18/03/2010 | 14:02:00

Phố Nguyễn Hữu Huân

Phố Nguyễn Hữu Huân (Ảnh: Vũ Hưng)

Với khoảng 400 phố hiện nay, Hà Nội thưa thớt dăm ba cái tên phố là địa danh nơi khác. Và Hà Nội từng có một phố mang tên Bắc Ninh.

Thời thuộc Pháp, có một phố mang tên thống chế Pétain, mang thêm tên phố Bắc Ninh, sau đổi thành phố Phan Thanh Giản và nay, tên chính thức là phố Nguyễn Hữu Huân. Một đầu là chỗ ngã ba với phố Trần Nhật Duật, nhưng theo một góc nhọn chứ không phải là góc thước thợ như những ngã ba thông thường khác.

Sau khi lăn mình gần tròn 450m, nó kết thúc ở ngã tư Lý Thái Tổ và Lò Sũ, mà một thời phố Lý Thái Tổ được gọi là Hàng Vôi trên, phân biệt với Hàng Vôi đi song song và nhỏ hơn về phía Đông. Trường tiểu học Nguyễn Du từng được gọi là trường Hàng Vôi cũng vì thế.

Hà Nội là nơi hội tụ nhiều thứ hàng, nhiều nghề, mỗi nghề cũng thường mang một nét gì đó tượng trưng, chẳng hạn các cửa hàng chữa điện thường mang chữ Quang, hàng đồ gỗ mang chứ Lâm, hàng vàng bạc mang chữ Kim.

Trong đó, những hiệu làm và bán đồ gỗ có chữ Lâm thì tập trung khá nhiều ở phố Bắc Ninh như Quảng Lâm, Quản Nam Lâm, Thành Lâm, Mỹ Lâm, vì phố Bắc Ninh một thời gần như phố bán đồ mộc từ cái giường đôi, cái ghế đẩu, chạn bát, giá để sách, tủ đứng, bàn làm việc.... có nhà làm ngay đồ trên vỉa hè, có nhà buôn gỗ súc để hàng đống gỗ tròn, trẻ con trèo lên chơi, có nhà chỉ buôn thành phẩm.

Cho đến thời điểm năm 1997-1998, chỉ còn một hai nhà chế biến đồ gỗ, còn mấy chục nhà buôn cất hàng đóng sẵn từ nơi khác đến giường, tủ, bàn, ghế, tủ gương, tủ tường, xa lông, những thứ đóng ở Hà Đông, Sơn Tây, Cổ Nhuế.

Ngoài phố Nguyễn Hưu Huân, nếu muốn mua đồ gỗ thì có thể đến Đê La Thành, Giảng Võ, đến phố Quang Trung, Hàm Long (nửa đầu phố). Vậy là phố Bắc Ninh mất độc quyền đồ gỗ, nhưng giống bất cứ phố nào khác của Hà Nội trong thời mở cửa, phố Bắc Ninh cũng đủ nhà cao thấp, đủ mặt hàng, từ ăn uống, khách sạn, bán vé máy bay đến tạp hóa..

Phố Nguyễn Hưu Huân từng có một căn nhà lụp xụp ngoài cửa treo tấm mành cũ, hai bên cửa lùa đóng im ỉm, nhưng rất nhiều văn nghệ sỹ lui tới. Đó là càphê Lâm - một quán bình dân, nhưng ông chủ quán lại rất Mạnh Thường Quân khi bán càphê chịu và lâu lâu, các họa sĩ mang trả bằng một bức tranh nào đó, bột màu, sơn dầu, giấy dó, lụa.Quán trở thành nơi sưu tập tranh giá trị của nhiều họa sĩ tài anh, treo la liệt trên tường từ góc nhà lên gác, của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Lưu Công Nhân... và nghiễm nhiên, ông chủ quán càphê thành tỷ phú mà lúc đầu ông không hề nghĩ thế.

Chỗ đầu phố, trước khi có cây cầu Chương Dương đồ sộ, người Hà Nội quen gọi chỗ này là phố Cột Đồng Hồ vì có một cái đồng hồ công cộng. Còn hai bên phố có hai cái ngõ nhỏ, rất Hà Nội. Một là ngõ Phất Lộc. Còn con ngõ nữa có tên chính thức là ngõ Nguyễn Hữu Huân, trước đây có tên là phố Bạch Thái Bưởi. Khi tên phố đổi, cái ngõ cũng phải đổi tên theo, Bạch Thái Bưởi chỉ còn là kỷ niệm trong lòng người Hà Nội.

Phố Nguyễn Hữu Huân nằm gọn trong khu phố cổ. Nguyên lòng phố Nguyễn Hữu Huân nay phẳng lỳ, thẳng tắp, nằm sâu trong lòng đất Hà Nội chứ khoảng trăm năm trước, đây còn là bờ sông, con đê chắn sóng còn nằm trên lòng con đường ngày nay.

Nguyễn Hữu Huân là ai? Đó là thủ khoa Huân, người làng Tịnh Hà, tỉnh Định Tường thuộc tỉnh Tiền Giang thuộc Nam Bộ. Ông thi đỗ thủ khoa năm 1853, nên ông mang thêm tên Thủ Khoa Huân.

Ông là một trong những người dấy binh chống Pháp oanh liệt một thời gian dài trên đất Nam Bộ bị bắt nhiều lần, bị đày sang đảo Reunion, ông vẫn không chịu khuất phục. Năm 1875, chúng bắt lại, tuyên án tử hình, ông tự cắn lưỡi chết không chịu để Pháp chặt đầu. Ông cũng để lại nhiều áng văn thơ giá trị, còn trong nhiều tuyển tập do đời sau sưu tầm.

Đi trên hè phố Nguyễn Hữu Huân, cứ mang máng nhớ đây là phố Bắc Ninh xưa. Hàng cây xà cừ lực lưỡng mới trồng mấy chục năm nay, loáng thoáng reo vui, bóng lá thưa thớt chỉ đủ cho gió lướt qua nhè nhè, mà mình hình dung ra lơ thơ dòng nước sông Cầu, phảng phất tiếng ca quan họ, thấp thoáng tá áo đổi vai của liền chị ngày xuân cùng cái ô anh hai dùng dằng người ở...

Không hiểu trên các thành phố, thị xã khác, có nơi nào có phố mang tên phố Hà Nội? Phố ấy dài ngắn ra sao, nắng mưa thế nào, người và cây, nhà và hàng họ có những gì? Còn Hà Nội, đã gom góp bao nhiêu tinh hoa của cả trăm vùng đất nước vào lòng, dù chỉ là thưa thoáng dăm ba, dù chỉ là bước đầu hội tụ. Phố Bắc Ninh-Nguyễn Hữu Huân là một trong số đó./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark