17/12/2012 | 09:27:00

Hệ thống lễ hội Thành hoàng làng

Như đã nói ở trên, khởi nguồn Hà Nội là một hay một cụm làng, dần do vị trí giao thương thuận lợi, nhất là khi nơi đây thành trị sở của quan cai trị nhà Hán thời Bắc thuộc và sau này trở thành kinh đô của nhà nước phong kiến tự chủ thì quá trình đô thị hóa theo kiểu thành thị phương Đông càng diễn ra mạnh mẽ. Nhiều làng vốn xưa ở ngoại thành, nay thành các phường, các phố nội thành, rồi hình thái cư trú “lưỡng cư” của cư dân khiến cho Hà Nội vẫn gắn bó chặt chẽ với nông thôn.

Nhiều sinh hoạt văn hóa làng quê vẫn tồn tại lâu dài ngay trong lòng đô thị, trong đó có việc thờ phụng Thành hoàng làng. Theo thống kê từ năm 1986 – 1994, Hà Nội có 336 ngôi đình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Các lễ hội của Hà Nội xưa kia cũng như hiện nay mang đậm tính hội làng, các vị thần được thờ trong các ngôi đình hay đền vốn xuất xứ là các vị Thành hoàng. Đấy là chưa kể, tại các huyện ngoại thành, sau nhiều năm thời bao cấp vắng bóng, nay hội đình phụng thờ các thành hoàng tái lập một cách mạnh mẽ.
 
 Tuy hình thái thờ phụng thần Thành hoàng ở nội thành và ngoại thành có đôi chút khác biệt, nhưng tựu chung có những điểm tương đồng. Trước hết, đó là vị thần bảo trợ cho cộng đồng làng xã (ngoại thành) hay phường (nội thành). Thí dụ, xưa Giảng Võ, Kim Mã thượng là những làng có đình thờ thành hoàng, nay trở thành một phường, dân cư tuy xen gép nhiều, nhưng việc thờ phụng Thành hoàng này, có trường hợp được nhiều làng hay phường thờ, như thần Cao Sơn Đại Vương, thánh Tam Giang, Linh Lang Đại Vương, Ông Hoàng Lệ Mật…, nhưng phần lớn các vị thần thành Hoàng là của riêng từng làng theo nguyên tắc “Chiêng làng nào làng ấy đánh, thành làng nào làng ấy thờ”. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, do hình thái cư dân mang tính đô thị, do tác động của các nhân tố chính trị - xã hội, nên một số vị thần thành hoàng, kèm thoe đó là các di tích thờ phụng và lễ hội dần mở rộng từ làng, phường ra thành liên làng, liên phường, thậm chí thành trung tâm lễ hội của cả một vùng. Hội Dóng, hội Lệ Mật, hội Thủ Lệ là các thí dụ điểm hình của quá trình biến đổi này.
 
 Ngôi đình là di tích vật chất của tục thời thành hoàng làng, là trung tâm sinh hoạt cộng đồng và lễ hội của làng; nó cùng với chùa và đền tạo thành quần thể di tích làng Việt cổ truyền. Tuy lịch sử các ngôi đình sớm muộn khác nhau, nhưng các kiến trúc đình còn tồn tại tới nay phần lớn đều mang phong cách kiến trúc và điêu khắc thời Nguyễn. Có lẽ do nhiều nguyên nhân mà các ngôi đình hiện nay có ở nội và ngoại thành Hà Nội đều không thật điển hình như các ngôi đình ở Xứ Đoài hay Kinh Bắc, như đình Tây Đằng, Đình Bảng, Phù Lựu…mà thường bị tàn phá nay khôi phục lại, hoặc là đã có sự biến dạng giữa đình và đền. Nhiều ngôi đình không chỉ mang phong cách kiến trúc mà ngay điện thần cũng có sự pha trộn giữa thờ thành hoàng làng và thờ các vị thần Đạo giáo dân gian khác.
 
 Kiến trúc các ngôi đình của vùng nội và ngoại thành Hà Nội đã có sự biến đổi, đó là từ một nơi sinh hoạt cộng đồng của làng xã, nơi mở hội hàng năm vào các ngày hỵ giỗ của Thành Hoàng, còn nơi để bằng sắc và thờ cúng thường xuyên của thành hoàng thì thường ở ngôi đình khác, mà có nơi gọi là đình nghè, như trường hợp ngôi đình nghè của làng Dương Đình, xã Dương Xá, Gia Lâm hay ngôi đình sắc của làng Triều Khúc, Thanh Trì. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử, nhiều nơi đình nghè hay đình sắc kết hợp với ngôi đình chính của làng, tạo nên hình thái ngôi đình không chỉ là nơi mở lễ hội mà còn là nơi thờ cúng thường xuyên Thành Hoàng làng trong hậu cung của ngôi đình làng đó.
 
 Lễ hội làng thờ Thành Hoàng cực kỳ phong phú đa dạng, nó phụ thuộc vào thần tích các vị thần, nhất là các tục hèm, truyền thống văn hóa của địa phương, từ đó tạo nên những sắc thái riêng không chỉ ở các nghi lễ thờ phụng mà cả các sinh hoạt lễ hội nữa. Các nhà nghiên cứu trước khi thường phân chia hội làng thành hai phần lễ và hội, trong đó lễ gồm các hành vi cúng lễ, tế tự, đám rước…, còn hội là các hoạt động thi tài, các trò chơi, trình diễn văn hóa nghệ thuật. Thực ra việc phân chia như vậy cũng có cái lí của nó, tuy nhiên cách phân chia đó rất dễ dẫn đến các quan niệm cực đoan, thậm chí là nguy hiểm, bởi vì từng có người quan niệm phần lễ là tôn giáo, tín ngưỡng, chứa đựng nhiều nguy cơ mê tín, dị đoan, còn phần hội là văn hóa, do vậy cần hạn chế nghi lễ và mở rộng, phát triển phần hội. Thực tế cách quan niệm đó không đúng, vì lễ không phải là mê tín, còn hội thì không thuần túy là vui chơi giải trí mà trong khung cảnh lễ hội, các trò diễn thi tài, vui chơi giải tí đó đã mang đậm tính nghi lễ và phong tục, tạo nên một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể lễ hội.
 
 Để hiểu rõ hơn lễ hội tôn thờ thành hoàng làng của Hà Nội, chúng tôi xin giới thiệu hệ thống lễ hội của làng Lệ Mật và Thập Tam Trại, mà câu ca dân gian có từ xa xưa đã nói lên phần nào sắc thái và quy mô của lễ hội này:
 
 Đến ngày hăm ba tháng ba
 
 Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
 
 Kinh quán, cựu quán đề huề
 
 Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.
 
 Huyền thoại về người con trai họ Hoàng ở Lệ Mật có công chém rắn cứu xác công chúa thời nhà Lý sau đó vua ban cho ân huệ được đem dân khai phá phía tây kinh thành Thăng Long, đã giải thích mối quan hệ giữa người dân Lệ Mật, được gọi là cựu quân (quê gốc) với cư dân thập tam trại (mười ba làng trại) ở phía tây kinh thành Thăng Long xưa, nay là các làng Cổng Vị, Giảng Võ, Liễu Giai, Vạn Bảo (Vạn Phúc), Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Vĩnh Phúc, Thủ Lệ, Kim Mã, Ngọc Khánh, Đại Yên, Khán Xuân (tức Xuân Biểu ngày nay), Cống Yên (Công AN), Hào Nam, gọi là dân kinh quán (dân kinh đô).
 
 Trong giới sử học đã có cuộc thảo luận dài về phạm vị của vùng Thập tam trại, nó có nằm trong kinh thành Thăng Long hay không, và đặc biệt Thập tam trại đã được hình thành từ bao giờ? Kết quả là có nhiều vấn đề đã sáng rõ, nhưng vẫn còn vấn đề còn tồn nghi. Tuy nhiên, có một thực tế không thể bàn cãi là mối quan hệ thân tộc và cư dân giữa làng Lệ Mật (Gia Lâm) và cư dân gốc của các làng, phường của Thập tam trại ngày xưa thể hiện việc thờ phụng thành hoàng là chàng trai họ Hoàng chém rắn và tổ chức lễ hội hàng năm.
 
 Trong số các làng thuộc Thập tam trại ngày nay, chỉ có 5 làng cùng thờ vị thành hoàng là chàng trai họ Hoàng Lệ Mật, năm làng thờ Linh Lang đại Vương, còn lại một số làng cùng thờ một số vị thần khác như Bố Cái Đại Vương (hai làng), Huyền Thiên Hắc Đế (hai làng), Bà Chúa Kho (Giảng Võ), Ngọc Hoa công chúa (Đại Yên)…Như vậy, có hai vị Thành hoàng được thờ chính là chàng trai họ Hoàng và Linh Lang, hai vị này đêu là các nhân vật huyền thoại, đều gắn với sông nước, đều lập công được vua nhà Lý trọng thưởng. Tuy có sự khác biệt về các vị thành hoàng được thờ ở Thập Tam Trại, tuy nhiên trong nghi lễ và lễ hội thì bên cạnh các việc thực thi ở các đình lang của mỗi làng thì hàng năm đều có lễ hội chung ở Lệ Mật vào dịp 23 tháng ba (AL). Điều này phản ánh nguồn cội chung về cư dân vùng Thập tam trại từ Lệ Mật, nhưng cũng phản ánh tính pha tạp về dân cư từ nhiều nguồn gốc (nhất là từ vùng Thanh Nghệ) đến sinh sống vào các thời kỳ lịch sử khác nhau, thậm chí quá trình đó đến nay cũng đang diễn ra.
 
 Từ mối quan hệ về dân cư và đặc biệt là cùng thờ phụng thành hoàng, nên hàng năm, theo quan niệm của nhân dân vẫn diễn ra cuộc “Kinh quán, cựu quán đuề huề” trong cùng một lễ hội ở Lệ Mật, tạo cho hệ thống lễ hội này một sắc thái riêng “độc nhất vô nhị” của hội làng của Hà Nội xưa kia cũng như hiện nay.
 
 Như đã nói trên, suốt nhiều năm nay, cứ mỗi dịp kỵ giỗ Thành hoàng làng Lệ Mật thì các làng (mà hiện nay nhiều làng đã mang tên mới là phường của nội thành Hà Nội) lại cùng quy tụ về cựu quán là đình làng Lệ Mật để mở hội. Lễ hội làng Lệ Mật có nhiều nét độc đáo, như lễ đánh bắt cá ở giếng trước đình, mà theo huyền thoại “Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây” để làm tiệc các dâng thần, là điệu múa giảo long tái hiện sư tích chàng trai họ Hoàng chém giảo long cứu công chúa nhà Lý…Tuy nhiên, có một điều độc đáo hơn đó là cuộc rước của đại diện 13 làng kinh quán, nay đã thành các phường của trung tâm thủ đô về dâng lễ thành hoàng làng Lệ Mật. Đi đầu mỗi đoàn là bảng hiệu để tên làng (phường), như Giảng Võ, Thủ Lệ, Ngọc Khánh, Đại Yên, Hào Nam, Kim Mã…, theo sau là các đại biểu ăn mặc chỉnh tề, có người mang lễ lần lượt theo đoàn rước vào dâng lễ thành hoàng ở trong đình. Dâng lễ xong, mọi người tỏa ra tham gia các sinh hoạt lễ hội và sau đó cùng tham dự bữa cỗ hưởng lộc thánh trước sự chào đón thân mật và thịnh tình của dân cựu quán Lệ Mật.
 
 Như vậy là thông qua việc thờ cúng thành hoàng và sinh hoạt lễ họi từ xa xưa tới nay, mối quan hệ giữa hai nhóm dân cư: cựu quán là cư dân nông thôn và kinh quán là cư dân đô thị vẫn được duy trì. Đây là mối quan hệ cố kết mang tính tâm linh và tự nguyện trong điều kiện xã hội đô thị hóa và hiện đại hóa, một mô hình tốt cho việc kế thừa các giá trị tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền trong đời sống xã hội hiện đại./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark