02/03/2012 | 14:56:00

Các đường phố Hà Nội theo vần L (phần 3)

LÊ THANH NGHỊ

Phố: dài 1km, từ phố Bạch Mai, chỗ ngã tư với phố Thanh Nhàn, chạy qua khu Đại học Bách Khoa đến đường Giải Phóng.

Đất phường Hồng Mai và xã Phương Liệt trước đây, nay thuộc các phường Bạch Mai, Bách Khoa và Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng. Phố mới mở vào năm cuối thế kỷ XX và được đặt tên này tháng l-2002.

Lê Thanh Nghị (1911 -1989): tên chính là Nguyễn Khắc Xứng, người làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, làm thợ điện ở Hải Phòng, Hòn Gai. Năm 1928 tham gia đấu tranh của công nhân mỏ, vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. 1930 bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. 1936 ra tù, xây dựng nghiệp đoàn ở Hà Nội, được cử vào Thành ủy, công tác ở Xứ ủy Bắc Kỳ. 1940 lại bị bắt đày đi Sơn La. Đầu năm 1945 về Hà Nội tham gia Thường vụ Xứ ủy, Ủy ban quân sự Bắc Kỳ, chỉ đạo chiến khu II.

Sau Cách mạng, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng: lãnh đạo liên khu III, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II, Ủy viên Bộ Chính trị (1956 - 1976), khoá III, khoá IV, phụ trách Ban Công nghiệp và Thường trực Ban Bí thư, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước. Ông là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VI.

LÊ THÁNH TÔNG

Phố: dài gần 560m; từ quảng trường Cách mạng Tháng Tám trước mặt nhà hát Thành phố, đến phố Trần Hưng Đạo, chỗ ngã năm với phố Hàn Thuyên, Trần Thánh Tông... Vốn là bức tường bao phía đông toà thành đất của Thăng Long xưa.

Nay thuộc phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là đại lộ Bôbiô (Boulevard Bobillot).

Lê Thánh Tông (1442 -1497): tên thật là Tư Thành, con thứ tư của vua Lê Thái Tông với bà phi Ngô Thị Ngọc Dao, sinh ra ở điện Huy Văn, sau được đưa lên làm vua, mở ra thời Hồng Đức thịnh trị nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Ông cho lập bia tiến sĩ ở Văn Miếu, vẽ bản đồ cả nước, làm quốc sử, thực hiện các chính sách khuyến nông, khuyến học. Ông còn là nhà thơ, chủ súy hội thơ Tao Đàn nổi tiếng, để lại nhiều thơ chữ Hán, Nôm được truyền tụng. Ông làm vua được 38 năm.

LÊ TRỌNG TẤN

Phố: dài 900m; từ đường Trường Chinh - cạnh Bảo tàng Không quân - đi bên đường băng sân bay Bạch Mai cũ vào tới hết khu vực sân bay, gặp đường bờ tây sông Lừ.

Đất phường Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ và làng Khương Trung, huyện Thanh Trì. Năm 1920, thực dân Pháp lập sân bay quân sự trên cánh đồng Khương Trung. Sau hoà bình, sân bay thu hẹp dần, đất trở thành phố của các gia đình bộ đội. Có 26 ngõ từ phố này rẽ vào các khu nhà ở.

Nay thuộc phường Khương Mai, quận Thanh Xuân.

Trước khi có tên chính thức, dân tự đặt là đường Sân Bay.

Tên mới đặt tháng 1-1998.

Lê Trọng Tấn (1914 -1986): Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, người xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Đông, Hà Nội). Ông sinh trong một gia đình nhà nho yêu nước, hoạt động cách mạng từ 1944, tham gia khởi nghĩa ở Hà Đông 8-1945. Trong kháng chiến chống Pháp từng chỉ huy khu 14, liên khu 10, giải phóng Đông Khê, Biên giới, Điện Biên Phủ. 1958 là Hiệu trưởng trường Sĩ quan Lục quân. 1961 là Thiếu tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng. 1964 vào Nam là Phó tư lệnh các lực lượng vũ trang miền Nam. 1975 tham gia chỉ huy giải phóng Huế - Đà Nẵng, Tư lệnh cánh quân phía đông giải phóng Sài Gòn. 1984 là Đại tướng. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, Thường vụ Đảng ủy quân sự Trung ương. Mất ngày 5 -12-1986. Một đại tướng tài đức được quân đội và nhân dân tin yêu.

LÊ TRỰC

Phố: dài gần 200m; từ phố Sơn Tây đến phố Nguyễn Thái Học.

Đất cũ của đồn Hữu Quân, thôn Thanh Ninh, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận.

Nay thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình.

Góc vườn hoa giáp phố Sơn Tây có chùa Am Cây Đề còn gọi Thanh Ninh tự. Di tích xếp hạng năm 1989. Một máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Hà Nội đã bị bắn rơi ở đây ngày 19 tháng 5 năm 1967.

Thời Pháp thuộc là phố Tướng Lơbơloa (rue Général Lebloie).

Từ sau Cách mạng mang tên này.

Lê Trực (Thế kỷ XIX): người làng Thanh Thủy, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. 1882 làm Đề đốc Hà Nội, bị Pháp đánh thành, ông không giữ được Cửa Tây, phải rút quân lên Sơn Tây và bị triệu hồi. Sau tham gia phong trào Cần Vương, cùng Nguyễn Phạm Tuân khởi binh ở Quảng Bình cho đến khi vua Hàm Nghi bị bắt (1888), ông giải tán nghĩa binh, lui về sống ẩn ở quê nhà.

LÊ VĂN HƯU

Phố: dài hơn 360m; từ ngã năm Lò Đúc đến ngã tư phố Huế - Nguyễn Du, cắt ngang phố Ngô Thì Nhậm.

Đất thôn Tràng Khánh, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc gọi phố Lavơlăng (rue Laveran).

Từ sau Cách mạng mang tên này.

Ngõ: Trong phố có 3 ngõ cùng tên:

- Ngõ Lê Văn Hưu 1: cạnh số nhà 12 rẽ vào, có tên cũ là xóm Bảo Hưng (cité Bảo Hưng).

- Ngõ Lê Văn Hưu 2: cạnh số 61 rẽ vào, trước có tên xóm Khang An (cité Khang An).

Ngõ Lê Văn Hưu 3: cạnh số 88 rẽ vào, thời Pháp thuộc là xóm Tràng Khánh (cité Tràng Khánh), sau Cách mạng đổi tên là ngõ Cổ Am.

Lê Văn Hưu (1230 -1322): nhà văn hoá, nhà sử học nổi tiếng. Ông người làng phủ Lý Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Đỗ bảng nhãn năm 1247, làm Thị độc Hàn lâm viện, Giám tu Quốc sử quán, Thượng thư bộ Binh. Ông từng là thầy dạy học của Trần Quang Khải. Tác giả nhiều tác phẩm, trong đó có bộ lịch sử: Đại Việt sử ký - biên soạn lần đầu ở nước ta (1272) đời Trần Thánh Tông.

LÊ VĂN LINH

Phố: dài 65m; từ phố Phùng Hưng đến phố Lý Nam Đế.

Vốn là dãy hào chạy dọc tường phía đông thành cổ, bị lấp đi.

Nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Tướng Nôgrét (Rue Général Nogrès).

Lê Văn Linh (1377 - 1448): người xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá; có tài văn chương, theo Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn. Ông là một trong những công thần mở nước ở triều Lê.

LÊ VĂN LƯƠNG

Đường: dài 1,52km; từ cầu Hòa Mục nối phố Láng Hạ đến đường Khuất Duy Tiến.

Đất xã Trung Hòa và xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm trước đây.

Nay là phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Tên mới đặt tháng 8-2005.

Lê Văn Lương (1914 - 1996): tên thật là Nguyễn Công Miều, một cán bộ cách mạng tiền bối. Ông sinh ra trong một gia đình nho học ở Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên. 1927 gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, 1930 vào Đảng Cộng sản, 1931 ông bị Pháp bắt kết án tử hình, nhờ can thiệp của Quốc tế đỏ, được giảm xuống khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo, ông tiếp tục đấu tranh, được cử vào Đảng bộ nhà tù. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông về Nam Bộ, tham gia Ủy viên dự khuyết Xứ ủy. Đầu năm 1946, ông ra Hà Nội phụ trách báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật. Ông lần lượt giữ các chức vụ sau: năm 1947, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 1948, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Giám đốc trường Nguyễn Ái Quốc; 1951, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; 1954, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; 1976, Ủy viên Bộ Chính trí, Bí thư Thành ủy Hà Nội ba khóa liền (1976 -1985), được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng. Ông là em nhà văn Nguyễn Công Hoan.

LÊ VĂN THIÊM

Phố: dài 700m, từ đường Lê Văn Lương đến số 27 đường Nguyễn Huy Tưởng, phường Nhân Chính và Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Tên mới đặt:12-2006.

Lê Văn Thiêm (1918 -1991) sinh tại xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông là người Việt đầu tiên đỗ tiến sĩ toán ở Pháp và làm giáo sư toán ở Đại học Zurích, Thụy Sĩ (1948). 1949, ông về nước tham gia kháng chiến theo lời khuyên của Hồ Chủ tịch, ra Việt Bắc lập trường Khoa học cơ bản, trường Sư phạm cao cấp và là hiệu trưởng hai trường này. Từ 1954, ông là Giám đốc trường Đại học Sư phạm khoa học Hà Nội rồi lần lượt là Hiệu phó trường Đại học tổng hợp Hà Nội kiêm Chủ nhiệm khoa toán, thành lập và làm Viện trưởng Viện Toán học. Ông là tác giả của trên 30 công trình khoa học về toán lý được trong nước và quốc tế công nhận. Giáo sư Lê Văn Thiêm còn là đại biểu Quốc hội khoá II và III, Ủy viên Ủy ban Khoa học nhà nước, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam. Năm 1996, ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

LỆ MẬT

Phố: dài 800m; từ Công ty Minco qua Ủy ban nhân dân phường Việt Hưng đến chùa Lệ Mật. Đất xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm trước. Nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên. Tên mới đặt tháng 8-2005.

Lệ Mật là một làng thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh trước Cách mạng. Sau nhập 4 làng: Kim Quan Thượng, Ô Cách, Trường Lâm, Lệ Mật lập thành xã Việt Hưng. 1961 nhập vào ngoại thành Hà Nội. Năm 2004 lập quận Long Biên, Việt Hưng trở thành phường. Làng cổ Lệ Mật có từ thời Lý, thờ dũng sĩ họ Hoàng vốn là người làng, có công vớt được xác công chúa con vua Lý Nhân Tông chết đuối ở sông Thiên Đức, sau được vua cho phép đem dân làng sang kinh thành lập nên Thập tam trại ở phía tây Thăng Long. Đình Lệ Mật đã được xếp hạng di tích quốc gia, hàng năm mở hội ngày 23 tháng 3 âm lịch, có tục múa rắn nhắc lại chiến công xưa của dũng sĩ họ Hoàng.

LỆNH CƯ

Ngõ: ở phố Khâm Thiên, cạnh số nhà 127 rẽ vào, có lối thông sang ngõ Thổ Quan.

Đất thôn Quan Trạm, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc phường Thổ Quan, quận Đống Đa.

Nguồn gốc lên này do trong ngõ có khu “Ống Lệnh”, tương truyền là nơi phát lệnh chiến đấu của ba tướng họ Đào, thời Hai Bà Trưng chống quân Hán.

Thời Pháp thuộc còn có tên là ngõ Đội Khánh, tên một người có nhiều nhà đất ở đây.

LIÊN HOA

Ngõ: ở phố Khâm Thiên (cạnh số nhà 142 rẽ vào), mang tên ngôi chùa Liên Hoa (tên chữ là Thiên Bảo tự) ở trong ngõ, thông sang ngõ Văn Chương.

Đất thôn Linh quang, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Khâm Thiên, quận Đống Đa.

LIÊN MẠC

Đường: dài 3,5 m; là đoạn đường đê hữu ngạn sông Hồng từ cống Chèm, xã Thụy Phương, đến dốc Kẻ trên địa bàn xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm. Tên mới đặt 2007.

Liên Mạc có 3 thôn: Đại Cát, Hoàng Liên và Yên Nội, nằm cạnh sông Hồng bên hữu ngạn. Trước 1945 thuộc tổng Hạ Trì, phủ Hoài Đức, Hà Đông. Sau là xã Tân Tiến, huyện Đan Phượng. 1961 nhập vào huyện Từ Liêm, Hà Nội. 1964 đổi tên là xã Liên Mạc.

LIÊN TRÌ

Phố: dài 250m; từ phố Nguyễn Du (cạnh phía bắc hồ Thiền Quang rẽ vào), cắt ngang các phố Nguyễn Gia Thiều, Trần Quốc Toản. Phố cộc, có một ngách ngang ngắn. Mang tên ngôi chùa xưa ở đây, nay không còn. Đất thôn Liên Thủy, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là hai phố, Ngõ:

- Đoạn đầu (đến Trần Quốc Toản): phố Barôna (rue Barona).

- Đoạn cộc vào trong: ngõ Trạng Trình.

Sau Cách mạng lấy tên này.

Ngõ: ở cuối phố Liên Trì, đoạn đường nhỏ hơn, ngõ cộc./.

(Còn tiếp)

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark