17/11/2012 | 15:39:00

Mỹ Đình - Một trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội

Năm năm trở lại đây, bất cứ ai đang sinh sống ở Hà Nội hoặc có điều kiện trở lại thăm thủ đô cũng đều có nhận xét rằng khu vực Mỹ Đình đang là điểm nóng về phát triển của thủ đô. Nhiều người đã và đang nghĩ về một trung tâm mới của Hà Nội ở đây trong trong nay mai; thậm chí còn có ý kiến cho rằng dấu ấn của Hà Nội thời kỳ phát triển mới sẽ có tâm điểm ở Mỹ Đình và kéo dài lên Ba Vì dọc theo trục đường Láng - Hòa Lạc đang được thi công rất rốt ráo để kịp khánh thành trước ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phải chăng những dự báo này sẽ đúng?

Một trung tâm mới của Hà Nội

Quả thực vào thời điểm này bất cứ ai đi ngang qua khu vực Mỹ Đình với các trục đường chính là Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Láng - Hòa Lạc đoạn qua Mỹ Đình đều không khỏi thấy ngợp vì sự xuất hiện rất nhanh của các tòa nhà chọc trời ở đây Kể từ khi sân vận động Mỹ Đình đi vào vận hành phục vụ cho giải thi đấu thể thao Seagames 22, và nhất là khi trung tâm Hội nghị quốc gia được khánh thành đi vào hoạt động đến nay, hàng chục công trình đô thị đã, đang và sắp được hoàn thành mà công trình nào cũng có những dấu ấn nhất định: Như khu The Manor hiện đã trở thành nơi chốn ăn ở và làm việc hạng sang; tòa nhà Keangnam đang thi công để xem là cao nhất nước khi hoàn thành; khu khách sạn 5 sao và cao ốc văn phòng Hanoi Plaza sắp khánh thành; công trình bảo tàng Hà Nội với những kiến trúc độc đáo đang dần định hình cạnh trung tâm hội nghị quốc gia; trung tâm triển lãm quốc tế mới...

Tất cả đang tạo nên những vóc dáng mới, hiện đại hơn, khang trang hơn cho khu vực này vốn cách nay hơn 10 năm chỉ là những ruộng lúa, vườn rau, ao bùn và lác đác làng xóm và những căn nhà cấp bốn cũ kỹ.

Xa hơn nữa dọc theo trục đường Láng - Hòa Lạc trong phạm vi bán kính khoáng 5-7km trở lại đều là những đại công trường với ngổn ngang đào đắp và xây dựng của hàng chục dự án lớn nhỏ mà trong đó hầu hết đều là các dự án phát triển khu dân cư mới, khu đô thị mới. Trục đường Láng – Hòa Lạc từ hai năm nay cũng đã là một đại công trường, nay đã bắt đầu có những hình hài của một tuyến đường cao tốc có chiều rộng lên tới hơn 120m.

Một cán bộ ngành quy hoạch của thành phố Hà Nội có lần đi cùng người viết trên đoạn đường này đã khẳng định rằng với khoảng cách 5- 7km tính từ Mỹ Đình lên ngã ba Hòa Lạc (là điểm cuối của tuyến đường này), toàn bộ khu đất dọc hai bên trục đường đã coi như "có chủ', tất cả đều là các dự án phát triển đô thị, công viên, khu vui chơi giải trí và phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đại diện một tập đoàn tư vấn bất động sản quốc tế tại Việt Nam đã có nhận xét: Với những quyết định về quy hoạch phát triển Hà Nội theo hướng mở rộng diện tích, hình thành các đô thị vệ tinh, "giảm tải" khu vực trung tâm lõi hiện hữu; đồng thời với những thuận lợi về nguồn quỹ đất và điều kiện giải phóng mặt bằng, nhiều tỉ USD đã đã đổ vào khu vực Mỹ Đình trong những năm qua và dự báo sẽ còn nhiều tỉ USD nữa sẽ tiếp tục đã đổ vào khu vực này trong 5 - 10 năm tới. Nhất là khi tuyến đường quan trọng Láng - Hòa Lạc hoàn thành để tạo đà cho các dự án đi theo. "Mỹ Đình đang trở thành một trung tâm mới của Hà Nội, bên cạnh trung tâm Hoàn Kiếm và Hồ Tây".

Nhìn lại sông Hồng

Nếu có cơ hội bạn hãy leo lên đỉnh của một tòa nhà cao tầng nào đó ở khu Mỹ Đình và từ đó bạn có thể phóng tầm nhìn về trung tâm hiện nay của Hà Nội. Khung cảnh hiện ra thật khác so với trước đây rất nhiều. Thành phố đã và đang đổi thay từng ngày. Trong tầm nhìn đó, đòng sông Hồng như một dải lụa mềm uốn lượn bên cạnh khu trung tâm thành phố tạo nên một khung cảnh vô cùng khoáng đạt. Nhìn lại phía sau, dãy núi Ba Vì hùng vĩ in dấu trên nền trời.

Chợt nhớ lời của vua Lý trong chiếu dời đô đã nói về vị trí đắc địa của kinh đô Thăng Long: “...Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước..” Quả là địa thế hiếm có mà chắc không nhiều thành phố nào khác trên thế giới có được.

Nhìn về sông Hồng rồi lại nhìn về Mỹ Đình, chợt thấy tiếc nuối. Thủ đô Hà Nội chuẩn bị sự kiện kỷ niệm 1.000 năm định đô, Hà Nội đã là một thành phố vì hòa bình với diện tích đứng thứ 17 thế giới và dân số trên 6 triệu người; nhưng dòng sông Hồng nổi tiếng vẫn cứ chỉ chảy bên cạnh thành phố và hàng năm, đến hẹn lại lên, dòng sông lại "nổi sóng" khiến hàng triệu người dân thành phố (bao gồm cả Hà Tây cũ) phải lo lắng, nhất là hàng trăm ngàn cư dân thành phố đang sinh sống trên dải đất ngoài đê ven hai bờ sông Hồng.

Giá chi những công trình hoành tráng tương tự như thế này được mọc lên một cách hài hòa và mang những phong cách kiến trúc độc đáo dọc hai bờ sông Hồng hiền hòa? Được vậy chắc hẳn thủ đô Hà Nội sẽ mang một dấu ấn khác rất đặc biệt.

Một quan chức của ban chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội (ban chỉ đạo vùng Thủ đô) trong một lần trò chuyện với người viết đã nói rằng: Cho đến giờ thủ đô Hà Nội vẫn chưa có được một công trình có dấu ấn đặc biệt nào để mà "khoe" với bạn bè thế giới. Khu Mỹ Đình dù cho có phát triển hiện đại thế nào nhưng so với các thành phố lớn hiện nay trên thế giới cũng chưa là gì, nên đây không thể là một dấu ấn của Hà Nội thời hiện đại.

Chính vì vậy, vị quan chức này cho rằng dự án trị thuỷ sông Hồng gắn liền với quy hoạch phát triển thành phố dọc hai bên bờ sông theo một mô hình đặc trưng, có thể sẽ là một điểm nhấn đặc biệt của Hà Nội và của việt Nam trong giai đoạn phát triển sắp tới. Giống như Hàn Quốc, quá trình bứt phá đi lên hơn hai thập niên trước được gắn với “Kỳ tích sông Hàn"; Vậy thì, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung nên chăng sẽ làm một điều gì đó tương tự như "Kỳ tích sông Hồng" để minh chứng với bạn bè thế giới về một quốc gia năng động, tạo dựng vị thế trên trường quốc tế?!

Không thể mãi "quay lưng" lại dòng sông

Thực ra câu chuyện về sông Hồng ở Hà Nội đã được chính quyền ở cả cấp thành phố và Trung ương quan tâm đến từ rất lâu, nhưng nhiều lần được đưa ra xem xét đều bị vướng vì nhiều lý do, bao gồm từ thể chế pháp lý đến nguồn lực, từ dư luận và sự đồng thuận của người dân đến kỹ thuật thực hiện... Chính vì vậy, mọi ý tương vẫn chỉ là bàn thảo và... Tiếp tục nghiên cứu.

Tuy nhiên chương trình này gần đây đã được thành phố khởi động lại một cách mạnh mẽ hơn trong đó có sự quan tâm cao độ của Chính phủ và sự trợ giúp của hạn bè quốc tế.

Theo ban chỉ đạo vùng Thủ đô, đây là thời điểm đã chín muồi cho việc triển khai các ý tướng của chương trình trị thủy và quy hoạch hai bờ sông Hồng đoạn qua thành phố Hà Nội. Có năm điều kiện cần và đủ để triển khai dự án. Trước hết là rào cản pháp luật đã được tháo gỡ. Với luật Đê điều được ban hành đã cho phép thành phố hoàn toàn an tâm tiến hành nghiên cứu và triển khai việc chỉnh trị, quy hoạch chi tiết, thoát lũ... sông Hồng đoạn qua Hà Nội.

Kế đến là lâu nay cơ sở khoa học cho những việc trên chưa có câu trả lời, thì nay với quyết định 92 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6/2007 đã đặt ra đầu bài cụ thể: Phải đảm bảo thoát lũ 2.000m3/ giây, cốt lũ 13,40m và cấp đê đặc biệt cho toàn bộ hệ thống đê Hà Nội. Bên cạnh đó các hồ trị thủy đầu nguồn sông Đà đang thành hiện thực khi nhà máy thủy điện Sơn La sắp đi vào hoạt động và quy hoạch hệ thống sông Thái Bình, sông Hồng đã có.

Kế nữa là về nguồn lực để thực hiện. Nếu trị thủy sông Hồng xong, đảm bảo thoát lũ tốt, thành phố sẽ có một quỹ đất hơn 1.500ha ven hai bờ sông để khai thác phát triển đô thị. Hiện nay các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang rất quan tâm đến dự án này nên phương án "lấy đô thị nuôi đô thị" là khả thi.

Điều kiện cần và đủ thứ tư là có sự trợ giúp mạnh mẽ của chính quyền thành phố Seoul và các chuyên gia Hàn Quốc vốn có nhiều kinh nghiệm trong "Kỳ tích sông Hàn", con sông mà trên thực tế chế độ thủy văn, nhất là mùa lũ là tương đồng với sông Hồng. Bên cạnh đó nhiều tổ chức quốc tế khác cũng bày tỏ mối quan tâm và sẵn sàng có sự hỗ trợ và tư vấn.

Và cuối cùng là sự đồng thuận của người dân và chính quyền. Mặc dù còn nhiều ý kiến có thế khác nhau nhưng qua thăm dò dư luận của thành phố cho thấy đại đa số người dân thành phố đều mong muốn thực hiện dự án lớn này.

Chính vì vậy mới dây Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo đồng ý hợp tác với đối tác Hàn Quốc triển khai nghiên cứu dự án, và giao cho ban chỉ đạo vùng Thủ đô tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án này. Dự án sông Hồng giờ đây đã không còn là của Hà Nội mà là của quốc gia. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định tiếp tục cho thực hiện dự án giai đoạn hai và lồng ghép vào dự án lập quy hoạch chung của cả thành phố. Sau khi hoàn tất sẽ tổ chức xin ý kiến Quốc hội chung cho cả dự án lớn này.

Rõ ràng với những động thái này, Hà Nội đã và đang quyết tâm bắt tay vào một chương trình quy hoạch và đầu tư phát triển lớn thành phố thủ đô. Theo ban chỉ đạo vùng Thủ đô, dự án này nếu được phê chuẩn thì khi đi vào triển khai sẽ phải đảm thực hiện theo một lộ trình cuốn chiếu hợp lý nhất, có lợi nhất cho các bên có liên quan; được thực hiện theo hình thức bóc tách từng phần với yêu cầu lớn nhất là hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê, ổn định cuộc sống người dân, duy trì và bảo vệ các làng cổ, di tích văn hoá... Chính vì vậy, thời gian thực hiện có thể phải kéo dài trong nhiều năm.

Nhìn lại bức tranh Hà Nội và sông Hồng hiện nay chúng ta không thể không cảm thấy chạnh lòng bởi dường như cả thành phố vẫn đang "quay lưng" lại với dòng sông trong khi nhiều thành phố khác trên thế giới mơ cũng không có được. Hơn 55 năm sau ngày thủ đô được giải phóng hoàn toàn (10/10/1954), từ số dân cư ngụ ngoài đê sông trong khoảng 20.000 người, thì nay đã tăng lên 10 lần; “bức tường bê tông" ngoài đê cứ ngày càng dài ra thêm, cao thêm và cũng phức tạp thêm mỗi khi vào mùa nước lũ, nhất là vấn đề môi trường và xã hội vì mọi thứ đều được “xả” xuống dòng sông.

Mong rằng cùng với dự án sông Hồng, Hà Nội rồi đây sẽ là một thành phố hiện đại, văn minh, văn hiến và phát triển bền vững./.
 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark