10/04/2012 | 15:04:00

Món ăn Việt ở Paris

Mọi kỷ niệm Hà Nội chợt “ùa” về trong tâm thức của Erin G. Edwards khi một người bạn đất Hà thành tới thăm ông vào một ngày mới đây.

Nhớ lại 8 năm làm việc và sinh sống ở Hà Nội, từ năm 2000 – 2008, Erin G. Edwards kể: “Tôi rất ấn tượng những người phụ nữ “hát” của Hà Nội với những thúng hàng rong chứa đầy hoa quả hoặc đồ ăn. Những người phụ nữ bán bánh mì thường đánh thức tôi dậy mỗi sáng bằng lời rao bán “mộc mạc” thứ quà sáng dân dã truyền thống".

"Bạn sẽ không thể bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ bán hàng rong ở Paris, nhưng lại có thể nhìn thấy những người phụ nữ làm bánh mì ở các cửa hàng dọc đại lộ Choisy và Ivry tại khu phố Trung Hoa ở quận 13 của thủ đô nước Pháp”, Edwards kể tiếp.

Tiếng là khu phố Trung Hoa nhưng ở đây cộng đồng người Việt Nam sinh sống và buôn bán rất đông. Mỗi lần muốn tìm lại dấu ấn Hà Nội, tôi thường lui tới các nhà hàng Việt ở quận 13 để thưởng thức món phở “quốc hồn”, hoặc ổ bánh mì chính hiệu Việt Nam.

Tôi thường lựa ổ bánh mì kẹp nhân thịt lợn quay có vị mặn-ngọt, cùng rau xanh các loại như ca rốt, húng quế, hành tây và đặc biệt phải “rưới” thêm chút tương ớt để nhâm nhi cảm giác “tê tê” đầu lưỡi. Ở Paris có nhiều cửa hàng bánh pizza, nhưng bánh mì Việt chỉ ở quận 13 mới ngon và mang nguyên vẹn hương vị ẩm thực của đất nước hình chữ S.

Hà Nội cũng làm tôi nhớ tới một số loại quả nhiệt đới như thanh long, măng cụt và vải thiều. Nếu 8 năm trước đây, tôi rất hiếm khi thấy chúng có mặt trên các sạp hoa quả ở trời Tây, thậm chí cả ở nước Mỹ thì giờ đây được bày bán phổ biến ở siêu thị Tang Frères trên đại lộ Ivry. Chưa kể, tại siêu thị này còn có nhiều khu vực bán đồ ăn châu Á.

Như một phần của Paris , tại quận 13 còn có rất nhiều cửa hàng bánh bao Hà Nội. Thậm chí, bạn có thể tìm thấy nhiều cửa hàng bánh ngọt Trung Quốc và bán đồ trang miệng Việt Nam , như chè đậu đỏ, chè bắp, chè chuối… Tuy nhiên, để thưởng thức các món ăn “thuần Việt” nhất, tôi thường ghé nhà hàng Le Bambou ở 70 Rue Baudricourt. Tôi cho rằng, đây là nhà hàng tốt nhất ngoài Việt Nam, định vị ở thủ đô Paris, chuyên phục vụ món Việt với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và không gian ẩm thực ấm cúng. Đặc sản của Le Bambou gồm: món bánh xèo - được làm từ bột gạo kết hợp với rau và tôm; phở bò – vừa ngon, dễ ăn lại bổ dưỡng; và bún thịt nướng – một đĩa mì sợi ăn kèm thịt lợn nướng, rau bạc hà, diếp cá, chấm trong bát nước mắm pha với bí quyết gia truyền …

Tuy nhiên, tôi đã tìm hoài tìm mãi nhưng vẫn chưa tìm ra một quán “bia hơi Hà Nội” ở trong lòng Paris hay ở ngoại ô thành phố

Paris là một trong những thành phố tập trung nhiều Việt kiều nhất. Từ cuối thế kỷ 19, người Việt dần xuất hiện ở thành phố này.

Năm 1911, với tên Văn Ba, Hồ Chí Minh sang Pháp và đã sống nhiều năm ở Paris. Tại thành phố này, cùng Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Yêu sách của nhân dân An Nam đăng trên báo L'Humanité và tham gia nhiều hoạt động đấu tranh khác.

Trong thập niên 1920, những gia đình giàu có tiếp tục gửi con cái sang Paris học. Những sinh viên học ở Paris trở về như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu... đã tạo thành tầng lớp trí thức ưu tú của Việt Nam thế kỷ 20. Theo con số của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao đưa ra trên tạp chí Quê Hương, tổng số người Việt ở Pháp chỉ khoảng 250.000 người.

Cũng giống với cộng đồng châu Á nói chung, những người Việt sống rải rác ở nội thành và ngoại ô Paris, nhưng khu chợ Trung Hoa ở quận 13 vẫn là nơi giao lưu quan trọng. Bên cạnh phần đông người Việt làm việc trong các công sở, một số không nhỏ khác mở các nhà hàng Việt Nam tập trung ở khu phố Trung Hoa và rải rác khắp thành phố./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark