23/08/2010 | 16:01:00

Về hương ước Hà Nội xưa

Trong các kỳ hội làng ngày xưa, người ta không quên một nghi lễ quan trọng: đọc hương ước.

Việc đọc hương ước trong ngày lễ hội có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Đó là dịp tốt nhất để nhắc lại cho các thành viên trong cộng đồng ghi nhớ những quy định, quy ước về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với những cam kết đó.

Khái niệm về “Hương ước”

Hương ước là một loại hình văn hóa dân gian được lập ra trong quá trình hình thành và phát triển lâu dài của cộng đồng người Việt ở Việt Nam. Đối với các hương ước cổ, mỗi văn bản thực chất là sự chắt lọc những ý kiến đóng góp trí tuệ của các bô lão, các chức sắc trong tổ chức làng xã cổ truyền. Đó là di sản văn hóa dân gian vô cùng quý báu, giữ vai trò trọng yếu trong việc giữ gìn kỷ cương xã tắc, hướng thiện cho đông đảo các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, ổn định tư tưởng làm ăn.

Hương ước là quy ước của làng xã ngày xưa, là thể hiện của lệ làng. Lệ làng bổ sung cho phép nước. Phép nước là pháp luật của Nhà nước, do triều đình ban hành (ví như trong thời phong kiến, Việt Nam có bộ Luật Hồng Đức thời Lê, bộ Luật Gia Long thời Nguyễn). Vì do Vua ban hành cho nên người ta thường gọi là "phép vua."

Lệ làng do các thành viên trong làng xã quy ước với nhau. Lệ làng phải phù hợp với phép nước, là bổ sung cho phép nước trong một số hoàn cảnh cụ thể của từng làng xã. Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến, có nhiều khi "phép vua thua lệ làng," bởi vì "quan xa không bằng bản nha ở gần."

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tá Nhí - tác giả cuốn "Tuyển tập Hương ước Thăng Long-Hà Nội," một bản hương ước ngắn có khoảng 12 điều, bản hương ước dài thì khoảng 300 điều và có thể khái quát thành bảy nội dung, gồm sản xuất lao động; trật tự trị an, bảo vệ làng xóm; giao thông vận tải, đi lại, đường sá; khuyến học, khuyến khích người tài; thờ cúng, tâm linh, tôn giáo; quan hệ ứng xử liên quan đến tập tục, chủ yếu là hiếu hỷ; và cuối cùng là những biện pháp duy trì hương ước.

Trong đó, biện pháp duy trì hương ước là điều quan trọng nhất. Thường có năm biện pháp, nhẹ nhất là trừng phạt về kinh tế như phạt tiền; thứ hai là bắt lao động công ích, bắt đi quét đình, đắp đường; thứ ba là hạn chế quyền lợi về chính trị xã hội như tẩy chay không cho vào đình, không cho tham dự việc làng mấy năm và những người trong làng không tham gia vào công việc của người vi phạm hương ước như cưới con không ai đến, bố mẹ mất không ai khênh; thứ tư là tẩy chay đuổi ra khỏi làng; thứ năm là thề thốt trước thần linh.

Một số nội dung cụ thể qua Hương ước Hà Nội xưa

Hương ước làng Ngọc Hà, Tổng nội, huyện Hoàng Long cũ, phần mục Sự cấp cứu - Điều thứ 27 ghi rõ: Gặp lúc cần cấp như nước lớn, đê sạt hoặc lửa cháy nhà nào, hoặc trộm cướp nhà nào, trừ ra những người 60 tuổi và người yếu, còn người lành nghe hiệu thì phải lập tức đến cứu. Nếu ai biếng nhác không đến, hội đồng xét thực, phạt từ 0,2-0,5 quan tiền cũ.

Xét gian lận - Điều thứ 94: Những điều mà đã có lệnh cấm như rượu lậu, thuốc phiện, mở sòng bạc và bài lá lấy hồ thì hội đồng phải khám xét luôn trong làng để trừ gian lậu.

Hay sự giáo dục - Điều thứ 100: Dạy trẻ con có học thức phổ thông là nghĩa vụ người làm phụ huynh, không ai được trừ. Làng mở một trường học để dạy trẻ trong làng. Điều thứ 102: Trẻ em trong làng, đúng tám tuổi phải đi học cả.

Điều thứ 103: Làng lấy tiền công mua bút giấy cấp cho những con nhà nghèo mà Hội đồng xét thực không thể mua.

Hương ước làng Bát Tràng, phần mục Sự cấp cứu ghi rõ: Sự cứu hỏa tai cần phải có sẵn đồ cứu mới được, nếu cứ tay không chạy đến giương mắt, dẫu đến trăm nghìn người cũng là vô ích, vậy làng phải trích tiền công sắm lấy 10 cái câu liêm thực tốt và sắc để ở điếm canh, nhà nào bất hạnh bị hỏa tai thời tuần đêm nay đến cứu... Mỗi nhà phải sắm một cái ống vảy nước (trừ những mẹ góa con côi) làm bằng tre mương dài độ 1m Tây, đầu để vẩy nước bạt nhọn móng lợn, ống của nhà nào khắc tên gia chủ nhà ấy vào, hễ nghe hiệu lệnh, biết chỗ nào hỏa tai thì mỗi nhà cần phải một người đem một cái ống ấy để lấy nước chữa cháy.

Nhiều làng xã vùng đất Thăng Long nằm ngay cạnh chân đê sông Hồng, nên hương ước làng xã đó còn có quy định rõ ràng, dân làng có trách nhiệm bảo vệ đê.

Hương ước làng Nhật Tân (huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Đông cũ), phần mục đường sá, cầu cống và đê điều, điều 81e: Làng cử một người thủ lộ để trông coi đường sá, cầu cống và đê điều, thấy nơi nào hư hỏng phải trình Hội đồng sửa lại, đến như việc đê điều thời thủ lộ chỉ phải coi sóc để cho người và gia súc khỏi làm tổn hại đến đê, phải sửa chữa những nơi hư hỏng, lại phải giữ gìn cho đê lúc nào cũng tốt. Khi chỗ nào hư hỏng lâu mà phải nhà nước tu bổ mới được, thời thủ lộ phải trình Hội đồng để trình quan.

Hương ước Hà Nội xưa đề cập nhiều vấn đề cộng đồng dân cư đa dạng và phong phú: "... Trật tự an ninh ở làng xã là những điều khoản được đề cập cụ thể. Phần lớn việc canh giữ xóm làng, bảo vệ đê điều, cầu cống... đều có sự phân công rõ ràng, có quy định bằng mệnh lệnh và có thưởng phạt nghiêm minh. Vệ sinh đường thôn ngõ xóm, việc toàn dân phải tuân theo mệnh lệnh không được vứt đồ dùng của người chết ra đường, sông, hồ ao. Không được chôn xác động vật vào nghĩa địa, không được phóng uế bừa bãi"./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark