04/06/2010 | 16:22:00

Phố Xã Đàn

Phố Xã Đàn những ngày đầu xuân 2010. (Ảnh: 1.000 năm Thăng Long)

Đường phố Hà Nội ngày càng “thay da đổi thịt” như cô gái khoác trên mình chiếc áo mới. Nếu trước kia, nhiều đường phố trong các quận nội thành của Hà Nội là những con phố giăng mắc cửi, kẻ ô bàn cờ, đường phố ngắn và chật chội, thì Hà Nội ngày nay đổi mới, hiện đại với những đường phố to đẹp, nhiều làn đường cho xe cộ lưu thông. Xã Đàn là một trong những con phố như thế.

Phố Xã Đàn dài 1,5km là tuyến đường giao thông huyết mạch kéo dài từ ngã tư Đại Cồ Việt-Lê Duẩn-Đào Duy Anh đến ngã tư Ô Chợ Dừa. Phố có mặt cắt 50m với sáu làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ. Đây được coi là một trong những con đường hiện đại nhất của Hà Nội.

Phố Xã Đàn đi qua hai ngôi làng cổ của Hà Nội là làng Đồng Lầm và làng Xã Đàn.

Đồng Lầm có vải nâu non
Có hồ cá rộng có con sông dài

Người dân làng Đồng Lầm vốn có nghề nhuộm vải nâu non may áo dài phụ nữ. Hồ Đồng Lầm xưa, ngày nay là khu vực trường Đại học Bách Khoa. “Con sông dài” được nhắc đến trong câu ca dao chính là con sông Kim Ngưu vẫn uốn lượn quanh thành phố.

Phần chính của phố Xã Đàn chạy qua làng Xã Đàn. Làng Xã Đàn là một làng nằm ở phía nam đê La Thành, xưa kia chủ yếu là hồ ao, ruộng chỉ có chừng 50 mẫu, phần lớn là ruộng công.

Địa dư làng Xã Đàn khá rộng, phía Bắc là đường Khâm Thiên, phía Nam là Cống Đá - nơi dòng sông Lừ chảy qua phố Nam Đồng, phía Đông là Cống Trẹm (hay Cống Đá Tàu Bay) - nơi sông Kim Ngưu chảy qua đường Tàu Bay (đường Trường Chinh).

Từ trong làng có 3 cổng thông ra ngoài, nay là các ngõ Xã Đàn 1, 2, 3. Dân làng sống bằng nghề thả cá, trồng rau trong hồ ao, làm vườn; nam giới trong làng thường ra ngoài làm thợ nề, phu hồ, gánh gạch ngói thuê; phụ nữ bán hàng rong (rau cỏ và các loại bánh), chủ yếu ở Ô Chợ Dừa. Bánh đúc bán ở chợ này ngon có tiếng đều do phụ nữ làng Xã Đàn bán.

Về sau này, dấu vết của làng cổ đã bị mai một nhiều, người dân làng Xã Đàn, làng Đồng Lầm cũng người ở, người đi không còn tập trung anh em quây quần theo kiểu làng xã như xưa nữa.

Con đường “đắt nhất hành tinh”

Tháng 10/2005, dự án đường vành đai 1 Kim Liên-Ô Chợ Dừa (phố Xã Đàn) được khởi công. Dư luận không ngạc nhiên vì dự án được thực hiện sau hàng chục năm thai nghén nhưng lại vô cùng sửng sốt trước mức đầu tư khổng lồ gần hơn 700 tỷ đồng.

Phố dài 1,5km nhưng chỉ có 1.080m là đường làm mới. Trong lúc giá trị xây lắp 1.080 m đường chỉ hết 100 tỷ đồng thì số tiền giải phóng mặt bằng dự án (khoảng 5,6 ha đất với hơn 1000 hộ dân) lên đến hơn 600 tỷ đồng.

Như vậy, để có hơn một cây số đường, nhà nước phải chi 45 triệu đô la (hay gần 100.000 cây vàng). Theo một số chuyên gia, mức đầu tư này cao hơn mức đầu tư xây dựng đường tàu điện ngầm (khoảng 34 triệu USD/km). Như vậy, tính đến thời điểm này, phố Xã Đàn được coi như con đường “đắt nhất hành tinh.”

Phố Xã Đàn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị, mặt cắt ngang đường là 50m với sáu làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, dải phân cách rộng 5m được trồng cỏ và cây xanh mướt, vỉa hè hai bên 16m, lát gạch gốm có gờ uốn cong lượn sóng dành cho người đi bộ.

Phố Xã Đàn khi mới hoàn thành được phân luồng riêng hai làn xe cơ giới và xe thô sơ. Nhưng sau một thời gian đưa vào sử dụng, giải phân cách hai bên đường dành cho xe thô sơ đã bị phá bỏ, thay vào đó là khu đỗ xe ô tô do Sở Giao thông Công chính quản lý.

Đầu phố Xã Đàn là một dãy hàng hoa, lúc nào cũng khách ra vào nườm nượp do hoa luôn tươi và được cắm tỉa khá cầu kỳ, nghệ thuật. Tiếp đó là đoạn phố gồm những cửa hàng quần áo nằm san sát, có bán cả quần áo mới nhưng đa phần là quần áo đã qua sử dụng mà nhiều người vẫn quen gọi tên là “phố hàng thùng.”

Phố mới Xã Đàn không có nét lãng mạn của những con phố cũ nhưng có sức sống như cô gái đang tuổi dậy thì, trẻ trung, hiện đại, trình diễn một khuôn mặt lạ của phố phường Hà Nội thời hội nhập.

Khi phố Xã Đàn hoàn thành cũng là lúc có gần 1.000 hộ dân từ trong ngõ ngách không tên bỗng được ra nhà mặt tiền phố lớn. Giá đất của khu vực tăng đột biến.

Trên con đường này, giá đất ngày càng tăng chóng mặt, từ vài chục triệu/m2 có thể lên đến cả trăm triệu. Những ngõ phố chật chội trước đây trở thành những mảnh đất vàng với giá thuê, giá mua bán cao ngất ngưởng.

Phố Xã Đàn ngày càng sầm uất với cửa hàng, cửa hiệu mọc lên san sát, nhà dọc phố xây cao nhiều tầng vừa kinh doanh, vừa sinh hoạt rất hiện đại. Đêm đến, cả con đường rực rỡ với những biển hiệu nhấp nháy, đèn mầu quảng cáo bắt mắt.

Từ ngày có phố Xã Đàn, lưu lượng giao thông trên các tuyến phố Khâm Thiên, Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc đã được giảm tải đáng kể, tình trạng ùn tắc vào đầu giờ làm và cuối giờ tầm đã được hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Thủ đô tham gia giao thông.

Trong quá trình thi công phố Xã Đàn, các chuyên gia khảo cổ của Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã phát hiện ra nhiều dấu tích của nền lát gạch cổ, các mảnh gạch ngói thuộc các niên đại Lý, Trần, Lê cùng một số di cốt cổ. Nghi vấn về việc đã từng hiện diện nơi đây một Đàn xã tắc tế trời đất được đặt ra.

Các nhà khảo cổ học cho biết, trong lịch sử phong kiến nước ta hiện còn ghi lại có 3 đàn Xã Tắc của các vua chúa thời xưa. Một đàn được xây dựng ở Huế thời Nguyễn, một đàn ở Thanh Hóa của triều đình nhà Lê và một ở Hà Nội.

Cùng với đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc là những nơi thờ cúng linh thiêng của vua chúa và quan lại. Đàn Xã Tắc dùng để tế cho nhân dân no ấm, còn đàn Nam Giao dùng để tế trời.

Đối với di tích khai quật trên phố Xã Đàn, mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc nơi đây đã từng là Đàn Xã tắc hay không nhưng có một điều không ai có thể phủ nhận, mảnh đất này, con phố này chính là nơi lưu giữ rất nhiều dấu ấn lịch sử của đất Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Để góp phần lưu giữ lại các di vật trong lòng đất, lưu giữ lại dấu tích của Hà Nội xưa, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án cho đặt một tảng đá lớn đánh dấu nơi phát hiện các di vật khảo cổ.

Nơi đây cũng được quy hoạch thành một đảo cây xanh bốn mùa, vừa có tác dụng như đảo giao thông, vừa giúp cho người dân đi qua con phố này ngày ngày nhắc nhở về dấu xưa Thăng Long-Hà Nội.

Ngoài di chỉ khảo cổ Đàn Xã tắc, đến phố Xã Đàn không thể không nhắc đến một một ngôi chùa thờ thành hoàng làng Xã Đàn đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật. Đó là chùa Xã Đàn (còn có tên gọi là Kim Yên tự) nằm trong ngõ Xã Đàn 2, tránh xa những ồn ào và bụi bặm trên con phố mới.

Vị thành hoàng được thờ tại chùa theo truyền thuyết dân gian là Bảo Hoa công chúa, một nữ anh hùng yêu nước mà cuộc đời nàng có liên quan đến Lý Thường Kiệt và cuộc kháng chiến chống Tống bình Chiêm.

Trong suốt những năm dài của lịch sử triều Lý, khi đất nước còn phải đương đầu với nạn ngoại xâm phương Bắc và sự quấy rối của lực lượng Chiêm Thành, Bảo Hoa đã mở trường dạy học ở làng Xã Đàn và giúp triều đình đánh giặc lập công.

Trong bản thần tích đã mất, chỉ còn lại sắc phong năm Cảnh Thịnh thứ tư phong cho Bảo Hoa công chúa. Trải qua nhiều triều đại với nhiều lần trùng tu và sửa chữa, đến nay, chùa Xã Đàn vẫn giữ được nhiều kiến trúc độc đáo và lưu được nhiều hiện vật, tượng pháp quý giá./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark