24/11/2012 | 10:51:00

Phục trang sân khấu Tuồng ở Hà Nội

Hát bội là tên cổ nhất. Nó còn có tên là hát bộ và ở miền Bắc phổ biến gọi là tuồng. Trang phục sân khấu Tuồng có trang phục, mặt nạ, mũ mão, râu ria, hia hài v.v…

Phục trang của các nhân vật Tuồng dựa theo kiểu phục trang của vua quan trong triều nếu là các vai vua quan hoặc theo kiểu phục trang của dân dã nếu là người bình thường. Nói chung loại nào cũng được tỉa tót cách điệu cho thêm phần thẩm mỹ. Vua, mặc long bào màu vàng có thêu hình rồng năm móng. Cá quan tứ trụ triều đình thì mặc “mãng”. Mãng màu đỏ nếu là quan võ già, trung chính. Mãng màu tía nếu là Thái sư. Riêng mãng màu vàng vua cũng thừng mặc. Nịnh thần thì thường mặc mãng màu đen. Áo bố tử màu tía là áo của Thái giám, trước ngực có miếng bố tử hình vuông. Quan văn, quan võ mặc Long chấn, tay chẽn có thêu hình rồng hoặ hổ báo trên ngực, nửa thân trước bên dưới xẻ giữa thường thêu đường vân gợn sóng hoặc hình dãy núi, hình cỏ hoa, tuy từng nhân vật. Áo giáp là áo của các tướng ra trận, tay chẽn, hai vai có hai miếng chắn, trước ngực và từ thắt lưng trở xuống là những tấm vải dày để bảo vệ cơ thể, thường có thêu hình đầu thú ở ngực và thêu hình con hổ ở miếng vải bên dưới. Màu sắc của áo giúp khác nhau tùy từng nhân vật võ tướng nhưng mặc áo giáp thì phải giắt cờ lệnh tiễn phía sau lưng ló lên hai vai. Áo sỹ thì tay áo rộng màu đen hay lam, không thêu. Áo sỹ dùng cho học trò và cả những ông quan về hưu trong cảnh nghèo. Cung trang là áo của các cung tần trong triều. Còn “đai” thị dùng để đeo quanh bụng bên ngoài mãng, bào. Vua dùng đai màu vàng, quan dùng đai màu đỏ hoặc xanh.

Mão – mũ hay nói rộng ra những vật dụng đội đầu thì trong hát bội, nhân vật nào cũng dùng, từ vua chúa, quan lại, hoàng hậu, tiểu thư đến nho sinh, nhà sư, lão nông, thiếu nữ, trẻ em…Mỗi loại nhân vật có một kiểu mão riêng. Vua thì đội mão Cửu long, đính 9 con chim phụng. Mũ cửu phụng có khi nữa chúa, công chúa cũng dùng. Mão kim khôi là của những vai tướng ra trận. Nếu tướng phản diện thì kim khôi là màu đen như Tạ Ôn Đình hoặc màu đỏ như Võ Tam Tư. Nếu tướng chính diện thì kim khối màu xanh như Triệu Tử Long hoặc màu trắng như Lã Bố. Quan văn quan võ dùng cùng một kiểu mão. Mão quan văn màu đỏ gọi là Văn đường cân như Kim Lân, Đào Phi Phụng. Mão quan võ màu đen gọi là Võ đường cân như Khương Linh Tá, Địch Thanh. Mão bình thiên màu đỏ, đỉnh mão bằng và vuông thương dùng cho Thái sư cả chính diện như Thái sư Văn Trọng lẫn phản diện như Thái sư Triệu Văn Hoán, Tạ Thiên Lãng. Riêng Tạ Ôn Đình không phải là Thái sư cũng đội mũ bình thiên nhưng màu đen.

Mão thẻ ngang (vì ở hai bên tai có hai cái thẻ ngang) thì dùng cho các quan văn già, trung thần như Bao Công, Lý Khắc Minh. Bao đảnh dùng để bao búi tóc trên đầu của các công tử. Người ta còn có thêm mão thiết mạo mão Tf lư của nhà sư, mão Gia lễ của nho sinh. Lại còn Khăn đầu rìu của nông phu, khăn xéo – khăn chít buộc tóc đuôi gà của thiếu nữ.

Râu ria – Trong hát bội, nhân vật tuổi từ trung niên trở nên thường mang râu không kể chính diện nay phải diện. Nhưng nhân vật nào mang loại râu gì thì phụ thuộc vào tính cách của nó. Nhân vật chính diện nói chung mang râu đen đài, già thì mang dâu bạc dài. Võ tướng già mang râu liên tu bạc. Râu ba chòm đen dài cũng dùng cho một số võ tướng có cốt cách văn thần như Đổng Kim Lân, Đào Phi Phụng. Râu ba chòm bạc dài dùng cho những văn thần già như Vương Doãn, Đào Công (cha của Đào Phi Phụng). Râu ba chòm ngắn dùng cho lão tiều. Râu quăn dùng cho những nhân vật nóng nảy như Trương Phi, Châu Thương. Râu ria đen dùng cho những tên loạn thần như Triệu Văn Hoán, Tạ Thiên Lăng. Râu ria bạc trái lại dùng cho những trung thần khí khái như Tạ Ngọc Lân, Thái sư Văn Trọng. Râu ria đỏ chỉ thấy dùng cho mỗi nhân vật Ngô Tôn Quyền.

Hia – là một thức giày dùng cho các nhân vật nam của nghệ thuật Tuồng. Hia cổ đứng có đế cong hình bán nguyệt. Phần chạm đất của hia nhiều khi chỉ vài phân. Đi hia cong đi trên quả cầu tròn, khó đi, phải luyện tập nhiều mới thoải mái được. Nhưng khi đã dùng thành thạo đôi hia rồi thì nó lại giúp diễn viên biểu diễn rất linh hoạt. Trong tuồng nhân vật rơi vào tình huống bi kịch thì thường dùng chân hia để bê, xiết thể hiện nội tâm như trường hợp Hoàng Phi Hổ lăn trướng, Đổng Kim Lân biệt mẹ, Kim Lân thượng thành, Triệu Đình Long thả con xuống sông.

Hóa trang kiểu mặt nạ - Tuồng là nghệ thuật biểu hiện mang tính ước lệ, tượng trưng, cách điệu cao. Những người diễn viên vẽ lên mặt mình những bộ mặt như hình mặt nạ tượng trưng cho những loại nhân vật khác nhau. Màu sắc dùng để hóa trang phổ biến là màu trắng hồng. Màu đỏ và màu mốc (trắng bợt). Mặt trắng hồng là kép văn chính diện. Mặt màu đỏ là kép văn pha võ, màu mốc là loại nịnh xun xoe còn loại nịnh thâm độc thì mặt đỏ bầm. Màu đen ít dùng. Mặt đen đậm chỉ có Bao Công, đen nhạt chỉ có Uất Trì Cung và màu đen sãm (màu da cam) chỉ có nhân vật ngư phủ.

Đạo cụ có tính ước lệ như roi ngựa. Các loại vũ khí dùng tùy tính cách nhân vật và phải hài hòa với trang phục, giúp cho động tác mua thêm phần thẩm mỹ. Vai nữ tướng thường dùng song kiếm. Vai kép thì dùng trường thương. Kép núi dùng Độc phủ, Kép con dùng Song chày. Vai tướng phiên hay dùng đại đao còn các tướng khác hay dùng Kích. Kim giản vua ban thì Thái sư, đại thần mới có, mới dùng. Ngoài ra còn theo gợi ý của các pho sử chuyện.

Tóm lại “Văn hóa xét về mặt biểu hiện là một hiện tượng xã hội, ở đây cái mới thắng cái cũ bằng cách chứng minh tính thích hợp của nó với hoàn cảnh hiện tại: quần áo, đầu tóc, lối sống người Việt hiện nay rất khác trước đây một trăm năm, và về căn bản là được Âu hóa mà chẳng cần đến một sắc lệnh nào hết” (Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới – Phan Ngọc). Quần áo tân thời “cái mới”, đã thắng “cái cũ” – áo tứ thân – năm thân Tố nữ. Cũng như Âu phục đã thây thế Nam phục “để chứng minh tính thích hợp của nó với hoàn cảnh lịch sử” những năm 30 đang Âu hóa, văn hóa xã hội đang chuyển bước từ cận đại sang hiện đại.

“Thắng cái cũ”, thay thế cái cũ nhưng vẫn kế thừa tinh hoa của cái cũ như tà áo dài Việt Nam ngày nay rất hiện đại nhưng vẫn là áo dài truyền thống tự ngàn xưa. Cốt cách truyền thống trong phục trang Việt Nam – Hà Nội ngày nay chính nó vừa mang cái “dấu ấn của một thể cộng đồng” ngày xưa lại vừa mang “dấu ấn của một thể cộng đồng” ngày nay. “Văn hóa là dấu ấn của một cộng đồng lên mọi hiện tượng tinh thần, vật chất, mọi sản phẩm” kể cả trang phục Hà Nội – Việt Nam./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark