24/11/2012 | 15:16:00

Hổ quyền ngày xưa ở Thăng Long

“Đại Việt sử ký bản kỷ” chép: Khâm Từ Bảo Thắng Hoàng Thái hậu là vợ Trần Thánh Tông Thượng hoàng. Thượng hoàng thích xem đấu hổ, một hôm ngồi trên vọng lâu, sai quân thả hổ đấu với voi. Thái hậu cùng các Phi tần cùng ngồi xem với Thượng hoàng. Cửa chuồng hổ vừa mở, hổ bất ngờ nhảy lên vọng lâu, Thái hậu không biết làm cách nào, vội vàng lấy tấm chiếu lót dưới chân vua bao quanh che cho Thượng hoàng và mình. Hổ trèo lên nhìn xung quanh không thấy ai, gầm thét dữ dội và nhảy xuống.

Thượng hoàng cùng Thái hậu vô sự. Lại có một lần Thượng hoàng Trần Thánh Tông ngồi trên điện Thiên An coi đấu voi. Hôm ấy, con voi hung tợn này chưa được gặp hổ, nhưng đã hăm hở rống lên và xông lên điện. Quần thần tả hữu một phen mất vía, may có đội ngự vệ quân cầm giáo chĩa ra che chở nên voi rút lui. Thượng hoàng và Thái hậu bình an.

Đời Hậu Lê, trường hổ quyền – đấu hổ đặt ở trước sân đấu võ ở kinh đô Thăng Long. Các quan võ sợ hổ làm dữ, có thể nguy hiểm đến tính mạng mọi người và để bảo vệ loài voi quý có ích cho chiến trận nên cùng bàn với quan phủ sai người dùng kiềm cắt hết móng vuốt của hổ, hổ bị voi hạ đo ván ngay.

Thời nguyễn xuân thu nhị kỳ hàng năm đều có tổ chức hổ quyền. Những trận đấu không chỉ để vui xuân, mà cốt huấn luyện cho voi tập dượt thêm can đảm khi lâm trận. Vì voi có sức mạnh vô địch nhưng bản tính hiền lành và không sinh sự tấn công ai trước. Đấu trường dựng trên một khu đất ở gò Long Thọ, làng Nguyệt Biều, gần chợ hổ quyền bên bờ sông Hương, chung quanh có tường xây, ngoài đắp đất cao ba trượng. Phía trước là tam quan có cửa chính và hai cổng bên, chuồng voi và chuồng hổ ở hai cổng phụ. Mỗi chuồng đều có hào ăn thông ra hổ quyền.

Sân hổ quyền hình tròn, chu vi độ 40 trượng. Chính giữa giáp với tường phía sau, dựng khán đài cao, trên căng màn để vua và các quan ngồi xem. Ngày đầu dân chúng kinh thành Huế mở hội, đặt hương án bày đồ bái vọng suốt từ bờ sông Hương đến tận đấu trường. Xung quanh hổ quyền cắm cờ ngũ sắc, bày nghi trượng. Một đội vệ binh quân phục màu đỏ, đội nón sơn xanh, cầm giáo dài, đứng hai bên lối vào đấu trường.

Giờ Ngọ, vua đi thuyền rồng đến. Thuyền áp bờ, vua lên kiệu che bốn lọng vàng, tán tía. Đi đầu là lính ngự lâm quân, thị vệ gươm tuốt sáng ngời. Quần thần nghênh tiếp, kế đến đội nhạc cử hành lễ nhạc rồi theo vua lên khán đài. Vua quan yên vị. Tiếng loa, tiếng trống thúc liên hồi làm hiệu. Trên cao một võ quan mặc phẩm phục đánh ba tiếng trống lệnh, cửa chuồng hổ mở toang, một con hổ loang chạy vọt ra, ngoảnh hìn trừng trừng bốn phía rồi gầm lên vang dội. bên kia voi chần chừ chưa xông ra. Quản tượng phải lấy búa đánh thức voi xông trận.

Theo Lê Đình Trân trong cuốn “Cuộc đời oanh liệt của Tả quân Lê Văn Duyệt” khi Lê Văn Duyệt, giữ Tổng trấn thành Gia Định, hôm có xứ thần Xiêm La (Thái Lan ngày nay) ngồi trên vọng đài xem các võ sĩ của ta đấu với hổ. Dân chúng thành Gia Định chen chúc nô nức đến xem. Lệnh tả quân chỉ được bắt sống. Nhưng võ sĩ Lê Văn Khôi gặp con hổ dữ đã chồm lên tát gáy Khôi, Khôi né mình đánh một côn sắt vào hổ, hổ lăn ra giãy giụa một lúc thì chết. Xứ thần Xiêm La tấm tắc khen ngợi.

Nhưng tả hữu quân tức giận truyền cho quân sĩ bứt trói Khôi chịu tội. Lê Văn Khôi đã đứng trước vọng đài cúi đầu nhận tội vì đã giết hổ mà lệnh chỉ là bắt sống. Tả hữu đã bớt giận truyền lệnh cho quân thả hổ khác cho Khôi bắt sống. Cuộc tỉ thí lần này hồi hộp, vờn nhau với hổ dữ, Khôi đã dùng miếng võ hiểm đá vào hàm dưới của hổ, bất ngờ hổ đau quá, nằm lăn ra. Khôi lấy cuộn dây thừng trong mình ra trói lại, trước khán đài xin chuộc tội. Sứ thần không ngớt lời khen ngợi dũng sĩ đấu hổ. Tả quân Lê Văn Duyệt nói: “Bọn quân sĩ dưới trướng tôi đều thế cả, có gì mà đại nhân phải ngợi ca?” Đến cuối đời Tự Đức, hổ quyền mới được bãi bỏ./.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark