27/08/2010 | 15:28:00

Những di sản vô giá trên đất Hà thành

Hồ Hoàn kiếm (Hồ Gươm), một di sản văn hóa của Thủ đô Hà Nội với quần thể cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn và Tháp Rùa. (Ảnh: Đình Na/TTXVN)

Theo đánh giá của họa sỹ Trần Ngọc Hải, Giám đốc Trung tâm Mỹ thuật môi trường (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam): Hồ Gươm, Chùa Một Cột, Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Cột Cờ Hà Nội là chứng nhân lịch sử trải dài hàng ngàn năm của đất nước, chính là điểm hội tụ thiêng liêng qua các thời đại.

Những di sản ấy cũng là hồn nước, khí nước, là dòng chảy diệu kỳ nuôi dưỡng sức sống của một dân tộc. Nó là máu, là thịt, là "kỳ quan" sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người Việt Nam.

Hồ Gươm - Sử thi giữ nước

Hồ Gươm gắn với vị Vua sáng lập triều đại mình bằng chính những chiến công hiển hách, dựng cờ dẹp giặc, giành lại đất nước từ tay ngoại xâm, đó chính là Vua Lê Lợi. Theo truyền thuyết, sau khi đất nước sạch bóng quân thù, nhà Vua đã trả kiếm thần ngay tại nơi này.

Hồ Gươm nằm giữa Thủ đô, nó như con mắt biếc nhìn suốt trời cao, như lá phổi giữ sinh khí cho vùng đất thánh, như sợi dây giao hòa âm dương nối kết bền vững giữa con người và trời, đất. Hồ Gươm đẹp và thiêng, trên hồ có đảo Ngọc Sơn là nơi Vua Lý dời đô ra Thăng Long đặt tên là núi Ngọc Tượng, đến đời Trần đổi tên thành Ngọc Sơn.

Năm 1865, Án sát Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa đền. Trên núi Ngọc Bội, ông cho xây một tháp đá với đỉnh tháp hình ngọn bút lông, thân tháp khắc ba chữ Tả Thanh Thiên (tức là viết lên trời xanh), đến ngày nay gọi là Tháp Bút.

Trên Hồ Gươm có một đảo nhỏ gọi là đảo Rùa. Năm 1884, bá hộ tên Kim được phép xây trên đó một chiếc tháp gọi là Tháp Rùa (nền đình Tả Vọng cũ) với những ý vọng dòng tộc cá nhân nhưng không thành. Hơn thế kỷ qua, hình ảnh Tháp Rùa soi bóng Hồ Gươm đã in sâu vào trái tim, tâm hồn nhiều thế hệ người Hà Nội nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung cũng như du khách đã từng đến thăm Hà Nội.

Chùa Một Cột - Chứng nhân nghìn năm dựng nước

Từ Thăng Long đến Đông Đô, Hà Nội, dẫu đất nước trải qua bao biến cải song tòa sen chùa Một Cột vẫn mãi là biểu tượng của đất nước Việt Nam.

Chùa được xây dựng vào đời Lý Thái Tông, mà theo như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: "Mùa đông tháng mười (1049) dựng chùa Diên Hựu... Một lần Vua Lý Thái Tông chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt nhà Vua lên tòa... Nhà sư Thiền Tuệ khuyên Vua làm chùa, dựng cột đá giữa ao, làm tòa sen của Phật Quan Âm ở trên cột giống như trong mộng và cho các nhà sư múa chạy đàn tụng kinh cầu cho vua sống lâu, nên mới gọi là chùa Diên Hựu (kéo dài cõi phúc). Đến năm 1954, khi giặc Pháp rút khỏi Hà Nội đã đặt mìn phá hủy chùa, chỉ còn sót lại chiếc cột đá và mấy chiếc xà gỗ.

Sau khi tiếp quản Thủ đô cũng vào năm ấy, Chính phủ đã cho làm lại ngôi chùa như trước. Chùa hình vuông mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên cột đá hình trụ đường kính 1,2m, cao 4m gồm hai trụ đá chồng lên nhau, tầng trên đỡ một hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung kiên cố đỡ cho cả ngôi chùa và có một chiếc thang xây dẫn lên. Trên cửa chùa có biển đề Liên Hoa Đài (đài hoa sen). Cạnh chùa có một cây bồ đề lịch sử do Tổng thống Ấn Độ tặng Bác Hồ năm 1958 và được trồng tại đây.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám - Minh chứng cho trí tuệ dân tộc

Văn Miếu đã bước sang tuổi 1.000, chỉ kém Chùa Diên Hựu 21 năm tuổi. Nơi đây thờ bậc thánh sư của Nho giáo là Khổng Tử, dựng năm 1070 thời Vua Lý Thánh Tông.

Sáu năm sau, Vua Lý Nhân Tông lập thêm Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu. Ban đầu nơi này là chỗ học tập của các hoàng tử và con em quý tộc, về sau mới mở rộng nhận cả học trò con nhà bình dân. Như vậy, Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở thành trung tâm giáo dục - trường đại học đầu tiên của Kinh đô. Sang đời Lê, Vua Lê Thánh Tông cho khắc tên các tiến sỹ trên bia đá và dựng ở hai bên điện Đại Thành trong Văn Miếu.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám được tu sửa nhiều lần vào những năm 1484, 1511, 1536, 1762, 1785, 1805,1888... Nhà tả vu và hữu vu được xây dựng lại thời Pháp thuộc. Kỷ niệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội, Nhà nước đã cho xây dựng lại khu Thái Học và chỉnh trang toàn bộ cảnh quan trong và ngoài khu Văn Miếu.

Cột Cờ Hà Nội - Hào khí Việt Nam

Cột Cờ được xây dựng năm Gia Long 11(1812) nằm phía ngoài Đoan Môn, cao 60m xây bằng gạch gốm, tam cấp phía dưới mỗi chiều dài 42m, phía trên dài 15m, tầng giữa có bốn cửa nhìn ra ngoài. Đó là cửa Nghênh Hác (đón gió buổi sáng) ở đằng Đông; cửa Hồi Quang (trả ánh sáng) ở đằng Tây; cửa Hướng Minh (hướng về ánh sáng) ở đằng Nam.

Thân cột cờ có tám mặt, mỗi mặt đều trổ cửu sổ hình hoa thị, trong cột cờ có hai tầng thang xoáy trôn ốc, trên đỉnh cột đắp hai chữ Kỳ Đài. Cạnh cột cờ dựng một phương đình trong đó có bia ghi công các tướng sỹ.

Ngày 10/10/1954, khi đoàn quân Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô, lá cờ đỏ sao vàng (Quốc kỳ Việt Nam) rộng 82m2 được quân và dân Hà Nội kéo lên, chấm dứt hơn một thế kỷ đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Lá Quốc kỳ này là minh chứng hùng hồn về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đã bước vào trang sử mới-trang sử của độc lập, tự do, hạnh phúc./.

Văn Hào (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark