29/09/2012 | 09:21:00

Hà Nội: Vui tết trung thu cùng ông tiến sĩ giấy

Mỗi dịp trung thu đến, trẻ nhỏ lại háo hức với những món đồ chơi ngộ nghĩnh được bày bán trên khắp phố phường.

Bằng cách làm thủ công truyền thống, từ những tờ giấy đủ màu sắc và cây nứa gần gũi trong đời sống thường ngày, hơn 40 năm qua, chị Nguyễn Thị Tuyến ở thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội vẫn tỉ mỉ vót từng nan tre và cắt từng bộ quần áo ông tiến sĩ giấy cho các em nhỏ vừa làm đồ chơi vừa làm đồ trang trí trên bàn học của mình trong đêm trung thu rằm tháng Tám.

Theo truyện xưa để lại, tháng Tám là mùa nông nhàn, trung thu về cũng là lúc học sinh bắt đầu tựu trường. Với mong muốn cho con cháu mình thành đạt, người ta hay mua ông Tiến sĩ giấy về để bày cùng mâm ngũ quả trong đêm trung thu. Về khuya, trẻ nhỏ sẽ phá cỗ mâm quả, còn ông tiến sĩ giấy sẽ được để trước bàn học.

Đến đầu đình làng thôn Hậu Ái, ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, với sự chỉ dẫn, chúng tôi cũng không gặp khó khăn lắm để có thể tìm được đến nhà cô Nguyễn Thị Tuyến - một trong những người “nặng lòng” và duy nhất còn gắn bó với nghề làm ông Tiến sĩ giấy.

Bước chân vào cửa, chúng tôi thấy khắp gian nhà đã bày chật cứng những ông Tiến sĩ giấy, còn cô Tuyến đang cắm cụi lấy hồ dán ông Tiến sĩ bằng những tờ giấy nhỏ đủ màu sắc đã được cắt xong và vẫn còn đang bày ngổn ngang quanh nhà. Nhìn cô Tuyến tỉ mỉ, khéo léo dán từng chi tiết của ông Tiến sĩ giấy có thể nhận thấy được phần nào sự tâm huyết của cô với mong muốn lưu giữ lại nghề truyền thống bao đời của gia đình cũng như “hồn vía” của món đồ chơi dân gian mang nét văn hóa người Việt.

Vừa nói vừa chỉ vào một ông Tiến sĩ giấy còn đang làm dở trên tay, cô Tuyến kể rằng là con nhà nghề, lúc lên 8 tuổi cô đã phải bắt đầu tập làm những chiếc quần, xâu tay chân và điểm màu trang trí cho ông Tiến sĩ giấy sống động và đẹp mắt. Sau dần bắt đầu tập làm khung và dán thành một bộ ông Tiến sĩ giấy hoàn chỉnh gồm có ba ông: một ông ngồi giữa có ghế và lọng gọi là ông Tiến sĩ, hai ông nhỏ bên cạnh múa gậy tượng trưng cho quân tướng đi theo để bảo vệ ông ngồi giữa gọi là ông đánh gậy.

Cô Tuyến cho biết để làm hoàn thành một bộ ông Tiến sĩ giấy phải mất khoảng hai ngày, tính từ khi tìm nguyên liệu đến lúc hoàn thành ông Tiến sĩ phải qua 25 công đoạn còn để làm hai ông đánh gậy trông trăng đi kèm phải qua 36 công đoạn. Trong đó, công đoạn làm khung và mặt nạ là hai công đoạn mà người làm phải hết sức tỉ mỉ từ việc chọn nguyên liệu và kỹ thuật làm. Tùy vào kích cỡ khách hàng đặt à ông Tiến sĩ có thể cao từ 80-150cm.

Chia sẻ về sự lãng quên dần của người Việt trẻ với những món đồ chơi dân gian truyền thống trong những ngày lễ tết, cô Tuyến kể với niềm vui trong ánh mắt rằng: “Những năm gần đây, nhà nước đã quan tâm đến trò chơi dân gian Việt Nam với mong muốn cho các cháu nhỏ biết đến ký ức tuổi thơ ngày xưa từ thời ông bà tổ tiên, tôi cũng đã được Bảo tàng Dân tộc học, nhà cổ ở phố Mã Mây và Hàng Đào mời đến để truyền đạt ý nghĩa và cách làm ông Tiến sĩ giấy và đèn ông sao cho các du khách và các trẻ nhỏ trong mỗi dịp trung thu.

Sau đó, rất nhiều người đã tìm đế tận nhà tôi để đặt hàng nhưng với tôi đây không phải là nghề làm kinh tế mà là niềm vui mỗi ngày để gìn giữ nét văn hóa truyền thống gia đình, vừa là cách làm gương, dạy dỗ các con nên người”.

Giữa cuộc sống hiện đại ngày nay, khi những món đồ chơi công nghệ đang dần khiến người ta lãng quên đi những món đồ chơi, trò chơi dân gian truyền thống thì sự tâm huyết với đồ chơi ông Tiến sĩ giấy của cô Tuyến đang giúp “hồi sinh” lại đêm trung thu rằm tháng Tám mang bản sắc, phong tục truyền thống của người Việt./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark