05/06/2010 | 16:44:00

Phố Chùa Láng

Chùa Láng. (Ảnh: 1.000 năm Thăng Long)

Một trong những hoạt động văn hóa mang bản sắc kinh thành Thăng Long nghìn năm tuổi là lễ hội. Hàng năm cứ đến độ tết đến xuân về, người dân đất Kinh kỳ lại nô nức trẩy hội, du xuân.

Nhắc đến những điểm đến hấp dẫn của du khách ta không thể không nhắc đến chùa Láng. Nếu là người Hà Nội, hẳn không ai không biết đến câu ca dao:

"Nhớ ngày mồng bảy tháng ba,
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy"

Vào tháng 7/2001, tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa 12 đã ra nghị quyết đặt đoạn đường từ phố Nguyễn Chí Thanh qua chùa Láng đến đường Láng dài 1000m rộng 5m là phố Chùa Láng thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa.

Gọi là phố Chùa Láng vì con phố này đi qua chùa Láng, một trong những ngôi chùa lâu đời nhất ở Hà Nội. Chùa Láng được xây dựng từ đời vua Lý Thần Tông (1128-1138) thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, tổ thứ 12 của Thiền Tông Phái vì vậy, chùa có tên chữ là Chiêu Thiền Tự.

Theo truyền thuyết, nhà sư này đã đầu thai làm con trai nhà quý tộc Sùng Hiền hầu, em vua Lý Nhân Tông. Vì vua Lý Nhân Tông (trị vì 1072-1127) không có con, nên con trai của ông Sùng Hiền hầu được nối ngôi, tức vua Lý Thần Tông (1128-1138).

Do sự tích ấy mà con của Lý Thần Tông là Lý Anh Tông đã cho xây cất chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha và tiền thân của Người là thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa đã được trùng tu nhiều lần, những lần quan trọng nhất là vào các năm 1656, 1901 và 1989.

Cảnh quan, địa thế nơi đây đã tạo nên một ngôi chùa với không gian thoáng đãng, hài hòa. Mọi kiến trúc đều rất cân đối trông vừa sống động nhưng vẫn không làm mất đi vẻ cổ kính của nó. Quanh chùa là khu vườn, khắp nơi tràn ngập cây cối.

Không khí trong sạch, không một chút bụi trần làm ta dường như quên đi những tiếng ồn ã, náo nhiệt của phố phường. Cổng chùa bao gồm bốn cột vuông với ba mái cong không chùm lên cột mà gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên, hơi giống kiến trúc cổng ở cung vua phủ chúa ngày xưa.

Qua cổng là một sân gạch Bát Tràng, giữa sân là chiếc sập đá, nơi đặt kiệu trong các ngày lễ hội. Cuối sân có cửa tam quan, từ đây có con đường lát gạch dẫn đến cổng thứ ba.

Qua cổng này ở giữa có ngôi nhà bát giác nơi đặt tượng Từ Đạo Hạnh trong ngày lễ hội. Qua nhà bát giác mới đến các công trình chính trong chùa: bái đường, nhà thiêu hương, thượng điện, các dãy hành lang, nhà tổ và tăng phòng. Động thập điện Diêm Vương ở hai dãy hành lang khá đẹp, miêu tả những cảnh ở các tầng địa ngục.

Ngoài các tượng Phật ở thượng điện, trong hậu cung còn có tượng nhà sư Từ Đạo Hạnh và tượng vua Lý Thần Tông.

Tượng Từ Đạo Hạnh làm bằng mây đan phủ sơn còn tượng Lý Thần Tông làm bằng gỗ mít. Vẻ bề thế của quần thể kiến trúc hài hòa, cân xứng với không gian thoáng đãng khiến cho chùa Láng đã từng được coi là đệ nhất tùng lâm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.

Chỉ cách đây chừng 5 năm, khu phố Chùa Láng vẫn còn rất yên tĩnh. Con đường đi qua trước cổng chùa chỉ là một con đường làng nhỏ. Đến nay, con đường này đã được mở rộng, nối liền đường Láng với phố Nguyễn Chí Thanh, đi qua cổng hai trường đại học lớn là Đại học Ngoại thương và Học viên Quan hệ quốc tế.

Phố Chùa Láng nhanh chóng trở thành một con phố sầm uất. Nhà cửa mọc lên san sát, đất đai canh tác của cư dân làng Láng xưa dần thu hẹp lại. Ngày nay, nếu đi trên phố Chùa Láng, du khách không còn tìm thấy những thửa ruộng trồng loại rau húng Láng nổi tiếng như những ngày xưa nữa.

Từ rất lâu người Kẻ Láng đã tự hào rằng:

"Ở đâu mà chẳng biết ta
Ta là Kẻ Láng vốn nhà trồng rau
Rau thơm, rau húng, rau mùi
Thì là, cải cúc, đủ mùi hành hoa"

Sử tích chép Láng là tên Nôm của xã Yên Lãng, một làng cổ bên thành Thăng Long xưa.

Năm Đại Trị thứ năm (1362), vua Trần Dụ Tông đã đưa gia nô ra làng Láng khai khẩn đất đai bên bờ sông Tô Lịch, trồng rau thơm và hành tỏi để dùng trong cung cấm và đặt tên nơi đây là vườn tỏi. Bởi vậy theo dòng chảy của lịch sử, rau thơm Láng (đặc biệt là rau húng) đã trở thành thứ gia vị bậc nhất của đất kinh kỳ.

Chả thế người Hà Nội đã không hết lời ca tụng:

"Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì
Hành hoa, húng Láng, còn gì ngon hơn"

So với các loại rau húng nơi khác thì rau húng Láng có mùi đặc trưng. Vị nó dìu dịu man mác, không cay; lá thường nhỏ và không có răng cưa. Húng Láng có ba loại chính là rau húng thơm màu tía, ngọn lá nhỏ, ăn kèm với rau sống và các món ăn như phở, chả cá. Loại húng lũi, húng dồi ăn với lòng lợn, tiết canh, thịt cầy.

Húng Láng là một trong những sản vật nổi tiếng đất kinh kỳ Thăng Long-Hà Nội. Chỉ trên đồng đất Láng, húng thơm mới có hương vị đặc biệt ấy. Ở đồng đất khác húng vẫn sống, phát triển, nhưng hương vị độc đáo của nó không còn nữa.

Xưa nay, húng Láng là thứ cây gia vị đặc sắc bậc nhất, không thể thiếu trong bữa ăn bình dân hàng ngày hay yến tiệc của người Hà Nội, cũng như cư dân quanh vùng, nơi vốn được coi là sành ăn, sành mặc./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark