07/12/2012 | 15:40:00

Hồ Linh Đàm

Hồ Linh Đàm (Đầm Mực) nằm ở ngoại thành Hà Nội. Đầm Mực cũng là mồ chôn hàng vạn quân Thanh khi vua Quang Trung hành quân thần tốc, tiến vào giải phóng thành Thăng Long vào mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789).
 
 Hồ Linh Đàm (Đầm Mực) nằm ở ngoại thành Hà Nội. Tương truyền rằng đây là nơi trú ngụ của thần Lâm Đàm (thần Rồng), đã từng hóa thành cậu học trò theo học thầy Chu Văn An.

Gặp năm trời hạn hán, vì thương xót dân, thần hút mực trong các nghiên bút, phun lên trời cầu mưa, giúp người trừ hạn hán, làm cả mặt hồ đen ngòm như mực, do vậy bị Thiên Đình tức giận trị tội chết. Người dân nơi đây nhớ ơn, lập đền thờ Thần.
 
 Đầm Mực cũng là mồ chôn hàng vạn quân Thanh khi người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ hành quân thần tốc, dũng mãnh tiến công đồn Ngọc Hồi, tiến vào giải phóng thành Thăng Long vào mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789). Sau khi đồn Ngọc Hồi bị san phẳng, một bộ phận quân Thanh ở đây bị tiêu diệt, bộ phận còn lại tháo chạy về hướng kinh thành Thăng Long.

Tuy nhiên, khi chạy tới Văn Điển thì gặp phải lực lượng nghi binh do vua Quang Trung bố trí từ trước đón sẵn. Hoảng sợ, chúng vội vã chạy về hướng Đầm Mực (thuộc xã Quỳnh Đô, tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, nay là thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì).

Tại đây, theo kế hoạch của vua Quang Trung, cánh quân của Đô đốc Bảo đã mai phục sẵn. Lọt vào trận địa mai phục, quân Thanh bị dồn xuống đầm và bị tiêu diệt gọn.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark