25/08/2010 | 08:40:00

Nhớ phiên chợ Ngái lá dong...

Chợ bán lá dong ngày Tết. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: Internet)

Trong ký ức những người dân xứ Đoài khó ai có thể quên được những phiên chợ Ngái độc đáo và lý thú những ngày cuối năm của vùng quê Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Nơi đây không chỉ nổi tiếng là vùng quê hiếu học, có nhiều người đỗ đạt vinh hiển, có di tích kiến trúc Nghệ thuật Quán Nghinh Hương "độc nhất vô nhị," Hương Ngải còn nổi tiếng với những phiên chợ Ngái đậm nét dân dã, quê hương.

Xưa kia làng Hương Ngải có tên là Kẻ Ngái. Có rất nhiều truyền thuyết xung quanh cái tên làng Hương Ngải nhưng theo cách lý giải của một số bậc cao niên trong xã thì cái tên Hương Ngải có "gốc gác" từ cây ngái dại quanh làng. Chuyện rằng khi cây ngái nở hoa hương thơm lan tỏa khắp vùng nên dân gian gọi thành "làng Hương Ngái," rồi chữ "Ngái" bị đọc chệch đi, đọc "ngọng" đi thành "Ngải." Lâu ngày, cái tên Hương Ngải dính chặt với làng cho đến tận ngày hôm nay.

Là một làng cổ, làng Ngái thuộc xã Hương Ngải duy trì được những phiên chợ Tết độc đáo, mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần và chuyên bán một mặt hàng. Dân trong làng gọi nôm na là chợ Ngái. Những phiên chợ này họp vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo thông lệ, phiên chợ Ngái vàng mã họp vào sáng 16 tháng Chạp, chuyên mua bán đồ vàng mã, chuẩn bị lễ tiễn ông Công - ông Táo chầu Trời vào 23 tháng Chạp. Phiên chợ Ngái Lá Dong họp vào ngày 21 tháng Chạp, chuyên mua bán lá dong, lạt giang nứa, chuẩn bị cho việc gói bánh chưng, bánh gio… trước Tết; phiên chợ Ngái hàng Cam họp vào ngày 26 tháng Chạp, mua bán cam bưởi, hoa quả, chuẩn bị cho mâm ngũ quả ngày Tết; phiên chợ Ngái hàng cá họp ngày mùng 3 Tết, mua bán cá, chuẩn bị việc cúng cơm cá trong lễ “Tạ Cụ” đầu Xuân; chợ Ngái hàng gà họp vào mùng 6 Tết, chuyên mua bán gà, chuẩn bị cho lễ hạ cây nêu ngày mùng 7 tháng Giêng.

Những phiên chợ Ngái ngày Tết không đơn giản như những phiên chợ thường mà đối với người dân Hương Ngải đây thực sự là ngày hội. Trong ký ức của cô giáo Nguyễn Thị Thảo, người gốc Hương Ngải hiện đã nghỉ hưu lên quận Hà Đông sống cùng con cái vẫn in đậm những phiên chợ Ngái làm nô nức vùng quê nghèo vào những ngày giáp Tết.

Chợ phiên họp trên một khu đất trống, hiện đã được quy hoạch để họp chợ, hàng hóa xếp chật kín từ đường vào đến chợ không còn lối đi. Có người phải ra từ rất sớm để "xí chỗ." Đến phiên chợ Ngái thường là người dân Hương Ngải và các xã lân cận như Chàng Sơn, Lại Thượng, Phùng Xá.

Phiên chợ ngày 21 tháng Chạp chuyên bán lá dong còn phiên chợ ngày 26 tháng Chạp bán đủ các mặt hàng hoa quả để bày bàn thờ cũng ông Công-ông Táo. Hàng hóa bán tại chợ là sản vật của các vùng quê, trong đó có nhiều mặt hàng của chính quê hương Hương Ngải, đó là các loại "cây nhà lá vườn" như cam, quýt, bưởi, lá dong, lá gai, lá chuối khô cho tới các đồ thờ cúng do chính người dân Hương Ngải tự tay làm lấy.

Nhớ nhất là phiên chợ lá dong, do người dân trong xã không tự trồng được, những lái buôn phải đi mua nơi khác và chở từng xe về bán cho người dân trong vùng. Ngày Tết hầu như nhà nào cũng gói bánh chưng nên trên đường làng vào đến phiên chợ ngái đầy ắp lá dong và giang buộc bánh chưng.

Anh Phí Đình Phùng, trưởng phòng Công thương, huyện Thạch Thất cũng là một người con của quê hương Hương Ngải tâm sự, phiên chợ Ngái lá dong không đơn thuần chỉ là phiên chợ bán lá dong. Hương Ngải nằm trong vùng đất cổ mỗi khi Tết đến, xuân về không thể thiếu được tấm bánh chưng ngày Tết. Chính vì thế phiên chợ bán lá dong thu hút mọi người dân trong xã. Nhà gói ít mua vài chục, nhà gói nhiều mua 300- 400 lá.

Hơn hẳn ý nghĩa của một phiên chợ, phiên chợ Ngái lá dong còn thực sự trở thành một ngày hội của người dân trong xã. Không chỉ người lớn mà trẻ con cũng háo hức chờ đến ngày này để theo người lớn xuống phiên chợ. Trong ký ức của những lớp người cao niên vẫn còn đó hình ảnh những phiên chợ Ngái lá dong với những sạp lá dong đưa từ rừng xuống, xếp từng chồng xanh thẫm. Xen lẫn với những hàng lá dong là các gánh quà vặt bán kẹo cồ, kẹo vừng, bánh đa, bánh dày... Trẻ con theo bố, mẹ xuống phiên chợ mặt mày hoan hỷ vì được bố, mẹ cho năm xu, một hào mua cho đồng quà, tấm bánh. Người bán, người mua tấp nập, ai cũng hân hoan, vì hàng hóa tràn ngập, không khí vui vẻ của phiên chợ Tết.

Trong phiên chợ Ngái lá dong, người dân quê Hương Ngải còn đặc biệt ấn tượng với những màn hát chèo cổ với các tích chèo "Thị Nở", "Lưu Bình, Dương Lễ", " Thúy Kiều- Kim Trọng"... do chính người dân quê Hương Ngải biểu diễn không thu tiền. Dưới gốc đa cổ, những diễn viên nghiệp dư chân chất, mộc mạc biểu diễn những làn điệu chèo... càng làm cho phiên chợ thêm sinh động, hấp dẫn.

Đối với người dân Hương Ngải dù có đi xa thì dấu ấn quê hương vẫn luôn in đậm trong ký ức về một làng cổ yên bình với những phiên chợ Ngái mỗi khi Tết đến, xuân về. Tiếc rằng, những phiên chợ đó ngày nay tuy vẫn được duy trì nhưng kém sôi động hơn xưa rất nhiều. "Phiên chợ Ngái lá dong giờ không đơn thuần bán lá dong, hàng hóa tạp nham, lá dong bán không nhiều, kẹo gồ, hát chèo cũng không còn nữa... Những người cao niên trong xã như chúng tôi tiếc nuối lắm," anh Phí Đình Phùng, một người con của Hương Ngải cho biết./.

Tuyết Mai (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark