26/08/2010 | 16:07:00

Ngàn nốt nhạc tình yêu Thăng Long trên Trống đồng

Biểu diễn trống đồng. (Nguồn: Internet)

Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã hoàn thành hai hợp xướng cho Thăng Long ngàn năm sẽ ra mắt trong thời gian tới, trong đó có tác phẩm được chờ đợi nhiều nhất trong thời gian qua, đó là hợp xướng trên 100 trống đồng - một thử nghiệm độc đáo trên thứ linh khí-nhạc khí mang hồn dân tộc này.

Nhạc sỹ Nguyễn Cường hiện đã có bản thu âm của hợp xướng này. Đó là kết tụ nỗi nhớ kéo dài của người phố cổ nổi tiếng với các ca khúc về Tây Nguyên, giờ hiển lộ với Thăng Long một tình yêu vạm vỡ.

Ấp ủ từ năm 2000, ý tưởng và nốt nhạc đầu tiên, tới 2009 nhạc sỹ mới viết và vừa hoàn thiện đầu năm naybản hợp xướng "Khúc Romance Hà Nội."

Viết một romance không đủ, nhạc sỹ Nguyễn Cường tự “đặt hàng mình” viết tiếp hợp xướng "Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc Hồng."

Tất cả các sáng tạo nghệ thuật từ bản thảo đến khi thành tác phẩm đều cần tiền đầu tư nhưng vì thiếu kinh phí, nên bản demo của hợp xướng, Nguyễn Cường chỉ thu với 20 người.

Ông thành thật: “Phải dùng kỹ thuật thu chồng tiếng để tạo âm thanh lớn gấp 10 lần, vì không có tiền. Tai thường của công chúng hay ai làm nhạc không rành kỹ thuật phòng thu, có thể lừa mị, chứ thợ phòng thu, tai nhạc thì còn lâu.”

"Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc Hồng" viết từ tháng 12/2009 đến cuối tháng 3/2010 là hợp xướng acapella với phần đệm trống đồng.

“Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh giữ nước, tinh thần chống giặc. Tôi đi khắp nước, tìm hào khí ấy trong âm nhạc, nhưng toàn âm điệu trữ tình, buồn bã, nhớ thương. Chẳng hạn, miền Nam, bao nhiêu là 'Lý hoài...' Rồi tôi nhận ra chỉ trống đồng mới toát lộ hết hào khí ấy."

Phát hiện ra trống đồng là xác, đánh lên mới thấy hồn. Đó là hồn đất nước qua âm thanh dữ dội, âm vang, mạnh mẽ, thiêng liêng.

Sức sống lớn chạy sóng như sông Cái Nhĩ Hà cuồn cuộn thác đổ âm thanh cường lực. Giọng nam lĩnh xướng, hợp xướng dồn dập nhịp điệu phối âm thanh sôi sục của những dùi gỗ gõ vào nhau, thành nhịp điệu rung chuyển mặt đất, gọi về kỳ khí Thăng Long.

Tác phẩm bao quát lịch sử kinh đô, xưa và nay hòa quyện. Tiếng trống tượng thanh, lịch sử, gọi lớp lớp thế hệ đoàn viên, để hồn đất trời sông núi, hồn Vua Hùng và các triều đại về hội tụ đất thánh. Giọng nam-nữ lĩnh xướng rền vang: “Mẹ mở nước, cha giữ trời,” gợi truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ sống dậy.

Dáng kiều thơm dập dìu giai nhân qua đôi mắt nhạc sỹ thành “Những nàng mặt hoa, những nụ cười Lạc Hồng.”

Nhạc sỹ Nguyễn Cường đã về đất Tổ lấy cảm xúc. Ông cũng đưa vào tác phẩm điệu xoan Phú Thọ: “Hoa thơm tự rễ tự cành.” Hợp xướng như lời hát của những người con Lạc Long Quân, Âu Cơ.

Đặc biệt là đoạn kết, cũng là cảnh tượng tâm linh mà Nguyễn Cường ước tin sẽ hiển linh trên đất thánh. “Các Vua Hùng đã cùng cháu con về đây/ Ngàn năm Thăng Long thắp lửa Lạc Hồng.”

Ở tuổi 67, Nguyễn Cường vẫn liên tục di chuyển để sáng tạo. Khi 36 trống đồng đúc mới từ Thanh Hóa đem ra Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nguyễn Cường chớp thời cơ, thu hợp xướng với 36 trống.

“Ước mơ của tôi là có kinh phí dựng dàn hợp xướng 1.000 người với 1.000 trống đồng. Nhưng có lẽ chỉ làm được 200 người trong khi âm thanh lý tưởng phải là 400 người, hát với 100 trống.”

Hôm 11/8, nhạc sỹ Nguyễn Cường về Thanh Hóa để xem chiếc trống thứ 100 hoàn thành. Ông tiết lộ: “Ngày 28/8, tôi sẽ cùng một đoàn từ Hà Nội vào Thanh Hóa rước 100 trống đồng. Sẽ có 50 ôtô tải chuyên chở, 20 Volwagen và Jeep tháp tùng. Tất cả 100 trống đưa về Văn Miếu, dâng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long."

Sau đại lễ, trống sẽ được tặng cho 64 tỉnh, thành phố. Sự kiện này do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội cổ vật Thanh Hóa tổ chức.

Tối 10/10 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, hợp xướng "Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc Hồng" cùng 100 trống sẽ diễn mở đầu.

”100 trống cho hợp xướng Ngàn năm mới chỉ đạt 1/10 ước mơ nhưng tình yêu của Nguyễn Cường dành cho Hà Nội không dừng ở số học. Bất chấp hữu hạn trên dòng chảy ngàn năm ấy, Nguyễn Cường vẫn là chàng trai Hàng Bạc với tuổi thơ đẹp như Hà Nội xưa không thể mất bao giờ./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark