17/09/2010 | 16:06:00

Hà Nội: Nghìn năm vay và trả

Hồ Gươm. (Nguồn: Internet)

1.Ngày nọ có một bậc tiền bối tặng tôi một quyển sách của nhà văn Băng Sơn. Quyển sách ấy là nhà văn Băng Sơn tặng cho người này, rồi người này tặng lại cho tôi. Tôi đọc bài “Rươi."

Đoạn mở đầu viết: “Có là bầu trời vần mây màu bạc pha chì lỏng, mây không thành đám không bềnh bồng như mùa Hè, cũng không xám xịt như mùa Đông. Đôi lúc có những cơn mưa lắc rắc như trêu cợt khách đi đường. Mưa rươi đấy, trời rươi đấy. Con rươi bé tý chỉ nổi lên lúc nửa đêm trên cánh đồng nước lợ vùng duyên hải, thế mà bóng nó làm bầu trời phải cảm ứng, bắt không gian chuyển màu chuyển cảnh...”

Đoạn kết: “Con rươi bé tý, hình như không chỉ hóa thân thành món đầy mỹ vị và nó còn thành bầu trời vẩn mây lúc chuyển mùa, nó cũng còn là nỗi nhớ suốt năm, nhiều năm của bao người."

Đọc xong, tôi lập tức bảo với người tặng quyển sách đó cho mình: Cháu muốn đi ăn chả rươi!

Hôm ấy là 21/7/2010. Giữa Hè, nhưng phải ngày mưa, mưa nhỏ nhưng kéo dài, thi thoảng hạt buông nặng hơn, rồi lại ngớt, nhưng cả ngày hầu như không có lúc nào tạnh hẳn. Chúng tôi đi lên Ô Quan Chưởng, có một hàng chả rươi nho nhỏ ở đó, gọi một đĩa chả rươi. Mưa lâm thâm, đĩa chả rươi nóng hổi, thoảng vị quýt hơi cay cay. Đĩa chả rươi này chưa chắc là đĩa chả rươi của nhà văn Băng Sơn. Có đúng là đĩa chả rươi của nhà văn thì tôi cũng không tài nào mô tả được nó ngon như nhà văn mô tả.

Ăn xong, tôi bảo: Cháu muốn đi gặp nhà văn Băng Sơn.

Mưa lúc này nặng dày hạt hơn, tầm 17-18 giờ rồi, trong ngày mưa thì trời tối lắm, đường phố lại bẩn. Chúng tôi không quên mua một ít hoa quả, đến thăm nhà văn Băng Sơn, thế là tôi lần đầu, mà cũng là lần duy nhất, được gặp mặt.

Trong ngôi nhà nhỏ, chắc đã xây từ lâu lắm, tôi gặp được ông đang nằm trên giường. Nhà văn nằm một chỗ đã lâu, không ăn uống được nữa, dinh dưỡng đi vào cơ thể qua một ống nhỏ đặt ở cổ họng. Má ông hóp lại, người chỉ còn những xương, nhưng tỉnh táo lắm. Ông chỉ có thể mấp máy môi, có lúc còn cười, ra hiệu cho tôi ngồi xuống, uống nước. Tôi thưa chuyện tôi vừa đọc bài “Rươi” của ông và vừa đi ăn chả rươi về, ông cười. Ngồi nhìn những bức ảnh ngày xưa của hai vợ chồng ông treo trên tường, lại nhìn ông đang nằm trên giường bệnh, tôi chỉ biết im lặng.

2. Tôi nghĩ, nếu như mấy chục năm trước Hà Nội có Vũ Bằng, có Thạch Lam, thì nay Hà Nội có Băng Sơn.

Có thể Hà Nội có những tòa nhà rất cao và những con đường rất lớn, nhưng tôi nghĩ Hà Nội không chỉ đẹp ở đó. Hà Nội còn ở những con ngõ rất nhỏ, rất ngoằn ngoèo, đi vào không nhớ nổi đường ra. Hà Nội còn ở những dòng sông nho nhỏ và những hồ nước nho nhỏ.

Ngày tôi học ở Đại học Văn hóa trên đường Đê La Thành, một hôm đi chơi xa với các bạn cùng lớp, có người nói đến Hà Nội với ý chê bai ra mặt, rằng thì là Hà Nội xấu và bẩn như thế nào, rằng thì là con đường Đê La Thành mà chúng tôi đi học mỗi lần đến trường khó khăn như thế nào.

Tôi tự hỏi, chẳng lẽ đó là lỗi tại Hà Nội?

“Không nói ra nhưng chắc rằng ai cũng có lúc từng nghĩ: Cuộc đời đã cho mình những gì, mình đã lấy ở cuộc đời cho mình thành người những gì và mình sẽ phải trả lại cuộc đời ra sao cho xứng đáng với món nợ khổng lồ ấy?"

Người Hà Nội chúng ta chắc chắn cũng thế. Đã bao nhiêu thế hệ qua đi để lại cho chúng ta một Hà Nội hào hoa và trí tuệ, anh hùng và tươi đẹp như ngày nay là triệu triệu con người đã trả nợ cho Hà Nội, đã bồi đắp một lâu đài thiêng liêng và mỗi chúng ta sống bây giờ đang góp thêm phần mình vào đó.

(...) Thử tưởng tượng nếu một ngày mọi người không vay không trả thì Hà Nội sẽ ra sao? (...) Có kẻ định vay mà không trả, hoặc có kẻ muốn vay vàng thật nhưng trả bằng vàng mã làm xấu đi Hà Nội nghìn năm, làm sao mà chịu được. (...) Ta không tin có tiền kiếp hay luân hồi. Nhưng hiển hiện là Hà Nội đang cho và đang nhận. Cho từ nghìn xưa và nhận cho cả nghìn sau bất tận, mà mỗi chúng ta đang thở Hà Nội vào mình đều cảm nhận được “khí thiêng."

Những dòng văn trong “Nghìn năm vay và trả” ấy đã gửi đến biết Hà Nội biết bao nhiêu là tình yêu. Và ngày hôm nay Hà Nội lại gửi đi những tình yêu dành riêng cho nhà văn Băng Sơn về nơi an nghỉ cuối cùng. Khi tôi đang viết những dòng này, xác của ông đang được hỏa táng. Sinh ra từ cát bụi, lại trở về với cát bụi. Bậc tiền bối - người mà đã dẫn tôi đến chào nhà văn Băng Sơn, nhắn cho tôi vẻn vẹn một câu: Cuộc đời mong thế mà thôi./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark