16/09/2010 | 10:40:00

Hà Nội, mùa chim làm tổ

Một đôi uyên ương chụp ảnh cưới bên Hồ Gươm. (Nguồn: Internet)

Ở đảo Ngọc - hồ Gươm có loài cây lạ, khi ra hoa thì bung nở từng chùm màu phớt hồng dọc theo cả đoạn cành dài trông như cây dâu lúc kết trái. Mỗi độ hoa nở, hàng đàn chim chào mào lại ríu ran kéo đến luyến ái và làm tổ.

Thu Hà Nội cũng như loài cây lạ ấy. Từ xưa nay cứ vào mùa này, từng “đôi uyên ương” người Hà thành lại cùng nhau xây tổ ấm.

“Chú rể nghiêng đầu, ‘thơm’ nhẹ vào má cô dâu nào. Thế, thế nhé! Tốt rồi.” Tiếng cười đùa khích lệ của người thợ chụp ảnh khiến đôi "tân lang, tân nương" người Hà Nội vượt qua sự e thẹn, ngượng ngập. Trong ánh vàng của lá, của nắng hòa với màu xanh của mây trời, tà áo dài trắng thướt tha của cô dâu thật dịu dàng. Cặp uyên ương cứ thế tự nhiên diễn xuất trước ống kính để lưu lại khoảnh khắc cuộc đời.

Bên bờ hồ Hoàn Kiếm, những khách du lịch phương Tây và cả người dân địa phương đi ngang qua dừng bước lại đưa ánh mắt thích thú ngắm nhìn đôi trẻ đang rạng rỡ, hạnh phúc. Mấy em bé kháu khỉnh, ngộ nghĩnh hồn nhiên chạy theo cô dâu, chú rể nô đùa.

Cẩn thận ngồi xem lướt lại những kiểu ảnh vừa chụp, Nguyễn Văn Cung, nhà nhiếp ảnh của cửa hiệu Muacuoi (Bạch Mai, Hai Bà Trưng) - người đã gắn bó xấp xỉ một thập niên với nghề, cởi mở nói: “Cô dâu này chọn chiếc áo dài trắng và quần lụa den trông thật nền nã. Đúng phong cách của thiếu nữ Hà Nội những năm xưa. Đứng bấm máy không tiếc tay.”

Thoáng chút trầm ngâm rồi Cung thổ lộ: “Tôi nhớ Hà Nội cách đây vài chục năm trước, chụp ảnh đám cưới ngoài trời là một điều khá xa lạ. Mỗi đám cưới chỉ chụp có vài kiểu ảnh, một cái chụp ngày ăn hỏi, một tấm chụp đôi vợ chồng và dăm ba tấm chụp thật đông người. Còn bây giờ, ảnh cưới với lớp người trẻ là làm thế nào để có thể ghi lại được những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của đôi lứa nên họ rất trân trọng việc này. Nhiều người còn tìm về nét xưa Hà thành như chút hoài niệm."

Nghe người nhiếp ảnh tâm sự, bất giác nghĩ nhiều điều về cái “xa xưa” trong đám cưới Hà thành như lời anh nói. Trò chuyện với những người già gốc gác đất Kinh kỳ-Kẻ chợ và mở rộng thông tin mới vỡ lẽ: hóa ra cưới xin ở Hà Nội cũng như con người nơi đây, mang một nét gì đó, một điều nào đó đặc biệt hơn nơi khác với bao chuyện để kể.

Nào là chuyện cho tới đầu thế kỷ 20, các đám đưa dâu ở Hà Nội đều đi bộ, chỉ khi nào đường đi quá xa thì cô dâu được ngồi võng, hoặc xe kéo tay. Rất hiếm đám đón dâu bằng xe ôtô có kết hoa trắng muốt. Đến chuyện mâm cỗ cưới có nét đặc trưng riêng là “bốn bát và sáu đĩa," mà như lý giải của ông họa sỹ già Hoàng Tuấn Hùng, người từng gắn bó gần bảy mươi năm với phố Hàng Bạc: Người Hà Nội coi số mười là con số của viên mãn. Bởi lẽ ấy, mâm cỗ cưới phải đủ mười món. Trong đó xôi gấc và gà luộc là hai món quan trọng nhất, thể hiện sự may mắn, đủ đầy và hạnh phúc trăm năm.

"Mỗi mâm còn có một chai rượu trắng và sáu cái chén hạt mít nhỏ để có khách uống. Những nhà giàu có trên Hàng Bạc, Hàng Đào... còn có thêm đĩa hoa quả tráng miệng, hoặc đĩa chè kho," ông Hùng bảo.

Nhưng đó là hoài niệm xưa, còn những năm chưa xa, chỉ vài thập niên trở lại đây thôi, chuyện cưới xin ở Hà Nội diễn ra trong bom đạn, hay thời gian khó cũng ẩn chứa bao điều thú vị. Giở lại những ký ức, kỷ niệm cũ gần bốn mươi năm trước, vợ chồng bà Đỗ Thị Hương ở ngõ Thịnh Hào, phố Tôn Đức Thắng kể: Đám cưới của bà tổ chức vào mùa Thu năm 1972, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước diễn ra ác liệt nên lễ vu quy của bà diễn ra rất gọn nhẹ.

Tiệc cưới chỉ là bánh kẹo, trà xanh, thuốc lá. Trên phông cưới không phải là chữ hỷ mà là những khẩu hiệu: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ,” “Tất cả cho tiền tuyến.” “Ký ức của tôi về đám cưới thời chiến chỉ trói gọn trong những điều là đơn giản, gọn nhẹ, nghi thức nhiều hơn nghi lễ. Dung dị như vậy song hạnh phúc vô cùng." Bà Lương tủm tỉm cười rồi nhẹ giọng bảo.

Từ chuyện “bốn bát, sáu mâm” đầy triết lý của ông họa sỹ già người Hàng Bạc tới chuyện đám cưới thời chiến của bà Lương, nhớ tới nhận xét khá thú vị của năm đôi uyên ương người Hà thành khi tìm hiểu về việc cưới: "Ngắm nhìn ảnh cưới Hà Nội xưa, nay sẽ thấy sự đổi thay lớn trong tâm lý, cách sống của người Thủ đô. Nếu xưa là cốt cách, nền nã thì nay tự nhiên, không gò bó."

"Lớp trẻ chúng tôi bây giờ năng động, tự chủ hơn trước. Toàn bộ các công việc cho ngày cưới được chúng tôi tự lo chu đáo từ trước đó cả nửa năm. Tự chuẩn bị cho ngày vu quy của mình là hạnh phúc lắm chứ," kiến trúc sư Nguyễn Hải Long, ở dốc Thọ Lão, quận Hai Bà Trưng - người sẽ “xây tổ ấm” vào đúng ngày 10/10 dịp diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội cho hay.

Lại thêm một mùa Thu, một mùa cưới ở Hà Nội nữa sẽ qua đi. Đám cưới xưa hay đám cưới nay của người Hà thành rồi cũng chỉ còn là nốt nhạc đẹp của tình yêu. Nhưng những hoài niệm xưa và nét đẹp nay sao thấy yêu đến lạ!./.

Anh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark