17/03/2012 | 11:34:00

Những người khơi thông lòng cống giữa lòng Hà Nội

Có những hôm trời rét, gần 12 giờ trưa, dưới lòng cống ngầm phố Trúc Bạch, những người thợ cống ngầm - Xí nghiệp Thoát nước số 1 vẫn ngâm mình trong nước nạo vét bùn đất, khơi thông lòng cống. Công việc này đã gắn bó với họ trong suốt bao nhiêu năm nay, như một nghiệp chướng đầy nhọc nhằn, vất vả nhưng cũng rất đáng tự hào.

Nhọc nhằn "nghiệp chướng"

Xí nghiệp Thoát nước số 1 được giao quản lý duy trì toàn bộ hệ thống thoát nước gồm toàn bộ quận Ba Đình, phần lớn quận Tây Hồ, một phần quận Hoàn Kiếm và phần địa bàn Hà Nội phát triển về phía Bắc; trong đó có trên 96 km cống, rãnh . Công việc cực nhọc, vất vả nhưng đội cống ngầm chỉ có 18 người phải phân công làm theo kiểu cuốn chiếu. Ra đôn đốc công nhân tại hiện trường, tổ trưởng Nguyễn Xuân Phong, 50 tuổi đời, 30 năm trong nghề thợ cống hóm hỉnh tướng chưa về, thì quân cũng chưa về. Đã gần 12 giờ trưa nhưng dưới lòng cống, 2 công nhân vẫn mải mê nạo vét bùn đưa cho những người trên bờ đổ vào xe. Anh Đỗ Ngọc Tú vừa từ dưới hố ga lên, trên người mặc nguyên bộ bảo hộ lao động nước cống chảy ròng ròng, đầu đội mũ, miệng bịt khẩu trang, cho biết: Cống ở đây là loại cống 1500, từ mặt nước lên đến đỉnh chỉ chừa 20-30 cm. Nếu lưu lượng nước khoảng 1/2 cống thì người công nhân làm việc dưới cống không bị ướt nhưng ngập 2/3 thì không thể tránh được, nước bẩn tràn hết vào người. Nhiều lúc còn phải nằm bò, lặn ngụp trong nước cống để nạo vét, thông tắc cống. 45 tuổi, 20 năm trong nghề, ngấm đủ  mùi bùn, va chạm đủ loại mảnh chai, mảnh sành, đinh sắt, bơm kim tiêm, nhiều khi đâm rách cả găng tay, thủng cả ủng, những anh em trong tổ cống ngầm chỉ ao ước thành phố đầu tư thêm nhiều máy hút bùn để thợ cống ngầm đỡ khổ, năng suất lao động cũng cao hơn.

Là tổ trưởng tổ cống ngầm nhưng anh Nguyễn Xuân Phong không nề hà khó khăn, sẵn sàng lao vào những khu vực cống nguy hiểm, độc hại. Có lần, đoạn cống ngầm khu vực bệnh viện K bị tắc, chính anh là người đã chui vào lòng cống để thông tắc nhưng cũng chỉ chịu được 40 phút là phải ngoi lên vì không thể chịu được mùi hóa chất thải ra từ bệnh viện. Đối với thợ cống ngầm, phải nạo vét, thông tắc cống tại các khu chợ, bệnh viện, các gara sữa chữa ô tô, những khu vực dân trí thấp không có nhà vệ sinh tự hoại mà xả thắng ra cống quả là khủng khiếp. Có lúc công nhân xuống cống xong lên bờ đen như bồ hóng phải tắm qua nước xăng cho trôi hết dầu mỡ. Mỗi lần vào cống là phải nín thở vì mùi hôi thối, mùi hóa chất độc hại. Ngay cả thợ khoẻ cũng chỉ trụ được vài tiếng trong lòng cống là phải chui ra. Trong thời gian làm thợ cống ngầm, có lần anh và một số công nhân đã phải nằm viện vài tháng trời vì bị nước thải chứa đầy a xít của nhà máy nhuộm Tô Châu gần ga Trần Quý Cáp xả thẳng vào chân khi đang làm việc dưới cống. Còn việc thợ cống ngầm bị chất thải hố xí từ nhà dân tuôn thẳng vào người khi đang nạo vét lòng cống không phải là chuyện hiếm, đặc biệt là những khu vực dân trí thấp, nhà gần kênh mương, khu phố cổ người dân thường không làm hố xí tự hoại mà cho xả thẳng vào cống. Ngoài ra, hiện nay, nhiều chỗ cống thoát nước bị đường ống của cấp nước, điện lực, bưu điện đâm xiên ngang, mỗi lần rác thải ùn tắc, thợ cống ngầm lại khốn khổ vì phải lặn ngụp để khơi thông. Giơ bộ quần áo bảo hộ chi chít vết vá, anh Phong giải thích đó là bằng chứng của vô số lần chui vào lòng cống bị các loại phế thải đâm thủng, găng tay cao su cũng chỉ dùng chưa đầy tháng đã rách. Đ ược trang bị đầy đủ bảo hộ lao động nhưng cũng chỉ hạn chế được một phần độc hại. Hầu hết các thợ cống ngầm đều bị các bệnh ngoài da, nấm, hắc làoHồi mới vào nghề chui xuống cống không ghê như bây giờ, nước cống trong như nước mưa, công việc của thợ cũng chỉ như đi làm thủy lợi. Nhưng giờ đây, ý thức của người dân quá kém, mọi thứ bẩn thỉu đều tống xuống cống, khiến nước cống ô nhiễm, độc hại kinh khủng, anh Phong nói. Công việc luôn phải chui vào lòng cống, tiếp xúc với nước thải độc hại nhưng hiện nay phụ cấp độc hại cho thợ cống ngầm mới được 8000 đồng /ngày, còn quá ít ỏi.

Chồng chất khó khăn

Để làm thợ cống ngầm, thợ cống ngầm cũng phải học kỹ thuật và biện pháp đảm bảo an toàn lao động. Khi làm việc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, trước khi xuống cống phải kiểm tra dụng cụ, mở 2, 3 nắp ga liền nhau, lấy cành cây quạt cho bay khí độc, sau đó vài người cùng nhau xuống để hỗ trợ, người ốm yếu hoặc say rượu tuyệt đối không được xuống cống. Do đặc thù công việc nên đội cống ngầm không có phụ nữ. Thợ cống ngang hay mương sông còn được hít thở khí trời còn thợ cống ngầm ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ toàn hít khí cống ô nhiễm, hôi thối nồng nặc. Thợ cống ngầm, người nào khoẻ nhất cũng chỉ ở được 3 tiếng trong lòng cống, sau đó đổi ca, luân phiên nhau.

M
ặc dù công việc cực nhọc nhưng những người thợ cống ngầm làm việc hết sức nghiêm túc. Như ngấm vào máu, cứ thấy mưa là thợ cống ngầm lấy xe lao ra đường đến điểm ngập mở nắp ga, cống cho thoát hết nước mới được về, nhiều khi phải ăn trưa ngay cửa cống. Với những người thợ như anh Phong hiểu rõ hệ thống cống địa bàn mình quản lý như lòng bàn tay, mở nắp cống thấy hơi độc bay ra cũng đoán được thời tiết mai có mưa hay gió mùa, những sự cố tắc cống gây úng ngập đều được thợ cống ngầm xử lý kịp thời. Tuy nhiên, theo anh, Hà Nội vẫn úng ngập là do quy hoạch thiếu đồng bộ, các khu đô thị, khu dân cư mới xây dựng cao hơn khu cũ, hồ ao bị san lấp, khu nước đệm không có, mưa càng nhanh, càng nhiều càng khó thoát.

Kết thúc mùa mưa nhưng những công nhân công ty Thoát nước Hà Nội lại chuẩn bị bước vào một chiến dịch mới phục vụ thoát nước mùa mưa  năm tới. Để hạn chế tối đa úng ngập trên địa bàn thành phố trách nhiệm của công nhân thoát nước thật nặng nề.

(TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark