15/12/2012 | 09:27:00

Hệ thống các lễ hội tưởng niệm các anh hùng chống ngoại xâm

Có thể nói trong hàng trăm nghi lễ và lễ hội của Thăng Long – Hà Nội thì các lễ hội tôn thờ và tưởng niệm các anh hùng chống ngoại xâm chiếm số lượng khá lớn, trong đó có những vị thần vốn là nhân vật Lịch sử, như Quang Trung, Hai à Trưng, Lý Phục Man, Phạm Tu, Trần Khát Chân, Phùng Hưng, Trần Hưng Đạo, Ỷ Lan…và cũng có không ít vị là các vị thần linh được lịch sử hóa, như Thánh Gióng, Linh Lang, Triệu Quang Phục… Tuy nhiên, dù là nhân vật lịch sử hay nhân vật huyền thoại thì hình tượng các vị thần đều toát lên một giá trị cơ bản là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
 
 Trong hệ thống các lễ hội này, chúng ta có thể nêu một số lễ hội quy mô lớn và tầm ảnh hưởng rộng, đó là hội Gióng, hội đền Đồng Nhân thờ Hai Bà Trưng, hội đền Bà Chúa Kho, hội Đống Đa.
 
 Hội Gióng thực ra là một hệ thống các lễ hội ngoài nơi chính là đền Gióng Phù Đổng còn có hội Phù Gióng Chi Nam, hội đền Sóc Xuân Đỉnh, hội Gióng Sóc Sơn, tạo nên một vùng huyền thoại, tín ngưỡng và lễ hội Thánh Gióng ở các huyện ngoại thành phía bắc Hà Nội và phụ cận. Có thể nói đây là một hệ thống nghi lễ và lễ hội được tạo nên không phải trên cơ sở của một hiện tượng lịch sử , mà là một huyền thoại mang tính hang đường, nhưng nó lại khái quát một thực tế lịch sử chân thật của dân tộc và từ đây xây dựng lên một trong những hình tượng đẹp đẽ nhất, độc đáo nhất về chủ nghĩa yêu nước của con người Việt Nam – Thánh Gióng.
 
 Có rất nhiều điều có thể nói về hội Gióng, các di tích kiến trúc và lễ hội gắn với các sự kiện được phản ánh trong huyền thoại, như ông Châu ở làng Sen Hồ rủ trai làng theo ông Gióng đi đánh giặc, rồi sự tích ông Gióng trước khi bay về trời còn tắm mát, ăn cơm với cà trên phiến đá ở làng Xuân Đỉnh, đến việc thờ phụng ở Sóc Sơn, nơi ông cưỡi ngựa sắt bay về trời… Bên cạnh đó còn phải kể đến các hình thức diễn xướng lễ hội với các nghi lễ rước nước, múa hát, Ải Lao, diễn xướng 3 trận đánh giặc Ân với tất cả khí thế hào hùng của nó. Có thể nói, hội Gióng là cả một diễn xướng lễ hội quy mô hoành tráng, mang tính ước lệ cao, đạt đến độ thăng hoa gọi là mẫu mực cho việc tổ chức lễ hội tưởng niệm anh hùng chống ngoại xâm của dân tộc.
 
 Nếu như lễ hội đền Gióng Phù Đổng là một lễ hội công tích ngoại xâm đã được biểu tượng hóa, thì lễ hội Đống Đa là một hội kỷ niệm một chiến thắng vĩ đại đánh bại 20 vạn quân Thanh cách đây 200 năm, một sự kiện lịch sử có thật. Gióng là một biểu tượng của huyền thoại, còn vua Quang Trung lại là một anh hùng bằng xương bằng thịt, cầm quân từ Phú Xuân ra bắc đánh bại quân Thanh và tiến vào Thăng Long đúng vào mồng 1 tết nguyên đán. Gò Đống Đa là nơi xác quân thù bị tiêu diệt chất thành 12 gò đống, tướng giặc Tôn Sĩ Nghị phải thoát thân qua sông Hồng tháo chạy về nước.
 
 Lễ hội ban đầu diễn ra trong phạm vi của làng Khương Thượng. Sau nghi thức thắp hương trước tượng Quang Trung ở Chùa Bộc chiều mồng 4 tết, sáng mồng 5 đoàn rước từ Khương Thượng ra gò Đống Đa với cờ xí, chiêng trống, kiệu long đình, rồng lửa, trong lúc đoàn rước đến đền thờ ở gòa Đống Đa thì bên chùa Đồng Quang đối diện diễn ra nghi lễ cầu hồn cho nghĩa quân và cúng cháo thí cho hương hồn quân Thanh chiến bại, coi đó như một hành động nhân nghĩa của nhân dân ta và cũng là để âm hồn những kẻ đã chết trận yên lòng không quấy phá nhân dân ở vùng này.
 
 Ngày nay, hội Đống Đa được mở rộng thành lễ hội mang tính quốc gia, nhất là sau khi xây dựng tượng đài Quang Trung ở bãi rộng trước đền. Việc dâng hương và các sinh hoạt văn hóa lễ hội hiện đại diễn ra trước tượng đài trở thành hoạt động chính của lễ hội. Ở đây các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu về sự chuyển hóa về nội dung và nghi lễ thờ cúng, từ việc thờ cúng những kẻ bại trận trở thành lễ hội tưởng niệm Quang Trung, vị anh hùng thắng trận.
 
 Lễ hội Hai Bà Trưng ở đền Đồng Nhân là một trong những lễ hội năm trong hệ thống 400 lễ hội tưởng niệm Hai Bà Trưng ở đồng bằng và trung du bắc bộ, trong đó lễ hội ở Hát Môn, Hạ Lôi và Đồng Nhân là trục lễ hội tiêu biểu nằm dọc sông Hồng cách nhau khoảng 20km. Hạ Lôi (Mê Linh – Vĩnh Yên) là quê hương của Hai Bà, Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Tây – nay là Hà Nội) là nơi Hai Bà hóa sau khi nghĩa quân thất bại và theo tương truyền tượng Hai Bà trôi từ Hát Môn về dạt vào bờ sông Hồng, trên địa phận bãi Đồng Nhân (Hà Nội). Mô típ trôi dạt, lúc thì cây gỗ quý (Man Nương, Thiên Ya Na…), khi là bức tượng thần (Tứ Vị Thánh Nương, Tống Hậu…) là hiện tượng thường thấy trong sự tích các vị nữ thần.
 
 Tương truyền sau khi thấy có tượng đá trôi dạt và được báo mộng là tượng của Hai Bà, vua Lý Anh Tông tuyên lập đền thờ và đền được xây dựng vào năm 1160.
 
 Trừ lễ hội ở đền Hát Môn có những nghi thức tái hiện sự tích khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, như hội lập đàn thề vào ngày mồng 4 tháng chín, nhất là hội 24 tháng chạp, tái hiện lễ chiến thắng, còn ở Đồng Nhân chỉ mang tính tôn vinh và tưởng niệm, tổ chức chính hội vào ngày mồng 5 tháng hai với lễ tắm tượng, một nghi lễ thường thấy ở các đền phủ thờ nữ thần và múa đèn thờ, một điệu múa đèn dân gian, nhưng ít nhiều đã mang dáng dấp của điệu múa đèn cung đình, mà đoàn vũ công mặc áo dài đen, quần hồng, thắt lưng đỏ, đầu chít khăn lụa, hai tay cầm đèn múa lên xuống tách nhập trước hương án thờ Bà. Lễ hội Đồng Nhân ngày nay cũng đã được hiện đại hóa và đô thị hóa bằng việc Hội Phụ nữ thành phố đã tham gia vào nghi thức của hội, nhất là ngày đó thường vào dịp kỉ niệm ngày Phụ nữ quốc tế (8/3), với các nghi thức dâng hương, mít tinh ôn lại truyền thống phụ nữ Việt Nam mà từ lâu đã coi Hai Bà Trưng nhà là tấm gương sáng cho lòng bất khuất chống giặc ngoại xâm và nam nữ bình quyền. Như vậy, hình thượng Hai Bà Trưng đã được “hiện đại hóa” và tăng thêm “quyền năng” trong môi trường chính trị - xã hội Việt Nam hiện nay.
 
 Có một vị nữ thần nằm trong hệ thống lễ hội này là Bà Chúa Kho thờ ở đình (đền) Giảng Võ với tư cách là vị thần Thành hoàng làng. Tương truyền tên thật của Bà là Lý Thị Châu, còn gọi là Châu Nương. Nàng là cô gái xinh đẹp, thông minh, từng được cha mẹ cho đi học ở phường Bích Câu. Khi lớn lên, nàng kết duyên cùng viên quan họ Trần, tước Thái Bảo, làm chức đốc bộ Hoan Châu, có công lớn trong việc ngăn chặn giặc Nguyên Mông quấy phá ở vùng phía nam. Vua khen ngợi và điều hai vợ chồng về tăng binh viện cho kinh thành. Khi giặc Nguyên Mông vào Thăng Long, quan Thái Bảo quyết chiến với giặc ở ven sông Hồng và tử trận. Trả thù chồng, đền nợ nước Châu Nương đứng ra đốc thúc quân lính cất giấu tài sản, vũ khí, kho lương thảo cho cuộc kháng chiến lâu dài. Khi bị giặc vây, Bà không đầu hàng, lấy khăn hồng phủ lên mặt rồi hóa. Sau khi bà mất, chiếc khăn hồng bay về làng Giảng Võ, nơi sinh quán của Bà. Nhớ ơn Bà, dân làng lập đình (đền) thờ Bà là thành hoàng làng. Hàng năm, làng Giảng Võ giỗ kỵ Bà vào dịp 12 tháng hai và 20 tháng bảy (AL).
 
 Ngày nay làng Giảng Võ đã nằm trọn trong phường Giảng Võ, quận Bà Đình, Hà Nội, nơi có nhiều công trình kiến trúc và khu dân cư hiện đại, đặc biệt là Khu hội chợ triển lãm Giảng Võ. Cũng là Bà Chúa Kho nhưng trong khi Bà Chúa Kho thờ ở Bắc Ninh là Bà Chúa kho lương thời nhà Lý đánh Tống, nay thành Bà Chúa kho tiền thời đổi mới kinh tế thị trường, thì Bá Chúa Kho làng Giảng Võ lại gắn bó với kinh tế thời hiện đại, thông qua việc Bà trở thành vị thần thổ địa bảo vệ, phù trợ cho khu Hội chợ triển lãm Giảng Võ. Hằng năm, để mở màn cho hội chợ xuân, một đoàn rước Bà Chúa Kho từ đình Giảng Võ ra khu triển lãm để khai trương cho hội chợ đã được tổ chức. Đó cũng là cách kết nối giữa xưa và nay, truyền thống và hiện đại.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark