27/05/2010 | 15:58:00

Phố Quốc Tử Giám

Đường phố Quốc Tử Giám (Nguồn: 1.000 năm Thăng Long)

Hà Nội nổi tiếng với khu phố cổ là nơi hội tụ 36 phố phường, có bề dày gần một ngàn năm lịch sử, là một khu đô thị tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán…

Hà Nội cũng có một phố mang đậm trong mình những dấu ấn lịch sử nhưng không giao thương, sầm uất mà nổi tiếng là nơi hội tụ tinh hoa giáo dục của Thăng Long xưa, mang tên trường đại học đầu tiên của Việt Nam (1076-1802), đó là phố Quốc Tử Giám.

Phố Quốc Tử Giám dài 600m, nối từ phố Ngô Sĩ Liên, qua cổng Văn Miếu-Quốc Tử Giám đến phố Tôn Đức Thắng. Đây nguyên là đất các thôn Ngự Sử, Thanh Ngô, Minh Triết, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Ngày nay, phố Quốc Tử Giám thuộc các phường Văn Chương, Văn Miếu, Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội.

Thời Pháp thuộc có tên gọi là đường 238. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 được đổi tên thành phố Quốc Tử Giám.

Quốc Tử Giám thực sự là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Vào năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, lập nên kinh đô Thăng Long, để củng cố, xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ và hưng thịnh cần phải có hệ thống triết học làm nền tảng và một nền giáo dục tiên tiến.

Xác định rõ tầm quan trọng về đào tạo nhân tài cho tương lai, năm 1076 vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám là trường quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam.

Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là Quốc Tử). Năm Nguyên Phong thứ ba (1253), vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện mở rộng và thu nhận cả con cái thường dân có sức học xuất sắc vào học. Quốc Tử Giám đã hoạt động hơn 700 năm đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước.

Phố Quốc Tử Giám nằm ở trung tâm Thủ đô có mật độ dân số đông, trình độ văn hóa cao, đời sống kinh tế phát triển, hoạt động tham quan du lịch sôi động. Đó là những thuận lợi cho các trung tâm trong việc tổ chức phục vụ tham quan du lịch, văn hóa và phát huy giá trị các di tích lịch sử ở Hà Nội.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng, độc đáo và phong phú của Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, nằm ở phía nam kinh thành Thăng Long. Bốn mặt đều là phố, cổng chính là phố Quốc Tử Giám (phía Nam), phía Bắc là phố Nguyễn Thái Học, phía Tây là phố Tôn Đức Thắng, phía Đông là phố Văn Miếu.

Quần thể kiến trúc này nằm trên diện tích hơn 54.330m2 bao gồm hồ Văn, khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám và vườn Giám mà kiến trúc chủ thể là Văn Miếu nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám.

Phía Nam, trước mặt Văn Miếu cắt ngang đường phố Quốc Tử Giám là hồ Minh Đường hay hồ Văn dân gian thường gọi là hồ Giám.

Ngày nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi tham quan của đông đảo du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là nơi tổ chức Đêm thơ Việt Nam (vào Rằm tháng Giêng Âm lịch hàng năm), là nơi tôn vinh những học sinh xuất sắc, những nhân tài có những đóng góp cho nền học vấn nước nhà và cũng là một địa điểm tâm linh, nơi các sĩ tử đến “cầu may” trước mỗi kì thi.

Ngày 7/4 vừa qua tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779). Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở thành một trong những biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, tinh hoa của văn hóa dân tộc, niềm tự hào của người Hà Nội hôm nay và mai sau, là tài sản quý giá của quốc gia, cần được lưu giữ, tu bổ, tôn tạo.

Ngoài ra, nằm sâu trong một con ngõ nhỏ Lương Sử của phố Quốc Tử Giám có đền thờ Thái úy Phạm Cự Lượng. Đời vua Lý Thái Tông (1028-1054) giao cho Bộ Lễ viết sắc phong: “Thần Phạm Cự Lượng làm Hoành Thánh Đại Vương.”

Phạm Cự Lượng ( 944-984 ) là người đất Chí Linh xưa, nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông sống trong một gia đình có truyền thống võ nghệ. Ngay từ nhỏ Phạm Cự Lượng đã tỏ rõ tư chất thông minh, có chí lớn, văn võ đều thấu hiểu.

Ông là người chỉ huy lực lượng thủy quân tài ba, đã chặn đánh quân Tống khắp vùng ven biển đông bắc và đại thắng Chiêm Thành tại Đông Dương (kinh đô Chiêm Thành) năm Nhâm Ngọ (982).

Sinh thời, ngoài việc giỏi điều binh khiển tướng, Phạm Cự Lượng còn được các tướng lĩnh và quan lại của triều đình cũng như trăm họ kính trọng và quý mến bởi sự thanh liêm, chính trực của ông. Nhiều triều đại về sau đã phong ông là Thượng Đẳng Thần để thờ phụng và hương khói.

Ngoài những di tích nổi tiếng, phố Quốc Tử Giám còn có nhiều trụ sở của các cơ quan Nhà nước như Viện Chiến lược phát triển, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Đầu tư xây dựng Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam đều rất khang trang, hiện đại.

Phố Quốc Tử Giám là một địa điểm thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước nên có nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng như khách sạn Văn Miếu, khách sạn Holidays để phục vụ du khách.

Chỉ còn hơn 100 ngày nữa, Thăng Long-Hà Nội tròn 1.000 tuổi, phố Quốc Tử Giám nói riêng và toàn Thành phố nói chung đang nỗ lực, phấn đấu, đẩy mạnh các công việc chỉnh trang đường phố, di tích… sao cho đẹp nhất để chào mừng ngày Đại lễ xứng tầm với Thủ đô ngàn tuổi./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark