31/08/2010 | 15:36:09

Bắt đầu kế hoạch dựng 100 kịch bản sân khấu

Vở "Brand" trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. (Nguồn: TT&VH)

Nhiều người tưởng đề án Dàn dựng 100 kịch bản chọn lọc của Việt Nam và thế giới, sau một thời gian gây xôn xao dư luận, đã rơi vào… quên lãng. Nhưng thực tế, đề án này đang được lên kế hoạch thực hiện từ sau ngày 30/9 tới, kéo dài từ năm 2010-2020…

Đầu tư gần 150 triệu/vở thì phải diễn 30-50 buổi trở lên

Ý tưởng dàn dựng 100 kịch bản kinh điển khởi nguồn tháng 3/2008 khi Nhà hát Tuổi trẻ bắt tay dàn dựng "Âm mưu và tình yêu." Lúc đó, đạo diễn-nghệ sỹ Nhân dân Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát cho biết ông đã gửi thư đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch giao cho nhà hát được phép lập kế hoạch lựa chọn, dàn dựng và giới thiệu lâu dài, trong thời gian từ nay đến 2020, những tác phẩm kịch nói của sân khấu thế giới với tiến độ từ bốn đến sáu vở diễn/năm. Dự kiến, kinh phí đầu tư của dự án lên tới 40 tỷ đồng...

Ngay lập tức, giới làm nghề đã tỏ ra xôn xao trước những thông tin trên... Chính vì thế, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã chính thức vào cuộc, giao cho Cục Nghệ thuật Biểu diễn lập đề án Dàn dựng 100 kịch bản chọn lọc của Việt Nam và thế giới.

Theo đề án này, yêu cầu với đơn vị dàn dựng khá khắt khe như phải có bề dày thành tích hoạt động nghệ thuật, thực sự tâm huyết với việc dàn dựng các tác phẩm, có đội ngũ cán bộ tổ chức biểu diễn đủ năng lực...

Đề án sẽ được thực hiện trong vòng 11 năm, kinh phí đầu tư và dàn dựng được điều chỉnh phù hợp thực tế theo định kỳ 3 năm/lần. Dự kiến, với những kịch bản tuồng, chèo, cải lương truyền thống, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật dàn dựng, khôi phục mức tối đa không quá 150 triệu đồng.

Những kịch bản tuồng, chèo, cải lương, dân ca có đề tài lịch sử, dân gian hay kịch nói trong và ngoài nước nhận kinh phí hỗ trợ “đồng hạng” là 130 triệu đồng đối với cả đơn vị công lập cũng như ngoài công lập.

Sẽ dựng 22 kịch bản nước ngoài

Hiện tại, Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra danh sách hơn 170 kịch bản chọn lọc để lấy ý kiến. Kết hợp với đề xuất của các đơn vị, Cục sẽ chọn ra 18 kịch bản chèo, 13 kịch bản tuồng, 15 kịch bản cải lương, 10 kịch bản dân ca kịch, 22 kịch bản kịch trong nước và 22 kịch bản kịch nước ngoài để dàn dựng.

Ngoài kinh phí dàn dựng, Bộ cũng sẽ hỗ trợ kinh phí phổ biến tác phẩm đến công chúng. Tuy nhiên, điều kiện bắt buộc là vở diễn phải đảm bảo phục vụ khán giả tối thiểu 50 buổi đối với kịch nói và 30 buổi đối với tác phẩm kịch hát trong thời gian 24 tháng sau khi dàn dựng.

Ban đầu yêu cầu này là 80 buổi diễn đã được xem là không khả thi... 100 vở diễn cũng sẽ được lưu trữ bằng phương pháp số hóa nhằm phục vụ học tập, nghiên cứu, giảng dạy.

Người hào hứng, người thờ ơ

Ngay từ khi đề án được đưa ra lấy ý kiến, không ít người trong nghề đã cho rằng nó không khả thi.

Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đề án không hấp dẫn với các đơn vị trên địa bàn, kể cả với đoàn nhà nước và các đơn vị xã hội hóa. Hội cũng cho rằng, đề án đưa ra đúng nhưng chưa phù phợp với điều kiện hiện tại về công chúng, cơ sở vật chất.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc sân khấu kịch IDECAF - kinh phí đầu tư thấp, nhưng yêu cầu của đề án lại cao nên không thể thực hiện được. Ông Tuấn cũng cho rằng đầu tư cho tuồng, chèo, cải lương truyền thống nhiều hơn các loại hình khác là không công bằng. Ông cũng đề xuất kinh phí dàn dựng 200 triệu đồng/vở và chỉ diễn tối đa 20 suất.

Trong khi các đơn vị ở Thành phố Hồ Chí Minh tỏ ra khá thờ ơ với đề án này, Nhà hát Tuổi trẻ lại rất hào hứng kể cả khi không có đề án cũng như sự hỗ trợ trực tiếp từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Thực tế, năm 2007, chính ý tưởng dàn dựng 100 kịch bản kinh điển thế giới của nhà hát này đã nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Nhiều năm nay, nhà hát cũng đã dàn dựng hàng loạt vở kinh điển của các kịch tác gia nổi tiếng thế giới như "Nhà búp bê," "Âm mưu và tình yêu," "Brand," "Con vịt trời."

Đó không phải là “cuộc chơi” xa xỉ như suy nghĩ của nhiều người, ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, lý giải: “Thế giới có ba Festival sân khấu kịch lớn được tổ chức hằng năm tại Trung Quốc, Nhật Bản và Anh. Dựng những vở kinh điển thế giới là cách duy nhất để hội nhập với những sân chơi lớn này. Đây cũng là hướng đi nghệ thuật của nhà hát từ nhiều năm nay."

Vở "Macbeth" từng tham gia Liên hoan Sân khấu quốc tế Trung Quốc; tháng Mười tới, vở "Nhà búp bê" sẽ tiếp tục được mời tham dự liên hoan này. Cũng trong tháng 11 năm nay, vở "Con vịt trời" sẽ góp mặt tại Liên hoan Kịch quốc tế Ipsen Tokyo. Trong tương lai, Nhà hát sẽ dựng những vở kinh điển của Chekhov như "Ba chị em," "Vườn anh đào,” ông Nhuận cho biết. 

Tuy vậy, ông Nhuận cũng cho rằng đề án cũng không nên “áp” số lượng buổi diễn phục vụ khán giả./.

Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark