02/09/2010 | 15:35:00

Người bảo vệ lễ đài ngày độc lập

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên vườn hoa Ba Đình lịch sử năm 1945. (Nguồn: Internet)

Đã 60 năm trôi qua, nhưng đại tá công an Nguyễn Cao vẫn bồi hồi, xúc động nhớ về những ấn tượng hào hùng của ngày tổng khởi nghĩa 19/8 và đặc biệt là ngày 2/9, khi ông được vinh dự đứng trong đội ngũ những người bảo vệ lễ đài - nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên vườn hoa Ba Đình lịch sử năm 1945.

Bức ảnh lịch sử do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Bá Khoản bấm máy vào thời điểm Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập hào hùng, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, sau 60 năm vẫn được ông Nguyễn Cao lưu giữ như một bảo vật vô giá của gia đình.

Trong ảnh, chàng thanh niên Nguyễn Cao mới 23 tuổi đã trở thành một chứng nhân lịch sử, khi cùng đồng đội đứng nghiêm trang trước lễ đài, trước hàng vạn người dân Hà Nội vào khoảnh khắc thiêng liêng, lắng nghe hồn sông núi trong lời Bác. Năm nay tuy đã hơn 80 tuổi, nhưng ông vẫn minh mẫn, mặc dù sức đã yếu và đi lại rất khó khăn. Ngồi nói chuyện trong căn nhà nhỏ ở ngõ Hoàng An, phố Lê Duẩn, Hà Nội, ông như đang chầm chậm hồi tưởng lại những kỷ niệm về một thời oanh liệt không thể nào quên.

Nguyễn Cao sinh năm 1922, người chính gốc làng Trung Phụng, Hà Nội, ngôi nhà ông ở đã lưu truyền qua bảy đời. Sinh trưởng trong một gia đình làm nghề bốc thuốc, là học sinh của trường Gia Long, ông Cao sớm tham gia phong trào thanh niên cứu quốc. Tháng 3/1945, ông tham gia cách mạng, hoạt động ở Hà Nội và gia nhập tổ chức tiền thân của lực lượng Công an nhân dân.

Ngày ấy, các "Đội Tự vệ đỏ," "Tự vệ công nông," "Danh dự trừ gian," "Danh dự Việt Minh," "Hộ lương diệt ác," "Đội trinh sát" là các tổ chức làm nhiệm vụ nắm tình hình địch, diệt trừ Việt gian, phản động tay sai của Pháp và phátxít Nhật để bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng.

Tháng 8/1945, khi thời cơ đến, Đảng đã phát động cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, các tổ chức ấy đã cùng quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, đập tan các cơ quan đàn áp của địch, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi rực rỡ ở thủ đô Hà Nội. Các lực lượng tự vệ, trinh sát Việt Minh nhanh chóng chiếm lĩnh Sở Liêm phóng, trại Bảo an binh, nhà giam Hỏa Lò, các bốt cảnh sát Hàng Đậu, Hàng Trống, Khâm Thiên, đập tan công cụ đàn áp của phátxít Nhật và tay sai.

Ông Cao bồi hồi nhớ lại: "Ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, những thanh niên tham gia tổ chức Việt Minh như tôi hòa vào dòng người ào ạt đến chiếm trại Bảo an binh và các trụ sở của địch. Đấy là một ngày mà không khí sôi sục chiến đấu dâng cao trên khắp các đường phố Hà Nội và trên cả nước. Các tổ chức tự vệ, tổ chức thanh niên cứu quốc được thành lập ở khắp mọi nơi và dường như không một người Việt Nam yêu nước nào đứng ngoài cuộc. Thời điểm lịch sử ấy, trước phong trào cách mạng của nhân dân dâng lên hừng hực như "nước vỡ bờ" nên địch đã phải rút lui, bàn giao cho các tổ chức cách mạng và việc giành chính quyền ở Hà Nội không có đổ máu. Chiều 19/8, tôi cùng một số anh em trong tổ trinh sát được phân công đến tiếp thu Sở Liêm phóng của địch ở giữa lòng Hà Nội."

Sau ngày Tổng khởi nghĩa, ông Nguyễn Cao được cử làm tổ trưởng một tổ trinh sát (điều tra về chính trị và hình sự) của Sở Liêm phóng Bắc Bộ do ông Chu Đình Xương làm giám đốc. Tuy tên gọi khác nhau, nhưng các tổ chức Liêm phóng, Trinh sát, Quốc gia tự vệ (tiền thân của lực lượng Công an nhân dân sau này) đều chung một nhiệm vụ là đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo ra mắt quốc dân đồng bào tại vườn hoa Ba Đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước hàng chục vạn nhân dân thủ đô và các tỉnh lân cận. Lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc Bộ vinh dự được giao nhiệm vụ bảo vệ buổi lễ tại vườn hoa Ba Đình. Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ Chu Đình Xương đã trực tiếp chỉ đạo kế hoạch bảo vệ lãnh tụ và các thành viên Chính phủ, bảo vệ an ninh trật tự cuộc mít tinh, chống mọi hoạt động phá hoại của kẻ thù.

Hôm ấy, lực lượng trinh sát bí mật hóa trang trong dòng người dự mít tinh để phát hiện những hiện tượng nghi vấn, sẵn sàng ngăn chặn. Lực lượng cảnh sát được bố trí bảo vệ công khai các khối quần chúng, giữ gìn trật tự trong hàng ngũ những người dự mít tinh. Một số người được lựa chọn mặc trang phục, có súng ngắn hoặc súng trường để làm nhiệm vụ bảo vệ xung quanh lễ đài.

Các chiến sĩ cảnh sát có trang bị vũ khí đứng thành hàng rào hai bên đường, từ nơi xuất phát của lãnh tụ và các thành viên Chính phủ đến lễ đài. Một số chiến sỹ cảnh sát đi xe đạp hộ tống bảo vệ đoàn xe Chính phủ trên đường đi đến Quảng trường. Giám đốc Sở Liêm phóng Chu Đình Xương là người trực tiếp bảo vệ Bác Hồ từ khi người rời phòng làm việc lên lễ đài đọc Tuyên ngôn Độc lập, đến khi tiếp xúc với nhân dân.

Ông Nguyễn Cao xúc động kể lại: Khoảng 8 giờ sáng ngày 2/9, anh Chu Đình Xương triệu tập các tổ trinh sát công an và nói với chúng tôi: "Hôm nay là ngày tuyên bố độc lập của đất nước, có tổ chức míttinh tại vườn hoa Ba Đình, và có Cụ Hồ đến dự lễ," rồi anh Xương phân công, giao nhiệm vụ cho anh em trinh sát chúng tôi trực tiếp bảo vệ, đứng trước lễ đài khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, để giữ gìn trật tự và đề phòng địch có thể tấn công.

Lúc bấy giờ vườn hoa Ba Đình là một bãi đất rộng mênh mông có thể chứa tới hàng chục vạn người, phía bên phải là phủ Toàn quyền do Pháp xây dựng. Lễ đài đã được một số kiến trúc sư dựng bằng gỗ từ hôm trước, cao gần 5m, xung quanh phủ nhung đỏ, trên viền trắng. Khoảng 12 giờ trưa 2/9, các anh em trinh sát công an chúng tôi triển khai đứng vào các vị trí bảo vệ xung yếu.

Lúc đó, tôi đầu trần, mặc sơmi ngắn tay và quần dài trắng, tay cầm súng ngắn. Một số trinh sát khác thì mặc quần soóc trắng, đội mũ cát như anh Nguyễn Dung. Thật ra lúc bấy giờ mới tổng khởi nghĩa được ít ngày, chúng tôi chưa được trang bị đồng phục, các trinh sát đều tự túc quần áo, có gì mặc nấy, thậm chí tự trang bị cả vũ khí, bản thân tôi khi tham gia khởi nghĩa cũng tự mua được một khẩu súng ngắn trang bị cho mình.

Chiều 2/9 hôm ấy, trời trong xanh, ít mây, nắng mùa thu không gắt lắm. Khoảng 14 giờ chiều, Bác Hồ cùng với các thành viên Chính phủ đi xe từ Bắc Bộ phủ đến vườn hoa Ba Đình. Bác đi trên một chiếc xe ôtô con hiệu Citroen màu đen. Bác đi từ phía sau lễ đài lên. Lúc đó, ông Chu Đình Xương là người cầm ô che nắng cho Bác Hồ trong quá trình đứng trên lễ đài. Chỗ tôi đứng cách lễ đài chừng 3m.

Khi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, hàng chục vạn người dân xúc động lắng nghe. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, tôi vô cùng cảm động, vinh dự, tự hào khi dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi ách nô lệ, đất nước đã giành được độc lập, người Việt Nam đã có một chính quyền mới do Bác Hồ lãnh đạo.

Lúc ấy, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản như vậy thôi. Đúng ra, với trách nhiệm người bảo vệ đứng trước lễ đài, anh em chúng tôi cũng khá căng thẳng, tai thì nghe tiếng Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập qua hệ thống loa phóng thanh, nhưng còn mắt thì phải chăm chú theo dõi mọi động thái diễn biến của biển người trước mặt. Lúc Bác đọc Tuyên ngôn, cả quảng trường lặng yên phăng phắc. Khi Bác hỏi: "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?", cả biển người trào lên: "Có! Có!". Lễ Tuyên ngôn Độc lập diễn ra khoảng một giờ. Khi Bác Hồ rời lễ đài vẫy tay chào quốc dân đồng bào, cả một biển người trào lên náo nức."

Sau ngày 2/9 lịch sử ấy, ông Nguyễn Cao còn được một số lần bảo vệ Bác Hồ khi người đi công tác trong thành phố và tham gia phá một số vụ án liên quan đến bọn phản động. Cuối năm 1946, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ hai, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Năm 1947-1948, ông Nguyễn Cao làm Trưởng công an huyện Chương Mỹ rồi huyện Phú Xuyên. Năm 1950, ông ra Liên khu 3 theo học một khóa đào tạo chính quy và liên tục công tác trong lực lượng công an nhân dân qua suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến. Năm 1975, ông có mặt trong đoàn công tác của ngành công an tiếp quản Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1978, ông được cử làm Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông của Bộ Công an cho đến ngày về hưu với hàm đại tá./.

(Nghìn năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark