15/04/2012 | 15:59:00

Tây Hồ - Tiếc nuối mùa hoa loa kèn

Hoa loa kèn trắng với vẻ đẹp tinh khiết thường nở vào tháng tư, từ lâu đã là loại hoa mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người trồng và là loài hoa đặc trưng của quận Tây Hồ dịp hạ về.

Thế nhưng, mùa hoa năm nay, đi mỏi chân khắp cánh bãi sông Hồng cũng khó tìm được một ruộng loa kèn. Nhiều nông dân chạnh buồn khi chứng kiến "đặc sản" của địa phương đang dần lui vào quá khứ. Không còn Tây Hồ mùa hoa loa kèn tháng tư trắng tinh khiết.

Chúng tôi về làng Quảng Bá, một trong những làng cổ của phường Quảng An, quận Tây Hồ - nơi bao đời người dân gắn bó với nghề trồng hoa, trong đó có loa kèn.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Quảng An Nguyễn Duy Hòa không giấu nổi niềm tiếc nuối khi nhớ về một thời cây hoa loa kèn trở thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây: "Mọi năm, mỗi dịp tháng tư về, cả làng Quảng Bá như ướp trong mùi hương nhẹ nhàng và sắc trắng tinh khiết của loa kèn. Năm nay, thay vì trồng loa kèn, nhiều người đã chuyển sang trồng những loại hoa và cây rau màu khác".

Ông Hòa đưa chúng tôi ra cánh bãi, cố tìm xem vụ hoa năm nay có còn hộ nào yêu hoa loa kèn mà trồng vài luống. Nhưng tìm mãi chẳng thấy, thay vào đó là các ruộng hoa phăng, hồng, cúc và rau màu...

Đang tất bật dọn vườn chuẩn bị gieo vụ hoa mới, thấy có người hỏi về hoa loa kèn, chị Ngô Thanh Kim, tổ 34, phường Quảng An nhoẻn miệng cười: "Những ruộng loa kèn bạt ngàn giờ chỉ còn trong ký ức thôi, chẳng nhà nào trồng hoa này nữa đâu mà tìm. Trước nhà tôi cũng trồng nhiều lắm. Chỉ tội là trồng tốn đất mà thu nhập lại không cao nên không hợp với những vùng "đất vàng" như Quảng Bá nên nhiều hộ chuyển sang cây trồng khác cho hiệu quả cao hơn".

Quả thực, loa kèn thường được trồng vào tháng chín, tháng mười và phải đến tháng tư năm sau mới được thu hoạch. Khi thu hoạch hết hoa, lại tiếp tục phải nuôi củ thêm 2-3 tháng mới dỡ để làm giống cho vụ sau.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân phường Quảng An lý giải thêm một nguyên nhân khác khiến người dân không mặn mà với cây hoa này nữa. Ông kể: Mươi năm trở lại đây, đất đai ở phường trở nên cực kỳ có giá. Nông dân phường Quảng An đua nhau mở dịch vụ xây nhà cho khách nước ngoài thuê, rồi mở nhà hàng ăn uống, dịch vụ phục vụ khách du lịch; số người còn bám trụ với nghề nông ngày một ít dần.

Ở trong làng, những diện tích trồng hoa cũng bị thu hẹp nhanh chóng, nhường chỗ để xây nhà vườn, biệt thự, chung cư cho "tây" thuê, việc trồng những vườn hoa rộng bạt ngàn như trước kia đã trở thành điều xa xỉ. Khu vực đất bãi sông Hồng hiện chỉ có khoảng 5ha canh tác các loại hoa cắt cành và rau màu.

Không riêng phường Quảng An, ngược theo cánh bãi sông Hồng lên các phường Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng… hoa loa kèn cũng đã thưa dần.

Bà Ngô Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tứ Liên buồn rầu: "Loa kèn được nhân giống bằng củ, nhưng từ khi trận mưa lụt lịch sử ở Hà Nội (năm 2008), củ hoa của cả vùng này bị thối hết.

Đến nay, vẫn chưa hồi phục được. Người trồng hoa phải thay thế bằng các giống hoa khác như hồng, cúc...". Gần đó, người dân phường Nhật Tân cũng chung cảnh ngộ. Chủ tịch Hội Nông dân phường Nguyễn Thị Bình ngậm ngùi nhớ lại tháng tư hằng năm, mỗi dịp mùa hoa loa kèn nở, làng hoa Nhật Tân lại đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày đến thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa loa kèn.

"Người chụp ảnh, người mua hoa, ngắm hoa… khiến cánh bãi vô cùng sôi động và người trồng hoa cũng thu được một khoản tiền công không nhỏ. Nhưng giờ diện tích trồng loa kèn đã sụt giảm nghiêm trọng. Hiện phường Nhật Tân chỉ lác đác vài hộ còn trồng hoa trên diện tích không đáng kể. Vụ hoa năm nay, loa kèn nở muộn hơn và chất lượng hoa cũng không bằng các năm" - bà Bình cho biết.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân quận Tây Hồ Lê Như Hùng, vốn được mệnh danh là "cái nôi" của các làng hoa truyền thống với những làng hoa nổi tiếng như Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá…

Ngoài đào và quất, trong số những loại hoa cắt cành được trồng thì loa kèn là một trong những loài đặc trưng làm nên tên tuổi của hoa Tây Hồ. Đơn cử như tại phường Quảng An, những năm 1985-2005 có tới 60-70% số hộ trồng hoa, tạo thành những cánh đồng loa kèn, ruộng lớn tới vài trăm mét vuông, ruộng nhỏ cũng cả chục luống.

Gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh, cả quận chỉ còn hơn 800ha đất sản xuất, diện tích trồng hoa cũng giảm nhiều. Hoa loa kèn của Tây Hồ vắng dần khiến nhiều người yêu hoa và cả những người nông dân cặm cụi với nghề trồng hoa giữa chốn phố phường không giấu được phút chạnh buồn. "Mùa hoa năm nay, loa kèn vẫn ngập tràn chợ hoa Quảng Bá, chỉ tiếc đó không phải hoa làng mình trồng. Âu đó cũng là quy luật của cuộc sống" - ông Hòa cho biết.

Giờ đây, mỗi khi mùa loa kèn nở, nhiều người yêu thích loài hoa này lại tìm đến vùng Tây Tựu (Từ Liêm), hoặc sang Mê Linh, những vùng hoa mới trồng nhiều loa kèn cung cấp cho thị trường Hà Nội, thay thế các làng hoa truyền thống của Tây Hồ./.

(Hà Nội mới/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark