22/11/2012 | 11:25:00

Văn hóa chung nơi công cộng ở Hà Nội

Hơn nửa thế kỷ trước, đi ra đường hay ở nơi công cộng người ta dễ dàng nhận ra ngay ai là người Hà Nội. Đó là qua lăng kính tổng quan về một con người với cách ăn mặc, dáng đi đứng, lời nói và lối giao tiếp, ứng xử của họ.

Trước hết là trang phục, ai cũng nghiêm túc, đĩnh đạc. Không có phụ nữ mặc áo cộc ra đường. Tất cả đều mặc áo dài, dù chỉ là tấm áo tứ thân đã đối vai, thắt vạt buông lỏng phía trước của bà bán hàng rong, người giúp việc trong nhà…

Các bà ký, bà phán, nhà buôn thì áo dài gấm, the sang trọng. Các cô học sinh phấp phới tà áo trắng Hà Đông, cũng không ai đi đất. Xoàng ra cũng có đôi guốc mộc xỏ quai da láng, người lao động nặng nhọc xỏ chân vào dép cắt ra từ tấm da trâu thuộc sống dày như cái mo cau. Vấn khăn trên đầu, không ai để tóc buông thả lòa xòa mà không có cặp tóc hoặc dây nơ buộc lại cho gọn.

Đàn ông khăn xếp, áo dài lương hoặc phin đen, quần trắng lá tọa, chân đi giày láng Gia Định hoặc dép cao su trắng. Công chức, nhà buôn tân tiến mặc âu phục chỉnh tề với đủ ca vát hay nơ đen ở cổ, giày tây mõm ngóe.

Họ đi đứng chững chạc, khoan thai, không hấp tấp, vội vã, nhường nhịn nhau lên tàu xe, nhường chỗ cho người già, phụ nữ, trẻ em… như một điều tự nhiên không phải ai nhắc nhở.

Họ nói những lời tế nhị, thanh lịch, không xô bồ, “thô thiển”. Đặc biệt ở họ, các từ “cảm ơn, xin lỗi” như đã thành lời cửa miệng.

Xin lỗi, ông xem giúp tôi mấy giờ rồi ạ?

Xin lỗi bà, chuyến tàu chiều nay chạy vào lúc nào?

Thưa bà, bà có thể cho phép tôi hút điếu thuốc được không ạ? Xin cảm ơn bà.

Do vô ý lỡ va vào nhau, cả hai cùng ngỏ lời xin lỗi thì còn đâu câu chuyện sinh sự nữa. Họ luôn có ý thức tìm cách diễn đạt, không dùng từ thô.

Thôi chết, cháu bé nhà tôi “bậy” ra mất rồi! bác có biết nhà vệ sinh ở phía nào để tôi đem cháu vào lau rửa?

Tôi mới biết tin cụ nhà mới “về” với tiên tổ, thật không phải là chưa lên nhà thắp nén hương kính viếng cụ và chia buồn với gia đình, mong ông bà tha thứ cho sự thiếu sót của chúng tôi.

Hỏi ai điều gì họ đều thưa gửi, không nói trống không hoặc dùng cử chỉ thay lời. Thí dụ: cầm điếu thuốc vẩy vẩy trên tay rồi hất hàm thay cho xin lửa; chìa cổ tay ra hiệu hỏi giờ. Như vậy là bất lịch sự, phải có lời nhã nhặn. Thưa ông, ông làm ơn cho biết đã mấy giờ rồi?

Đến với đám tang là để “chia buồn” thì không nên mặc trang phục màu sắc lòe loẹt, hoa sặc sỡ, không nên nói to, gọi nhau í ới hoặc vô ý cười đùa gây phản cảm cho những người đến viếng.

Đến dự đám cưới là tiệc vui nhưng cũng cần vui đúng mức, đừng có cử chỉ đùa cợt nhả, hò hét la lối om sòm, đừng rượu quá chén đến say bí tỉ, nói năng lung tung làm trò cười cho thiên hạ.

Trong công viên, vườn hoa công cộng nên có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quan tươi đẹp chốn danh lam. Tham quan di tích cần lắng nghe lời hướng dẫn viên giới thiệu để có thể thu hoạch thêm dù chỉ một chi tiết chưa biết. Chỉ những người kém thông minh mới cho rằng cái gì mình cũng biết cả rồi. Tôn trọng nội quy của nơi trưng bày là việc làm cần thiết. Không tự ý viết, gạch đè lên chữ văn bia, ký tên lên tường, lên vách núi. Dù mỏi chân cũng tìm chỗ khác nghỉ, chứ không được ngồi lên đầu rùa đá đội bia. Không bẻ cành cây, cành hoa ở chùa, đền để “xin lộc”. Cũng đừng mê tín nghe lời tán đoán thẻ, dâng sớ giải hạn, đốt vàng mã, xin âm dương, xem tướng số… đến với Phật, với Thánh thần là để cầu an, cầu phúc, để lòng người thanh thản trước bon chen của cuộc sống, để hướng thiện, chứ ai cũng xin phú quý, giàu sang thì đâu còn người nghèo khó. Nơi công cộng chính là chỗ bộc lộ mình, thể hiện tính cách, lối sống và hành vi ứng xử của mỗi con người. Cũng vì vậy mà ở nơi công cộng, người ta nhận ra ngay ai là người Hà Nội.

Ngày trước là thế và bây giờ cũng vẫn còn là thế, tuy sự pha tạp và giao thoa giữa các thời đại đã làm cho con người sống ở thủ đô có nhiều thay đổi khác xưa. Người ta ăn mặc tùy tiện phóng túng hơn, người ta nói năng tự nhiên không mất công tìm lời hay ý đẹp như trước, người ta ứng xử với nhau bằng lý hơn là bằng tình, người ta cho phép lịch sự ngày xưa là hoa hòe, hoa sói.

Chúng ta nghĩ gì trước sự nhận định này? Cả người Hà Nội gốc đang muốn giữ lại cái đẹp thanh lịch hào hoa của một thời và người đang là công dân của Hà Nội vốn từ tứ trấn đến muốn được gọi là người Hà Nội với đúng nghĩa của nó.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark