18/07/2012 | 12:37:00

Người thợ cắt tóc cuối cùng của làng nghề Kim Liên

Tôi tìm đến tay kéo vàng của làng nghề Kim Liên - Phạm Duy Hào vào một chiều cuối tuần. Không khó để tìm được nhà riêng và cũng là tiệm tóc nơi ông làm việc hơn 20 năm nay, bởi dường như không ai trong khu phố là không biết đến ông thợ nhà 3 đời làm nghề cắt tóc.

Do không hẹn trước nên khi tôi đến ông Hào không có ở nhà. Vợ ông đang bế đứa cháu nội cho hay: "Ông vừa chạy đi thổi còi trọng tài cho một trận bóng”.

Trong lúc ngồi chờ, tôi hình dung về một ông thợ cắt tóc bụi bặm, mái tóc hoa râm. Nhưng sau đó ít phút, mọi mường tượng của tôi dường như tan biến khi ông Hào trở về tiếp chuyện chúng tôi. Dù đã bước qua tuổi 50 nhưng ông vẫn giữ được phong độ trẻ trung của tuổi tứ tuần và tính cách thanh niên thời trai trẻ. Với cách nói chuyện dí dỏm, tôi bị thu hút ngay từ những câu chuyện đầu tiên.

Ông Hào bắt đầu kể về quãng thời gian cắp tráp đi theo học nghề ông nội - cụ Phạm Duy Hiền, người “thợ cả” của làng nghề cắt tóc Kim Liên và cũng là tay kéo riêng theo hầu vua Bảo Đại trong các chuyến công du trong và ngoài nước. Lúc đó, công việc của ông Hào chủ yếu là phụ việc và làm chân sai vặt. Đến năm 1977, ông bắt đầu theo khóa đào tạo nghề cắt tóc đầu tiên ở Hà Nội và sau 18 tháng học nghề, ông đỗ thủ khoa rồi bước vào chặng đường “đè đầu vít cổ thiên hạ” (cách nói vui của dân thợ cạo). Hơn 30 năm trong nghề là bấy nhiêu năm ông sống với những thăng trầm của nghề cắt tóc.

Ông Hào nhớ lại thời kì bao cấp, nhờ tài nghệ “múa kéo múa lược” mà ông được rất nhiều quan chức, khách tây mời về nhà riêng để cắt tóc và được “bo” rất hậu hĩnh. Ông cũng chân thành chia sẻ, đã có những lúc điều kiện gia đình khó khăn khiến ông muốn bỏ nghề, nhưng dường như cái “gien” di truyền của dòng họ đã ngấm sâu vào trong máu khiến cắt tóc không chỉ là nghề để kiếm sống mà đã trở thành cái nghiệp cuộc đời ông.

Theo ông Hào, khi gắn mình với cái nghiệp “làm đẹp cho thiên hạ” thì nỗi buồn có nhiều nhưng niềm vui cũng không ít. Nhờ tay kéo điêu luyện, đầy chất nhạc kết hợp với tài tiếp chuyện khách mà sau hơn 30 năm cầm kéo, biết bao khách quen của ông đã trở thành những người bạn tri âm tri kỉ. Nhìn vào ngôi nhà khang trang, rộng rãi trên phố Kim Liên, ông không giấu nổi niềm tự hào cho biết, nó được xây dựng nhờ sự góp sức không nhỏ của những khách hàng lâu năm của mình. Ít ai biết rằng, cái nghề “đè đầu thiên hạ” của ông không chỉ làm đẹp cho đời mà còn giúp nhiều người hàn gắn hạnh phúc gia đình.

Ông hồ hởi kể cho tôi câu chuyện mà đến giờ ông còn nhớ mãi trong mấy chục năm cầm kéo. Hơn 15 năm trước, một nữ khách hàng sống ở Thanh Xuân đã tìm đến ông với mong muốn được thay đổi. Cô gái trẻ với mái tóc xơ rối, nước mắt lưng tròng kể cho ông nghe về chuyện gia đình rạn nứt khi cô bị chồng hắt hủi, chê bai là “bú dù, không biết làm đẹp”. Không ngần ngại, ông nhận lời giúp ngay. Sau một thời gian cắt, tỉa, dưỡng tóc bóng mềm như thời con gái, ông còn khuyên cô nên cư xử dịu dàng và chú ý ăn mặc, chắc chắn sẽ có kết quả. Đúng như lời ông nói, khoảng 2 tháng sau, cô gái lại tìm đến ông nhưng lần này với nụ cười rạng rỡ, cô khoe rằng mình đã có thai và tổ ấm nhỏ của cô đã ấm áp trở lại. Với ông, đó là những kỉ niệm không thể nào quên và là động lực để ông tiếp tục sống với nghề.

Tưởng chừng sau bao nhiêu năm lăn lộn với từng con dao, cái kéo, rồi được vinh danh là “đệ nhất kéo” đất Hà Thành, ông đã thỏa ước nguyện. Nhưng khi được hỏi về việc khôi phục lại làng nghề truyền thống, ông vẫn đau đáu trong lòng về việc truyền dạy nghề cho thế hệ sau. Ông vẫn mong mỏi có thể tập hợp được các cháu thanh thiếu niên cơ nhỡ để có thể truyền dạy nghề, tạo công ăn việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống bởi theo ông, với nghề cắt tóc, thời nào cũng sống được và hơn hết đó là cách lưu giữ nghề truyền thống đơn giản mà lại cực kì hiệu quả.

Gần một tiếng trò chuyện với nghệ nhân 3 năm liền đoạt danh hiệu Tay kéo vàng của làng Kim Liên, tôi hiểu được phần nào điều làm nên thành công và tiếng vang cho người thợ cắt tóc ấy, đó chính 2 chữ “tâm” và “tài”. Tôi xin phép ra về cũng là lúc đến giờ hẹn của ông với một khách quen đã hơn chục năm nay. Với nụ cười rạng rỡ, ông vẫy tay chào và tạm biệt tôi bằng một câu tiếng Nga và không quên giải nghĩa: “Chúc may mắn và thượng lộ bình an”. Mong rằng, với sự thổi lửa của ông, làng nghề cắt tóc truyền thống đất kinh kì xưa sẽ được phục hưng trong nay mai.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark