24/06/2010 | 15:52:10

Đường Xuân Thủy

Đường Xuân Thủy. (Ảnh: Nghìn năm Thăng Long)

Mang tên nhà chính trị - ngoại giao, nhà thơ, nhà báo của dân tộc, đường Xuân Thủy dài 1,5km, bắt đầu từ ngã ba đường Cầu Giấy-Nguyễn Phong Sắc tới ngã tư đoạn giao với ba con đường lớn: Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu.

Đường Xuân Thủy đi qua làng Vòng - một làng cổ của Hà Nội, có nghề làm món cốm ngon nổi tiếng. Làng Vòng có bốn thôn Vòng Tiền, Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Trung nhưng chỉ có hai thôn Vòng Hậu và Vòng Sở là làm cốm ngon.

Cốm làng Vòng được làm từ nếp cái hoa vàng - một loại nếp có hương vị rất thơm ngon. Vào tháng bảy âm lịch hàng năm, ấy là lúc lúa khom ngọn, bông bắt đầu vào hạt, hạt dẻo và thơm mùi sữa, lúa được gặt từ ngoài đồng về, tuốt lấy hạt, đãi sạch, sau đó cho vào chảo rang. Lúa rang xong đem giã đều tay, khi vỏ thóc tách ra hết đem đi sàng sảy lọc lấy những thân cốm xanh non. Cốm giã xong được gói trong lá sen xanh, đem đi bán.

Cốm làng Vòng là sự chắt lọc tinh hoa của trời đất, dưới bàn tay khéo léo của con người, trở thành món ăn tao nhã nổi tiếng của người Tràng An.

Con đường đi qua làng Vòng xưa chỉ là con đường nhỏ, thuộc ngoại thành Hà Nội. Cảnh quan địa thế nơi đây mang đậm nét của vùng quê chiêm trũng với những ngôi nhà mái ngói thâm nâu, những cánh đồng lúa xanh bát ngát, con đường đất dẫn vào các thôn làng Vòng mưa ngập bùn, không rõ lối đi.

Những năm gần đây, người dân đổ về Hà Nội ngày một đông, đất đai trở lên chật hẹp, cánh đồng của làng Vòng cũng như nhiều làng quê khác dần bị thu hẹp nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, nhiều dự án mới.

Chỉ sau vài năm, làng trở thành phố, đường Xuân Thủy đã mang dáng dấp của con phố hiện đại. Con đường nhỏ bé, lầy lội năm xưa nay đã là tuyến đường lớn, ngày ngày tấp nập người xe ngược xuôi. Hai bên đường san sát cửa hàng, cửa hiệu; nhà máy, xí nghiệp, trường học… thi nhau mọc lên. Tuy chỉ dài hơn 1km nhưng đường Xuân Thủy có tới ba trường đại học và học viện danh tiếng (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư Phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Đặc biệt có ngôi trường Trung học phổ thông mang tên Bác (trường Nguyễn Tất Thành).

Đối lập hoàn toàn với không khí ồn ào, náo nhiệt của phố phường bên ngoài, có một không gian thật yên tĩnh, thanh tịch đó là nơi tọa lạc của ngôi chùa cổ (chùa Thánh Chúa) - một chứng tích văn hóa Thăng Long.

Cách đường Xuân Thủy khoảng 100m, nằm trong khuôn viên trường Đại học Quốc gia và Đại học Sư phạm Hà Nội, chùa Thánh Chúa được tọa lạc trên gò đất cao, bốn mùa cây cối bao phủ tỏa bóng mát. Chùa thờ Phật và nguyên phi Ỷ Lan.

Chùa Thánh Chúa có kiến trúc khá độc đáo. Chùa chính được thiết kế hình chữ “đinh," tiền đường bảy gian, đầu hồi bít đốc, bộ vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng," trên trang trí các hình “rồng, phượng, hổ, phù." Tam quan xây hai tầng, tầng trên có ba cửa tò vò treo chuông, khánh.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, bao biến cố của lịch sử, chùa Thánh Chúa đã phải trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Hiện trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như 77 pho tượng (trong đó có nhiều pho tượng mang phong cách thế kỉ 17), quả chuông làm bằng đồng thau niên hiệu Minh Mạng thứ chín (1828), khánh đồng nặng 125kg, niên hiệu Triệu Thị thứ năm (1845) và nhiều hoành phi, câu đối có giá trị.

Về lịch sử ngôi chùa, sách "Đại Việt sử ký toàn thư" tập một có chép: “Năm Chương Thánh Gia Khánh năm thứ năm (1064), bấy giờ vua Lý Thánh Tông (1052-1072) đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, sai tri hậu nội thần Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó, nguyên phi Ỷ Lan có mang sinh thái tử Càn Đức, sau này là vua Lý Nhân Tông."

Chùa có phong cảnh đẹp lại rất thanh tịch nên vua Lý Thánh Tông cùng nguyên phi Ỷ Lan thường hay lui tới nghỉ ngơi, vãn cảnh và nghiên cứu Phật pháp.

Sau này, trong suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Thánh Chúa là nơi tập kết của dân quân du kích và bộ đội địa phương tổ chức nhiều trận đánh thắng lợi. Chùa là trạm giao liên, là trụ sở của quận ủy Trấn Tây, là điểm liên lạc giữa quận ủy với thành ủy Hà Nội, vùng tạm chiếm và vùng tự do.

Cứ vào những ngày cuối tháng Giêng âm lịch, người Hà Nội cùng như khách thập phương lại nô nức về đây trảy hội. Trong những ngày này du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hoạt động văn hóa mang đậm chất nhân văn.

Không chỉ nổi tiếng với ngôi chùa có lịch sử hàng ngàn năm, đường Xuân Thủy còn là nơi thu hút rất nhiều bạn trẻ bởi những phiên chợ đêm sinh viên nhộn nhịp, đông vui. Chợ đêm sinh viên không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là điểm dạo chơi, hẹn hò lý tưởng của nhiều bạn trẻ./.

(Nghìn năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark