lị. Quả là một sự đổi thay nhanh chóng mà tôi không hình dung nổi.
 
Vùng kinh tế mới 10 năm trước chỉ có hai tiểu vùng: Nam Ban và Lán Tranh, nay đã thành một huyện của tỉnh Lâm Đồng-Hà Nội, với khá nhiều thị trấn, thị tứ, chợ, trang trại. Những cái tên làng, tên phố Hà Nội, Hoàn Kiếm, Thanh trì, Gia Lâm… đã trở thành địa danh chính thức, luôn sưởi ấm lòng người Thủ đô ở phương xa. Vui biết bao khi gặp một phụ nữ ở chợ Tân Hà, ngồi trong quầy hàng bách hóa gọi với ra: “Bác nhà thơ ơi, bác mới vào thăm quê mới đấy ư?”. Chị không nhớ tên, nhưng lại nhớ những câu thơ mà tôi đọc ở nơi này hơn 20 năm trước (1978).
           
… Em từ xa mảnh đất làng
Vượt trăm khúc suối ngỡ ngàng thành quen
Lá mang hình trái tim em
Phải lòng hơi thở cao nguyên bao giờ?
Như tình yêu đến bất ngờ
Em là hoa đất, là thơ tôi tìm…

 
Chị vồn vã cho tôi biết cuộc sống ấm no, hạnh phúc gia đình của chị, hai con đã học Phổ thông Trung học, trại cà phê của nhà cho thu hoạch khá, chị lại mới mở thêm quầy bách hóa ở chợ. Tôi cười: “Bà đã thành tỷ phú chưa?”
 
- Ôi! Loại như em đây vô thiên lủng. Nhiều nhà có ô tô tải, ô tô con để chuyển hàng và đi giao dịch. Năm nào em cũng về xóm bãi Phúc Tân thăm bà con ngoài ấy. Lắm lúc nhớ Hà Nội đến nôn nao cả người.
 
Xin cảm ơn bà con Hà Nội, những người như chị đã trụ vững và làm giàu từ vùng đất phương Nam xa xôi này, đã không làm hổ danh người Thủ đô anh hùng, góp công sức dựng xây Tổ quốc.
 
Giang Quân

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark