31/05/2010 | 15:49:00

Hàng Gai - Điểm đến của du khách nước ngoài

Vừa ở trung tâm thành phố, vừa là phố kinh doanh hàng tơ lụa nên phố Hàng Gai luôn thu hút sự chú ý của du khách. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Phố Hàng Gai dài 252m, đi từ góc phố Hàng Đào, cạnh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đến ngã tư Hàng Hòm-Hàng Trống, nối với phố Hàng Bông, cắt ngang phố Lương Văn Can, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nguồn gốc tên phố

Phố Hàng Gai (Rue des Chanvre) đã có từ thời Pháp thuộc. Sau Cách mạng tháng Tám, tên gọi này vẫn được duy trì. Tên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng.

Phố có tên Hàng Gai vì đời xưa chuyên bán các thứ dây gai, dây đay, võng, thừng... Từ thế kỷ 19, nghề in sách đã du nhập vào đây. Nhiều cửa hàng khắc ván, in sách và bán sách mở ra đã đẩy các hàng bán dây gai lên phường Đông Thành, phố Bát Đàn. Đặc biệt mỗi năm khi gần tới tết Trung Thu, phố này còn là nơi bày bán các loại đèn xếp, đèn cá chép, đầu sư tử, ông tiến sĩ giấy... để trẻ em chơi tết, xem trăng.

Đoạn đầu Hàng Gai, gần Bờ Hồ, là phần đất thuộc phường Đông Hà, từ ngã tư phố Hàng Đào đến phố Tô Tịch là chỗ tập trung người làng Nhị Khê chuyên tiện gỗ, nên vào cuối thế kỷ 19, nơi đây  có tên là phố Hàng Tiện. Người làng Nhị Khê có những cửa hàng nhỏ, thợ vừa tiện vừa bán những đồ thờ, mâm bồng, đèn nến, ống hương, đài rượu, khuôn ván, mõ gỗ... Họ tiện cả những thứ nói trên nhưng cỡ nhỏ bé để trẻ con chơi, như khay, chén, nồi, hỏa lò...

Di tích lịch sử

Phố Hàng Gai nguyên là đất hai phường Đông Hà (nửa phố phía Đông) và phường Cổ Vũ (nửa phố phía Tây), đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ.

Di tích của hai phường này là hai ngôi đình cổ gồm đình Đông Hà ở số nhà 46 Hàng Gai, thờ Quy Minh là một người em của Sơn Tinh, có công chống Thủy Tinh, và đình Cổ Vũ ở số nhà 85, thờ thần Bạch Mã và thần Linh Lang. Trước cửa đình có một cây đa cổ thụ. Đình còn được người dân gọi là "Đình hàng ốc" vì trước cửa đình có hàng bán ốc nổi tiếng.

Những năm đầu của thời kỳ Pháp chiếm thành Hà Nội, thực dân Pháp đã dùng ngôi nhà số 80 làm Tòa công sứ đầu tiên của chúng ở Hà Nội. Ngôi nhà số 79 thì trở thành “Nha kinh lược Bắc kỳ." Đến năm 1886 nha này chuyển đến phố Tràng Thi.

Trong những ngày đầu của cuộc toàn quốc kháng chiến, phố Hàng Gai là ranh giới phía Nam của Liên khu 1. Cho tới ngày Trung đoàn Thủ đô rút ra ngoài thành phố, phố Hàng Gai ở trong thế mặt giáp mặt với quân giặc: dãy phố bên số lẻ bị địch kiểm soát, dãy phố bên số chẵn là tuyến lửa của ta.

Các tài liệu ghi chép về thời kỳ đó như “Hà Nội 60 ngày khói lửa” của Vương Thừa Vũ, hay “Trung đoàn Thủ đô” của Duy Đức đều nhắc tới một học sinh trung học dũng cảm ngoan cường của phố này là Lương Vy, người đã chỉ huy đại đội tự vệ phố Hàng Gai trong 15 ngày liền đã len lỏi suốt từ phố Hàng Gai sang phố Hàng Da, bắn chết 16 tên địch, hạ ba tên Pháp đi xe “díp” rồi đốt cháy luôn chiếc xe đó. Anh là một trong những người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ của Liên khu 1.

Ngày nay, khắp phố Hàng Gai đều bán hàng lụa tơ tằm Vạn Phúc và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Sầm uất và đầy sắc màu, không biết tự bao giờ phố Hàng Gai đã trở thành “phố tơ lụa” làm nên một nét đặc trưng cho phố phường Hà Nội.

Hàng Gai trở thành điểm đến không thể bỏ qua của các du khách nước ngoài tới Hà Nội. Khách đến các cửa hàng tơ lụa trên Hàng Gai còn có thể đặt may áo dài Việt Nam để làm quà kỉ niệm. Phố Hàng Gai không chỉ kinh doanh mà còn quảng bá du lịch, khôi phục phố nghề, một việc làm rất ý nghĩa đối với Hà Nội và là hoạt động thiết thực chào đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội./.

Thanh Hoa (TTXVN/Vienam+)

Bản để in Lưu vào bookmark