31/05/2010 | 16:29:00

Phố cổ Cầu Gỗ

Phố Cầu Gỗ. (Nguồn: Internet)

Phố Cầu Gỗ dài khoảng 250m, thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố có hướng Đông-Tây, nối từ phố Hàng Thùng đến phố Hàng Gai, cắt ngang phố Nguyễn Hữu Huân, phố Hàng Bè và qua ngã ba các phố: Hàng Dầu, Hồ Hoàn Kiếm, Đinh Liệt, Hàng Đào.

Nguồn gốc tên phố

Phố Cầu Gỗ nằm trên nền đất xưa thuộc hai thôn Hương Mính và Nhiễm Thượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đình của thôn Nhiễm Thượng hiện nay là số nhà 64, thờ Thành Hoàng.

Phố được đặt tên là Cầu Gỗ vì ngày xưa trên phố có một cây cầu bằng gỗ bắc qua con mương nhỏ nối hồ Thái Cực (còn gọi là hồ Hàng Đào) và hồ Hoàn Kiếm. Đến thời Pháp thuộc, hồ Thái Cực và con mương nhỏ cùng cây cầu bị lấp đi nhưng nhân dân vẫn quen gọi là phố Cầu Gỗ (Rue du Pont en Bois).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, phố được chính thức đặt tên là Cầu Gỗ.

Ngoài ra, tên Cầu Gỗ còn được dùng để đặt cho một ngõ nối giữa phố Gia Ngư với phố Cầu Gỗ, nay là một phần của chợ Hàng Bè. Thời Pháp thuộc, ngõ được gọi là phố Nguyễn Trọng Hợp. Sau Cách mạng tháng Tám, được đổi tên là phố Trần Cao Vân. Thời tạm chiếm, ngõ lại được đổi thành phố Cao Bá Nhạ. Từ tháng 6/1994, ngõ được đặt chính thức là Cầu Gỗ.

Phố Cầu Gỗ

Những năm 70-80 thế kỷ 19, phố Cầu Gỗ mặt đường nhỏ, hẹp. Nhà cửa ở đây làm từ xưa nên hầu hết xây theo kiểu cổ, một tầng lợp ngói ta và có gác xép; hai tầng thì chồng diêm, thấp, hẹp bề ngang. Nhiều nhà nền thấp hơn mặt đường đến hai ba bậc. Phố có nhiều nhà mở cửa hàng bán cơm cho học trò trọ học.

Phố Cầu Gỗ xưa buôn bán nhiều mặt hàng như sơn sống, thứ sơn dùng làm tranh sơn mài, gắn thùng gỗ, hoành phi câu đối... và các loại dầu lạc, dầu vừng cung cấp cho Hà Nội.

Ngoài ra, Cầu Gỗ xưa còn có một nghề khá đặc biệt là nghề đóng xe tay (xe do người kéo) và nhờ nó mà nhiều nhà trở nên giàu có. Sau Cách mạng tháng Tám, các cửa hàng này chuyển sang đóng xe xích lô, nổi tiếng như nhà ông Hai Chinh, ông An Thái.

Đến những năm đầu thế kỷ 20, phố Cầu Gỗ được mở rộng thành đường giao thông chính. Tại đây có ga tàu điện đi Hà Đông và chỗ đổi đầu máy ở ngay đầu phố. Do vậy, nhiều hàng nước, hàng quà được mở ra phục vụ khách đợi tàu.

Trong những ngày Toàn quốc kháng chiến (1946-1947), phố Cầu Gỗ là tuyến lửa phía Nam của Liên khu 1 anh hùng. Dù quân địch tấn công, pháo kích nhiều lần nhưng quân và dân ta vẫn giữ vững tuyến này đến tận ngày được lệnh rút ra khỏi thành phố (ngày 17/2/1947).

Đầu những năm 50 cho đến sau hòa bình lập lại, phố Cầu Gỗ có cửa hàng Phở Giảng nổi tiếng (ở số nhà 88), một trong số những hàng phở trong nhà đầu tiên của Hà Nội. Cửa hàng chỉ bán đến 9 giờ sáng, từ trưa đến tối chuyển sang bán càphê.

Phố Cầu Gỗ ngày nay có nhiều nhà hàng, khách sạn và các cửa hàng buôn bán đủ loại như vàng bạc, đá quý, sách truyện, giầy dép, quần áo, ăn uống./.

Hoàng Yến (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark